Như mọi năm, từ đầu tháng 11 âm lịch, xưởng của anh Nguyễn Quốc Tuấn ngụ phường Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương lại tất bật chuẩn bị hơn trăm khuôn linh vật Tết được đặt mua từ vùng lân cận để sản xuất tượng linh vật.
Các thợ phụ tại xưởng của anh Tuấn, bên cạnh việc làm heo đất, những ngày cận Tết còn tăng cường làm thêm trâu. “Mỗi ngày, xưởng của tôi làm ra 100 con trâu đất thô, dự tính mùa Tết này, chúng tôi xuất đi khoảng 5.000 con” - anh Tuấn nói.
Đất làm gốm là đất cao lanh, sau khi xử lý, thợ sẽ cho đất được pha vào các khuôn. Có từ 6-7 mảnh khuôn ghép lại để tạo ra được hình thù một sản phẩm.
Sau khi đổ khuôn hơn 1 tiếng, trâu được bốc ra và sẽ được đem đi phơi từ 2 đến 3 tiếng cho ráo hẳn rồi mới cạo sạch các phần thừa, trước khi cho vào lò nung.
Trâu và heo đất được đem vào lò nung chung, một mẻ nung có thể chứa hơn 2.500 sản phẩm.
Sau khi nung khoảng 10 tiếng trong lò, anh Tuấn dỡ mẻ nung và mang các sản phẩm ra ngoài. “Trâu còn ướt, chưa nung nếu có hư hỏng mình có thể bỏ vô đất trộn xài lại, chứ con trâu đã qua lửa mà hỏng hóc là xem như phí công, những sản phẩm hư như vậy ở xưởng được đập ra lót đường quanh đây cũng rất nhiều” – anh Tuấn chia sẻ.
Sản phẩm trâu thô sẽ được các xưởng gia công nhỏ lẻ ở Lái Thiêu, Thủ Dầu Một… mua về gia công, trang trí rồi xuất ra thị trường.
Tại xưởng chị Nguyễn Thụy Nguyên Phượng (phường Lái Thiêu, TP Thuận An, Bình Dương) hàng trăm con trâu đã được gia công chờ xuất đi các nơi.
“Tôi làm nghề vẽ, trang trí sản phẩm gốm, đặc biệt là heo đất đã được 10 năm nay, mỗi năm dịp Tết đến là xưởng tôi lại nhập về hàng ngàn con vật Tết của năm để gia công” – chị Phượng cho biết.
Những con trâu lớn thì được phun sơn bằng máy, trâu nhỏ thì được nhúng và quét cọ. Để đảm bảo sơn dính chắc và mau khô, người ta thường dùng loại sơn bột.
Sau khi trâu khô hẳn sẽ được trang trí mắt, mũi, miệng, sừng và vẽ chữ Tài Lộc.
Trâu thành phẩm có đầy đủ các chi tiết, mang sắc vàng óng ánh tượng trưng cho sự may mắn, phú quý, tài lộc. Mỗi con có giá bán lẻ từ 60 - 70 ngàn đồng tùy kích cỡ.
Trước khi xuất hàng đi, thợ sẽ bỏ vào bao, kệ đệm cẩn thận cho những chú trâu được an toàn.
Mỗi ngày, xưởng của chị Phượng xuất khoảng 500 con trâu thành phẩm đi các tỉnh miền Trung, miền Tây, TP.HCM...