Từ 3h30 sáng, bếp ăn từ thiện đã đông đúc cô chú và đỏ lửa yêu thương - Ảnh: C.CÔNG
"Người khờ" là cách gọi đầy chia sẻ của những tấm lòng người Hậu Giang dành cho những người không may mắc bệnh tâm thần. Nói "người khờ" may mắn cũng không có ý so sánh họ với ai, bởi trên hết khi những tấm lòng cứ âm thầm chăm sóc cho những "người khờ" ngày qua ngày thì câu chuyện hồn hậu như tên vùng đất ấy đã được viết nên.
Mỗi người một tay, rộng lòng chia sẻ
Cho gạo và nước vào cái chảo lá sen được bắc sẵn ở chái bếp, bà Trần Thị Bé Tư (66 tuổi, ở phường Lái Hiếu, TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) lui cui ôm mớ củi khô thổi lửa nấu cháo từ 3h30 sáng cho "người khờ". Bén củi, ngọn lửa bập bùng làm cho nước trong chảo lá sen bắt đầu sôi - nước càng sôi, hạt gạo càng căng mình nở mềm sánh đặc.
Món cháo trắng lá dứa mà bà Bé Tư và bà Bùi Thị Đặng (phường 7, TP Vị Thanh) trắng đêm thức nấu ở bếp ăn từ thiện Vị Thủy đêm nay cứ thế lan tỏa "mùi hương" nhân nghĩa.
"Riu riu lửa nồi cháo chút nữa sẽ chín nhừ. Lát nữa anh Tư Bé sẽ xách xe mang đến cho những người khờ ăn sáng", bà Bé Tư vừa múc cháo vừa rôm rả nói chuyện. Đúng 5h30 sáng, đôi tay nhỏ nhắn nhưng nổi cộm những "ống gân lực điền" của bà Bé Tư múc cháo bỏ vào thùng.
6h sáng, ôtô chuyên chở cháo do ông Phạm Văn Bé (Tư Bé) ở huyện Vị Thủy cầm lái cũng đã lăn bánh rời khỏi bếp ăn. Ở góc bếp, bà Bé Tư và bà Đặng lật đật rửa chảo để chuẩn bị bữa nấu đồ ăn chay dinh dưỡng vào ngày mai.
Bà Bé Tư cho biết bếp ăn từ thiện ở huyện Vị Thủy này được dựng lên gần nửa năm nay từ việc vận động của ông Trần Văn Út (Út Dẹp) ở xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ với ngót 177 triệu đồng.
Bếp ăn phục vụ các "người khờ" là chính. Món ăn và thức uống thường ngày là cháo trắng, nước sôi. Bà Bé Tư và gần 10 bà mẹ quê hùn hạp tiền lại nấu thêm nui, bún xào, bánh canh hay bánh mì chay... luân phiên 2 ngày/tháng.
Móc cạn tiền nấu món ăn ngon
Ở quê, bà Bé Tư cũng chẳng mấy gì khá giả. Ngoài nhà ở, bà có duy nhất cái phòng trọ cho thuê với giá 1,8 triệu đồng/tháng để hậu thân. Bà Đặng có ít công ruộng để mần ăn. Giáp hạt xong, gia đình bà cũng coi như nhẵn túi. Còn bà Hai Bé góa chồng, con mần ăn xa, lâu lâu gửi về 500.000 - 1 triệu đồng cho bà tiêu xài. Ấy mà hễ bàn đến chuyện giúp người, các bà đều đồng lòng rút ruột cho đi.
"Mình giúp được thì giúp thôi, cái mình cho đi nó sẽ còn mãi...", bà Bé Tư nói xong rồi móc cái điện thoại gọi cho bà Ngô Thị Phấn (Bảy Phấn), cũng ở huyện Vị Thủy, hẹn ngày mai nấu nui cho "người khờ". Ngồi kế bên, bà Đặng hồ hởi: "Tui còn năm chục ngàn nè chị Tư. Chị coi mua gì mua giúp tui nghen". "Tui nữa! Tui gửi chị một trăm ngàn đồng", thêm bà Võ Thị Khởi vui vẻ móc tiền trong túi ra đưa.
Xong việc kêu gọi, bà Bé Tư và bà Phấn đi chợ Nàng Mau, mua đủ nguyên liệu cho món nui. 3h chiều cùng ngày, các bà xúm xít lại xắn tay vào, người cắt củ cải, người lặt rau, rửa nấm... "Tụi tôi nấu nui chay nhưng tôi thấy cũng đầy đủ dinh dưỡng. Mai vô trỏng, người ta bỏ thêm thịt bằm là ngon lành luôn", bà Bảy Phấn cười hào sảng.
Mỗi thau cháo là tấm lòng cô chú muốn sưởi ấm tinh thần cho bênh nhân - Ảnh: C.CÔNG
Ấm lòng "người khờ"
Ông Tư Bé cho rằng ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Hậu Giang, Nhà nước sẽ có chế độ lo lắng chu đáo cho "người khờ" từ miếng ăn, viên thuốc đến giấc ngủ... Vì thế, những bữa ăn "nghĩa tình" đạm bạc của các bà mẹ U60 này chỉ phần nào góp thêm chút công sức, yêu thương để họ thêm ấm lòng mà sớm mau lành hết bệnh, trở về với cuộc sống đời thường.
Bếp ăn từ thiện của gần 10 bà mẹ da mồi ở Vị Thủy cứ thế chia đều nhau thành 4 tổ trực/tháng (mỗi tổ 2 người nấu chính) để đêm ngày thổi lửa nấu cháo, nấu nước... và chuyến xe yêu thương của ông Tư Bé vẫn lặng lẽ lăn bánh xé tan sương đêm mang dinh dưỡng đến "người khờ".
Ông Lê Văn Cao, giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Hậu Giang, chia sẻ bếp ăn từ thiện của những bà mẹ da mồi này đồng hành với trung tâm từ năm 2015 đến giờ (từ lúc còn bên TP Ngã Bảy đến khi dời về huyện Vị Thủy, Hậu Giang) và đúng 6h sáng mỗi ngày cô chú sẽ đều đặn mang cháo trắng và nước sôi đến - cháo trắng thì trung tâm bổ sung thịt bằm cho bệnh nhân.
Từ đó kết hợp với chăm sóc, uống thuốc đều đặn, bệnh nhân phục hồi bệnh tình nhanh. Mỗi năm có 30 - 40 bệnh nhân ở trung tâm hết bệnh về nhà, hòa nhập với cộng đồng và xã hội.
"Quý lắm! Việc làm của cô chú ở tổ từ thiện cơm cháo - nước sôi này có ý nghĩa lắm. Cô chú cung cấp cháo trắng, nước sôi nhưng nó góp phần chung tay cùng với trung tâm chăm sóc bệnh nhân. Bữa ăn sáng có rồi, chúng tôi tập trung vào công việc chăm sóc nên người bệnh cảm nhận được sự yêu thương nhiều hơn và họ sẽ sớm hết bệnh", ông Cao nhấn mạnh.
Thuê nhà nấu ăn, chủ nhà cùng chia sẻ
Lọt thỏm giữa đồng vắng, bếp ăn từ thiện của những bà mẹ quê U60 ở Vị Thủy được gầy dựng nhờ sự đồng lòng của mọi người. Sau những lần dày công nấu ăn, các cô, các chú vẫn còn vất vả lo cho tiền thuê nhà 10 triệu đồng/năm.
"Chủ thuê nhà cũng được lắm. Đáng lý ra chúng tôi phải thuê 12 triệu đồng/năm nhưng họ thương chỉ lấy 10 triệu đồng", ông Út Dẹp bày tỏ.
Lập quỹ giúp người gặp khó
Quà cho không bằng cách cho, và cách cho đi của cô chú ở bếp ăn từ thiện huyện Vị Thủy là mọi người dự kiến lập quỹ giúp người nghèo khó ở địa phương. Quỹ này mọi người đóng góp trên tinh thần tự nguyện. Sau đó có người quản lý chung, rồi sẽ chi ra để nấu ăn cho những "người khờ", giúp những người nghèo hay người đau ốm bệnh tật mà họ không có khả năng đi chữa trị.
"Quỹ này chừng ít triệu bạc để chúng tôi có nguồn chi ra giúp đỡ liền cho những người gặp lúc thắt ngặt. Ít thôi nhưng tôi nghĩ cuộc sống này sẽ có ý nghĩa hơn", bà Phấn chia sẻ.
TTO - Ngoài các nội dung thực hiện theo dự án chăm sóc cho trẻ em tại địa bàn dân cư mà trung tâm triển khai, Mai luôn vận động các bạn trong chi đoàn tổ chức thêm những hoạt động đến với các em nhỏ kém may mắn.
Xem thêm: mth.72971300232101202-nam-yam-taht-gnaig-uah-o-ohk-iougn/nv.ertiout