Doanh nghiệp kỳ vọng Đại hội XIII của Đảng sẽ có những quyết sách nhằm duy trì và thúc đẩy một cơ chế thuận lợi, cởi mở hơn nữa để có điều kiện cống hiến và phát triển. Trong đó, những tiếng nói đặc biệt mong muốn được xử lý các bất cập về thủ tục hành chính, được tạo môi trường để nâng tầm, phát huy năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới.
Những quyết sách đi vào thực chất
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra từ ngày 25.1 với nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, về mặt kinh tế, dự thảo văn kiện trình đại hội đã xác định tiếp tục đẩy mạnh phát triển khu vực kinh tế tư nhân với mục tiêu xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo. Đồng thời, khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, có khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60 - 65%.
Nhân dịp này, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng gửi gắm tới Đại hội XIII của Đảng. Các tiếng nói mong muốn những quyết sách tới đây của đại hội sẽ mở ra một cơ chế thuận lợi và cởi mở hơn nữa cho doanh nghiệp được cống hiến và phát triển.
Theo TS Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Vietnam - vai trò của Đảng, Nhà nước rất quan trọng trong việc điều hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Chính vì lẽ đó, doanh nghiệp kỳ vọng Đại hội Đảng lần thứ XIII sẽ có những quyết sách đi vào thực chất, giúp gỡ bỏ nhiều vướng mắc đang kìm hãm sự phát triển.
Ông Bình cũng cho rằng, mỗi khu vực doanh nghiệp sẽ có sự kỳ vọng khác nhau. Khối doanh nghiệp Nhà nước trông vào sự “cởi trói” về cơ chế, thể chế khi tự chủ kinh doanh. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài muốn được tiếp cận sâu hơn vào thị trường Việt Nam. Còn doanh nghiệp tư nhân cũng mong muốn được đối xử bình đẳng như mọi thành phần kinh tế khác.
"Mặc dù đã được tháo gỡ rất nhiều như tiếp cận nguồn lực, cơ hội kinh doanh nhưng các doanh nghiệp vẫn mong tiếp tục một cơ chế thân thiện và cởi mở. Đặc biệt là các thủ tục hành chính đang gây khó cho doanh nghiệp, cần được tháo gỡ, cải thiện" - ông Bình nói.
TS Lê Duy Bình cho rằng, một điểm quan trọng là cần giữ được sự hài hòa khi phát triển giữa các khu vực của nền kinh tế, tránh dẫn tới những tổn thương không đáng có. Do vậy, cần phải duy trì được quyền tự do kinh doanh của các doanh nghiệp dựa trên sự tuân thủ theo các nguyên tắc của thị trường. Nhà nước sẽ thực hiện đúng vai trò xây dựng chính sách, tạo dựng môi trường kinh doanh, đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng, minh bạch của các thành phần kinh tế.
“Càng có ít quyết định hành chính liên quan đến các hoạt động của doanh nghiệp càng tốt. Vì đôi khi, sự can thiệp có thể làm méo mó đi hình ảnh kinh tế thị trường. Hy vọng nhiệm kỳ sắp tới sẽ có những quyết sách phù hợp để mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI” - ông Bình cho hay.
Triệt để xử lý những bất cập
Chỉ ra thực tế những vấn đề đang tồn tại, ông Đỗ Trọng Khoa - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển du lịch Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) - cho biết, vẫn còn nhiều bất cập cần “cởi trói” cho doanh nghiệp. Cụ thể, cơ chế "một cửa" trong đầu tư kinh doanh nên được đẩy mạnh. Hiện tại, doanh nghiệp đầu tư vẫn đang phải hoàn thiện rất nhiều thủ tục, văn bản của các bộ ngành liên quan trong cùng một dự án. Đây là vấn đề cần phải gỡ cho doanh nghiệp.
Ông Khoa nói rằng, nhiều văn bản khi UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và huyện thực hiện nhưng cứ vòng vo mất một vài tháng. Thời gian chậm trễ có thể ảnh hưởng lớn tới tiến độ đầu tư và định hướng của doanh nghiệp. Do vậy, khi đã có sự thông qua chủ trương, cần có một đầu mối trực tiếp triển khai và hỗ trợ doanh nghiệp, tránh những rườm rà không đáng có về mặt thủ tục hành trình.
Cùng chung những kỳ vọng, gửi gắm tới Đại hội XIII của Đảng, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.Hà Nội - mong muốn duy trì một cơ chế phối hợp giữa Nhà nước và doanh nghiệp để có được sự đồng thuận giữa các cơ quan chính phủ, giữa Nhà nước với khu vực kinh tế tư nhân.
Trong bối cảnh thời gian tới Việt Nam có thể đón làn sóng đầu tư mới từ nước ngoài, ông Mạc Quốc Anh kỳ vọng vào những quyết sách sẽ giúp Việt Nam chớp lấy cơ hội và nâng tầm các doanh nghiệp nội địa.
"Rất cần thiết về việc duy trì một cơ chế đối thoại chính sách với các doanh nghiệp. Đặc biệt, tôi mong muốn tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động kết nối doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI, xây dựng năng lực giúp doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI. Từ đó, thực lực của doanh nghiệp Việt sẽ được nâng cao hơn nữa" - ông Mạc Quốc Anh nói.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.Hà Nội nhận định, những biến động của suy thoái kinh tế từ ảnh hưởng dịch COVID-19 có thể tiếp tục kéo dài trong thời gian tới. Do vậy, rất cần thiết có những chính sách phù hợp về mặt tài khóa, tiền tệ.
Bên cạnh đó, chú trọng kích cầu tiêu dùng, phát triển hệ thống phân phối trong nước và xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam; đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu, không để phụ thuộc quá lớn vào một thị trường, tận dụng tốt hơn, hiệu quả hơn các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA.