Hai giọng ca vàng Lệ Thu - Khánh Ly trong một đêm nhạc năm 2016 - Ảnh: GIA TIẾN
Đúng một tuần sau khi Lệ Thu từ giã cõi thế, một hãng đĩa hải ngoại đã đăng tải lên một trong những thước phim mà có thể nhiều năm sau khi nhìn lại sẽ là một trong những thước phim tư liệu giá trị nhất của nền tân nhạc Việt Nam: lần song ca cuối cùng của Lệ Thu và Khánh Ly trong mùa lễ Tạ ơn của hơn một năm trước.
Cả hai đều đã ngoài 70, đã từ lâu qua thời xuân sắc, giọng ca Khánh Ly cũng đã hao hụt phần nào vẻ âm vang, những đoạn lên cao của Lệ Thu cũng mất đi vẻ chất ngất khôn nguôi.
Tuổi trẻ, cuộc đời, tiếng hát, thời đại đều đã qua đi, Trịnh Công Sơn - người sáng tác những bản nhạc Nhìn những mùa thu đi, Nắng thủy tinh mà họ song ca - cũng đã không còn, và nói như Lệ Thu: "Quý vị đừng kỳ vọng giọng hát tôi còn như xưa nữa. Đừng kỳ vọng chúng tôi còn đẹp và trẻ nữa".
Đương nhiên những người hôm đó và cả hôm nay xem Khánh Ly và Lệ Thu không phải để chờ đợi một màn biểu diễn hoàn hảo không tì vết, xem là để ôn lại "chuyện chúng mình ngày xưa", để nhìn "mộng nhạt phai", để nhớ thương những "mùa cũ êm vui".
Để được nhìn một tình bạn kéo dài 50 năm mà trong họ ta có thể thấy tất cả những gì đẹp đẽ, lãng mạn, nức nở, u uẩn của một địa đàng âm nhạc mà giờ chỉ còn có thể hoài cảm.
Khánh Ly và Lệ Thu song ca rất nhiều lần trong đời. Hai danh ca từng có cả một đĩa nhạc chung mang tên Như cánh vạc bay, mà phần mở đầu giới thiệu rằng đây là "sự kết hợp diệu kỳ vỗ cánh" của "hai giọng ca ngời sáng qua những ca khúc vang dội buồn thương dĩ vãng, xin trân trọng cảm tạ Thu - Ly".
Thuở ấy, cách mà giọng Thu - Ly quyện hòa và nâng đỡ cho nhau trong những nhạc phẩm Tiếng sáo thiên thai, Như cánh vạc bay, Giọt mưa trên lá ăn ý không thua gì những bản hòa âm tinh vi của anh em nhà Everly, một nhóm song ca sống cùng thời và rất nổi tiếng ở phương Tây. Cũng như anh em nhà Everly, có những tin đồn rằng hai nữ danh ca ghét nhau, và ghét đến độ có ông bầu gợi ý bảo họ so găng.
Nói rằng họ tuyệt nhiên chẳng có chút đố kỵ so đo gì thì chắc không phải. Nhưng có những điều ta chỉ có thể tìm thấy sự đồng cảm nơi đối thủ lớn nhất cuộc đời, bởi chỉ có người đó mới từng nếm trải tất thảy những đỉnh cao và vực sâu giống như ta. Ngày Phil Everly mất, Don Everly nói rằng ông nghĩ về cậu em trai mỗi ngày, kể cả trong những năm tháng hai người không nhìn mặt.
Hay như khi nghe tin Michael Jackson tạ thế, Prince đã nhốt mình trong phòng và rồi giữa đêm, tìm một người bạn để hàn huyên suốt 2 tiếng đồng hồ về niềm kính trọng mà ông dành cho vị đối thủ lớn nhất đời mình. Trong thư Khánh Ly tiễn biệt Lệ Thu, bà cũng viết: "Đối thủ của nhau lại chính là tri kỷ của nhau đấy chứ!".
Và nhìn vào lần song ca cuối, khi Khánh Ly bày tỏ đã mê tiếng hát Lệ Thu từ khi còn nhỏ, Lệ Thu ghẹo lại rằng: "Nói thế thì chẳng hóa tôi 100 tuổi rồi à?", ta biết rằng cái tình tri kỷ ấy không có gì diễn ở đây cả. Mà ở tuổi này còn diễn làm gì?
Cũng trong lần song ca cuối ấy, sau khi nói rằng đừng kỳ vọng "chúng tôi còn trẻ đẹp", Lệ Thu nói tiếp: "Nhưng khi trái cây đã chín muồi rồi, chúng tôi hát bằng trái tim và tâm hồn". Có lẽ là như vậy, khi tất cả đã qua, chỉ có "trái tim" và "tâm hồn" của những cố nhân vẫn còn ở lại, "thiết tha ngân lên lời xưa". Và ta còn có thể đòi hỏi gì hơn nữa.
TTO - Danh xưng 'Tiếng hát vàng ròng', 'tiếng hát vàng mười' được giới nghệ sĩ trân trọng đặt cho danh ca Lệ Thu vì bà có giọng ca tuyệt đẹp như vàng, gắn với những ca khúc buồn và mỹ lệ về mùa thu.
Xem thêm: mth.53512021232101202-yl-uht-ioht-tom/nv.ertiout