Bong bóng tài sản và câu chuyện đoán đỉnh thị trường
Triêu Dương
(TBKTSG) - Phát triển và nâng cao các thị trường vốn như chứng khoán để giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường tiền tệ và kênh dẫn vốn của ngân hàng là mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ. Do đó, việc dịch chuyển dòng tiền từ tiết kiệm hay các kênh đầu tư có tính tích trữ mà có thể làm tăng mức độ vàng hóa hay đô la hóa sang chứng khoán là được khuyến khích.
Có nên đoán đỉnh?
Chỉ trong vòng nửa đầu tháng 1-2021, chỉ số VN-Index đã tăng đến 90 điểm, tương ứng mức tăng hơn 8,2%, trong khi HNX-Index tăng đến 13,5%, đánh dấu sự khởi đầu năm mới mạnh mẽ nhất trong nhiều năm qua. Còn nếu tính từ cuối tháng 10-2020, VN-Index đã tăng đến 29% và HNX-Index tăng đến 71%, trở thành một trong những thị trường giá lên mạnh mẽ nhất trên toàn cầu.
Và như thường lệ, mỗi khi thị trường bứt phá mạnh mẽ, giới phân tích lại thi nhau đoán đỉnh thị trường hoặc đưa ra những cảnh báo và lo ngại về bong bóng tài sản. Sự đi lên quá nhanh luôn đồng nghĩa với mức độ quá nguy hiểm là tư duy thông thường và phổ biến trong suy nghĩ của nhiều người, nhất là khi không ít người - những nhà đầu tư kỳ cựu thuộc thế hệ Fn, đã từng nếm trải những hậu quả cay đắng trong quá khứ khi trót đu đỉnh và giờ như “chim sợ cành cong”.
Tuy nhiên, đối với những nhà giao dịch thực chiến, việc đoán đỉnh thị trường dường như là điều vô nghĩa, vì trong một thị trường giá lên mạnh mẽ, gần như không ai biết được thị trường có thể tăng đến đâu khi sự điên rồ của con người và mức phi lý của thị trường có thể tồn tại lâu hơn bất kỳ dự đoán và khả năng chịu đựng của những nhà đầu tư bị “lỡ tàu” hoặc “ăn non”.
Đối với những nhà giao dịch thực chiến, việc đoán đỉnh thị trường dường như là điều vô nghĩa, vì trong một thị trường giá lên mạnh mẽ, gần như không ai biết được thị trường có thể tăng đến đâu khi sự điên rồ của con người và mức phi lý của thị trường có thể tồn tại lâu hơn bất kỳ dự đoán và khả năng chịu đựng của những nhà đầu tư bị “lỡ tàu” hoặc “ăn non”. |
Nếu như chỉ số HNX-Index đã sớm vượt đỉnh kỷ lục cũ từ tháng 11-2020 và thiết lập hết đỉnh cao này đến đỉnh cao khác từ đó đến nay, thì mốc 1.200 điểm đang được xem là ngưỡng kháng cự mạnh nhất trong thời điểm này của VN-Index, khi thị trường đã thất bại liên tục khi thử thách ngưỡng này trong những phiên gần đây.
Do đó, không ít nhà đầu tư đã quyết định chốt lời ngay tại vùng cản này trong những ngày vừa qua cũng là điều dễ hiểu, mà sau đó có lẽ đã dẫn đến phiên bán tháo ngày 19-1-2021.
Tuy nhiên, như đã nói, việc đoán đỉnh thị trường chỉ đơn thuần là một trò chơi may rủi, khi quá khứ không phải bao giờ cũng lặp lại và tâm lý nhà đầu tư cũng như bối cảnh thị trường mỗi giai đoạn là khác biệt.
Do đó, không ít nhà đầu tư quốc tế huyền thoại từng chia sẻ rằng họ chỉ đơn thuần quan sát dòng tiền và phản ứng theo diễn biến thực tế của thị trường để lựa chọn chiến lược hành động phù hợp. Huống chi, những mức kháng cự được sinh ra là để vượt qua và những đỉnh cao, là để chinh phục, trong khi chúng ta thường chỉ nhận biết được đỉnh cao khi đã đi qua nó.
