Theo một nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc, việc Bắc Kinh xây dựng một ngôi làng mới ở khu vực Arunachal Pradesh - trung tâm của cuộc tranh chấp biên giới kéo dài của nước này với Ấn Độ là một phần của "chương trình xóa đói giảm nghèo quốc gia", tờ South China Morning Post đưa tin.
Nguồn tin cho biết, việc phát triển những con đường mới để quân đội sử dụng trong khu vực đã tạo ra "cơ hội tốt giúp người Tây Tạng sử dụng tiền cứu trợ đói nghèo để xây nhà ở".
Ngôi làng nằm trên bờ sông Tsari Chu với khoảng 100 ngôi nhà, theo hình ảnh được đài truyền hình Ấn Độ NDTV phát sóng vào ngày 1-11-2020.
"Mục đích xóa đói giảm nghèo"
Dù không biết chính xác thời điểm các khu đất được xây dựng, nhưng các hình ảnh vệ tinh chụp vào tháng 8-2019 cho thấy lúc đó khu vực này là đồng cỏ. Một báo cáo của Tân Hoa xã cho biết hầu hết các ngôi nhà được xây dựng vào tháng 10 năm ngoái.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết họ đã biết về "các báo cáo về việc Trung Quốc đang tiến hành công việc xây dựng dọc theo các khu vực biên giới với Ấn Độ”. Ngoài ra, nước này cũng tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng ở biên giới, bao gồm cả đường và cầu, để cải thiện cuộc sống của người dân ở Arunachal Pradesh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 22-1 lên tiếng khẳng định tất cả các hoạt động xây dựng đều diễn ra trong phần lãnh thổ của Trung Quốc.
Ông Zhang Jiadong, Giám đốc Viện Nghiên cứu Nam Á tại Đại học Phúc Đán cho biết những năm gần đây cả Trung Quốc và Ấn Độ đều cố gắng tăng cường hiện diện ở khu vực tranh chấp. Cả hai bên đều đang cố gắng kiểm soát biên giới và đều không sẵn sàng nhượng bộ.
Ông nói: "Các cách làm bao gồm khuyến khích người dân sống gần biên giới hơn và xây dựng đường xá, cầu cống và các cơ sở dân sự ở khu vực này".
Ông Lin Minwang, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Phúc Đán, cho biết sự phát triển của ngôi làng không phải là để chống lại Delhi.
Ông nói: "Việc xây dựng làng và nâng cấp cơ sở hạ tầng không phải là các phong trào nhắm vào Ấn Độ, mà là một chính sách lâu đời của Trung Quốc nhằm giải quyết vấn đề mất nguồn nhân lực ở các khu vực biên giới, vốn có thể là mối đe dọa đối với an ninh".
Ấn Độ xem Arunachal Pradesh là một phần của quốc gia này. Tuy nhiên, Bắc Kinh lại tuyên bố khu vực rộng khoảng 90.000 km vuông này như là một phần của khu vực phía nam Tây Tạng.
Trung Quốc và Ấn Độ từ lâu đã có các tranh chấp ở biên giới về việc phân chia các đường kiểm soát thực tế. Vào tháng 6-2020, xung đột ở lên đến đỉnh điểm khi binh lính hai bên có cuộc đụng độ trực tiếp ở Thung lũng Galwan. Sự việc đã khiến hàng chục binh lính thiệt mạng và làm quan hệ giữa hai nước xấu đi rõ rệt.
Trung Quốc dùng lại chiêu ở Biển Đông
Tuy nhiên, báo cáo trên phương tiện truyền thông Ấn Độ vào tháng trước cho thấy một "sự phát triển mới" của Trung Quốc ở khu vực Pangda. Theo đó, một dự án của Trung Quốc đã lấn 2,5 km vào phần lãnh thổ Bhutan.
Ông Brahma Chellaney, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách, một tổ chức tư vấn ở Delhi, cho biết hoạt động xây dựng làng mạc của Bắc Kinh ở khu vực Himalaya đang tranh chấp là bằng chứng thể hiện rõ tham vọng bành trướng lãnh thổ của nước này.
Ông nói: "Các khu định cư dân sự được được xây dựng với mục đích ngụy tạo các tiêu chuẩn trong luật pháp quốc tế, giúp Trung Quốc củng cố các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ - vốn hiện đang thiếu các căn cứ pháp lý".
"Việc Trung Quốc xây dựng một ngôi làng chỉ là ví dụ mới nhất về cách họ đang áp dụng chiêu ở Biển Đông để lấn chiếm lãnh thổ của Ấn Độ, Bhutan và Nepal" - ông nói thêm.