Đi tìm các chỉ số mới
Thời báo Kinh tế Sài Gòn
(TBKTSG) - Đại dịch Covid-19 làm đảo lộn cuộc sống ở nhiều phương diện, trong đó có cả các tiêu chí thường dùng để đánh giá nền kinh tế. Các điều tưởng chừng bất biến trong nhiều năm qua nay không còn đúng nữa như chỉ số chứng khoán tăng chưa chắc đã phản ánh một nền kinh tế mạnh khỏe. Năm 2020 GDP nhiều nước rơi vào tình trạng tăng trưởng âm, nhưng chỉ số chính của thị trường chứng khoán vẫn tăng cao chưa từng thấy.
Người lao động làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: TTXVN |
Ở nước ta, nhiều chỉ số cũng rơi vào tình trạng đó như dư nợ tín dụng đến cuối năm 2020 tăng mạnh, lên 12,13% so với cuối năm 2019, tức thấp hơn con số tăng trưởng dư nợ tín dụng của năm trước không bao nhiêu, trong khi GDP năm 2020 tăng thấp hơn những năm trước khá nhiều. Nhiều nhà kinh tế chỉ ra rằng điều đó chứng tỏ dư nợ tín dụng không chảy vào phục vụ tăng trưởng kinh tế mà có thể đã góp phần làm tăng giá các loại tài sản khác kể cả chứng khoán và bất động sản.
Thiết nghĩ trong bối cảnh đó, cần đi tìm các chỉ số mới có thể phản ánh đúng sức khỏe của nền kinh tế, hay nói đúng ra phản ánh được sức khỏe tài chính, mức sống, an sinh xã hội của người dân bình thường nhằm giúp điều chỉnh các chính sách vĩ mô một cách chính xác hơn. Đi tìm các chỉ số phù hợp là công việc của các nhà kinh tế và các nhà hoạch định chính sách. Ở đây chỉ xin nhấn mạnh đến một vài ý, trong đó quan trọng nhất là nhận thức GDP không còn là chỉ số cần theo đuổi trên con đường phát triển bền vững.
Như hiện nay, nhiều nước nhận định tăng trưởng GDP đang theo hình chữ K, nhánh trên là nhóm người giàu, với họ tăng trưởng vẫn không kém gì trước khi có đại dịch và nhánh dưới là công nhân không thể làm việc từ nhà, hoặc đang chịu thất nghiệp hoặc tiếp tục nhận đồng lương kém cỏi trong khi phải phơi nhiễm cho rủi ro Covid-19. Tăng trưởng theo cách chênh lệch trong thu nhập giữa hai nhánh ngày càng lớn như thế thì không còn ý nghĩa gì.
Để hướng đến một xã hội phát triển bền vững, các chỉ số khác quan trọng hơn nhiều như tình trạng thất nghiệp giảm, sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với chuyên môn được đào tạo, năng lượng tái tạo ngày càng thay thế các nguồn năng lượng gây ô nhiễm, môi trường được bảo vệ, ngày càng có nhiều người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục tốt, sách giáo khoa không còn sai sót, thu nhập của người lao động được cải thiện...
Việc đi tìm các chỉ số đánh giá khác sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu chúng ta quan niệm phát triển kinh tế không chỉ vì đơn thuần là chuyện phát triển, như làm ra nhiều máy móc hơn, xuất khẩu nhiều hàng hóa hơn. Cứ nghĩ lại mà xem, từ khi chiếc điện thoại di động ra đời cho đến nay, chỉ vài chục năm ngắn ngủi mà một người trung bình đã trải qua bao nhiêu chiếc máy?
Hàng tỉ chiếc máy bị bỏ đi là GDP trong quá khứ, nhưng giờ thành rác thải của tương lai. Phát triển kinh tế phải quay lại phục vụ cho cuộc sống, nhất là cho người có thu nhập thấp, sống nhờ sức lao động chứ không nhờ vốn liếng. Cứ trả lời cho được câu hỏi, liệu lượng hàng hóa sản xuất hay dịch vụ cung ứng tăng thêm có thật sự phục vụ cho niềm hạnh phúc con người không là chúng ta đã phần nào tìm các chỉ số muốn tìm.
Xem thêm: lmth.iom-os-ihc-cac-mit-id/948213/nv.semitnogiaseht.www