Sự điều chỉnh, nếu có diễn ra, cũng chỉ là hệ quả tất yếu và cần thiết để củng cố trong một xu hướng đi lên dài hạn, cũng như mở ra cơ hội “lên tàu” cho những lớp nhà đầu tư mới tham gia và khuyến khích dòng tiền đã sớm thoát ra trước đây quay trở lại.
Thực tế, hầu hết các tổ chức đều đưa ra những dự báo lạc quan cho chứng khoán Việt Nam trong năm nay khi cho rằng mốc 1.200 điểm không phải là vấn đề và chỉ số VN-Index có thể còn vươn lên những tầm cao mới trong điều kiện nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực hiện nay cũng như giai đoạn tới. Do đó, những đợt điều chỉnh có thể là cơ hội để tái cấu trúc danh mục đầu tư và thu hút dòng tiền tham gia trở lại.
Có quá sớm để lo ngại bong bóng tài sản?
Bên cạnh những chuyên gia phân tích và những nhà đầu tư thích đoán đỉnh thị trường, một số ý kiến cũng liên tục lặp lại nỗi lo ngại về bong bóng tài sản ở thị trường cổ phiếu. Dĩ nhiên bong bóng tài sản có thể một lúc nào đó sẽ hình thành, không phải năm nay thì có thể là năm sau hoặc năm sau nữa, nhưng nếu cứ chờ đợi và lo sợ quá sớm như vậy sẽ khiến nhà đầu tư bỏ lỡ cơ hội ở những thị trường giá lên mạnh mẽ.
Thực tế quá khứ cho thấy không ít chuyên gia kinh tế từng liên tục cảnh báo về khủng hoảng năm này qua năm khác, và đúng là sau đó khủng hoảng xảy ra thật, nhưng thường trễ hơn một khoảng thời gian đáng kể kể từ lời cảnh báo ban đầu, khiến không ít người sớm lo sợ mà đã “co vòi” thu hẹp hoạt động. Thay vào đó, những “tay chơi” lão luyện chỉ đơn thuần tiếp tục giữ vị thế và “nhảy múa” khi cuộc vui vẫn chưa có dấu hiệu tàn cuộc, với buổi tiệc vẫn đang thu hút thêm những người mới đến tham gia.
Quay trở lại với thị trường chứng khoán Việt Nam, ngoài yếu tố thị trường đã tăng quá nóng trong thời gian ngắn vừa qua, một trong những cơ sở của lo ngại bong bóng tài sản là chính sách tiền rẻ và mặt bằng lãi suất thấp hiện nay đang thúc đẩy dòng tiền đổ vào chứng khoán và tạo nên bong bóng, mà không phải vào các hoạt động sản xuất kinh doanh thực của nền kinh tế.
Tuy nhiên, ở đây chúng ta cần nhìn nhận rằng chính sách tín dụng của nhà điều hành từ trước đến nay vẫn duy trì sự hạn chế dòng vốn rót vào các thị trường rủi ro như chứng khoán hay bất động sản. Theo số liệu cập nhật tính đến ngày 21-12-2020, tín dụng cho chứng khoán chỉ tăng nhẹ 0,2% so với đầu năm.
Thay vào đó, dòng vốn rót mạnh vào thị trường chứng khoán trong thời gian qua, thứ nhất là từ kênh tiền gửi ngân hàng dịch chuyển sang do lãi suất tiết kiệm liên tục giảm mạnh về mức thấp. Thứ hai là từ các kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng hay ngoại tệ chuyển sang vì chứng khoán đang cho khả năng sinh lời cao hơn và có tính thanh khoản tốt hơn. Thứ ba là dòng vốn margin tăng mạnh do các công ty chứng khoán trong nước lẫn nước ngoài có điều kiện tăng vốn tự có cũng như có cơ hội vay thêm vốn quốc tế trong bối cảnh lãi suất tại các nước đều thấp kỷ lục như hiện nay.
Xu hướng này được đánh giá là tích cực, vì phát triển và nâng cao các thị trường vốn như chứng khoán để giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường tiền tệ và kênh dẫn vốn của ngân hàng là mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ trong thời gian gần đây. Do đó, việc dịch chuyển dòng tiền từ tiết kiệm hay các kênh đầu tư có tính tích trữ mà có thể làm tăng mức độ vàng hóa hay đô la hóa sang chứng khoán là được khuyến khích.
Trong khi đó, dòng vốn quốc tế rót vào thị trường, thông qua việc các công ty chứng khoán nước ngoài tăng vốn hay công ty trong nước vay vốn quốc tế, cũng là xu hướng tích cực cho thấy niềm tin vào triển vọng phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Ngoài ra, để đánh giá có bong bóng hay không chúng ta có thể so sánh với các nước trong khu vực cũng như chính bản thân của chỉ số trong quá khứ. Là quốc gia hiếm hoi trên thế giới giữ được tăng trưởng dương trong năm 2020 và có mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2021 so với thế giới nói chung và các nước trong khu vực nói riêng, hệ số P/E (giá trên thu nhập của một cổ phiếu) của VN-Index hiện vẫn thấp hơn mức bình quân 26x của các nước trong khu vực châu Á cũng như các nước ở Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan, Indonesia hay Philippines.
Trong khi đó, Việt Nam cũng có lợi thế lớn như là địa điểm đang thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài dịch chuyển sang cũng như dòng vốn đầu tư gián tiếp trước triển vọng được nâng hạng trong giai đoạn tới. Theo đó dòng tiền đầu tư từ quốc tế có thể tiếp tục gia tăng và khiến cuộc chơi ngày càng sôi động hơn.
Mức P/E gần 20 của VN-Index hiện nay cũng thấp hơn mức đỉnh cao quanh 22x khi thị trường thiết lập kỷ lục điểm số ở 1.200 điểm vào tháng 4-2018 và cách xa mức P/E kỷ lục gần 37 lần vào tháng 3-2007. Chính vì vậy mà không ít tổ chức đã mạnh dạn đưa ra những dự báo tăng trưởng mạnh mẽ cho thị trường trong năm nay, từ quỹ ngoại như Pyn Elite dự đoán VN-Index có thể lên tới 1.800 điểm, cho đến các công ty chứng khoán như Yuanta cho rằng VN-Index có thể lên mức 1.705 điểm trong năm 2021, tương đương với P/E dự phòng 22,5x ở kịch bản tốt nhất.
Đáng lưu ý là dù, theo thống kê, VN-Index đến cuối năm 2020 tăng gần 70% so với mức đáy cuối tháng 3 cùng năm, nhưng nếu tính chung cả năm 2020 thì chỉ số này cũng chỉ tăng chưa đến 15%, dù cao hơn mức tăng của năm 2018 và 2019, nhưng chỉ xấp xỉ mức tăng của năm 2016 và thấp hơn nhiều mức tăng 47% của năm 2017.
Cuối cùng, thay vì đoán đỉnh hay lo sợ bong bóng tài sản dựa trên những luận điểm cũng chỉ mang tính chất dự báo, nhà đầu tư nên tập trung quan sát những điều kiện thị trường, thanh khoản và dòng tiền, các yếu tố vĩ mô, cũng như xu hướng trong kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Theo đó, diễn biến lãi suất có lẽ là một trong những chỉ báo quan trọng. Cụ thể, nếu lãi suất có dấu hiệu nhấp nhổm tăng trở lại và báo hiệu thời kỳ tiền rẻ đang dần kết thúc, nhà đầu tư có thể cẩn trọng hơn với xu hướng của thị trường.
Xem thêm: lmth.gnourt-iht-hnid-naod-neyuhc-uac-av-nas-iat-gnob-gnob/098213/nv.semitnogiaseht.www