vĐồng tin tức tài chính 365

Lần đầu xuất khẩu điện thoại bị tăng trưởng âm

2021-01-25 18:41

Lần đầu xuất khẩu điện thoại bị tăng trưởng âm

Lê Hoàng

(TBKTSG Online) - Xuất khẩu nhóm mặt hàng điện thoại và linh kiện trong năm 2020 bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 chỉ đạt 51,18 tỉ đô la Mỹ, dù vẫn duy trì vị trí ngành hàng dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu nhưng kết quả này lại giảm so với năm 2019. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nhóm mặt hàng này có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam.

Samsung đóng góp rất lớn kim ngạch xuất khẩu sản phẩm điện thoại và linh kiện trong nhiều năm qua. Trong ảnh là Nhà máy sản xuất linh kiện và lắp ráp thiết bị di động tại KCN Yên Bình, Thái Nguyên. Ảnh minh họa: Website Samsung Việt Nam.

Theo số liệu cập nhật của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện trong năm qua đạt 51,18 tỉ đô la, giảm nhẹ 0,4% so với năm 2019.

Như vậy, dù vẫn là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất Việt Nam, nhưng năm 2020 lần đầu tiên đã đánh dấu nhóm hàng điện thoại và linh kiện bị tăng trưởng âm sau 10 năm trước đó đều có kết quả tăng trưởng dương của cơ quan Hải quan.

Đáng chú ý, Trung Quốc ngày càng trở thành thị trường lớn của nhóm mặt hàng xuất khẩu này của Việt Nam. Cụ thể theo cơ quan hải quan, trong năm vừa qua Trung Quốc nhập khẩu nhóm hàng này từ Việt Nam tăng đến 48,8% so với năm trước đó, đạt 12,34 tỉ đô la. Và Trung Quốc trở thành thị trường lớn hiếm hoi nhập khẩu nhóm mặt hàng này của Việt Nam trong tăng trưởng.

Trong khi đó, những thị trường có kim ngạch nhập khẩu lớn khác của nhóm mặt hàng này trong năm 2020 vừa qua đều bị sụt giảm. Cụ thể thị trường EU (28 nước) trong năm qua đạt 10,06 tỉ đô la, giảm 18,6%; sang thị trường Hoa Kỳ đạt trị giá 8,79 tỉ đô la, giảm 1,2%; và sang thị trường Hàn Quốc đạt 4,58 tỉ đô la, giảm 11%... so với năm trước đó.

Nhà máy sản xuất linh kiện và lắp ráp thiết bị di động Samsung với khoảng 65.000 nhân viên đặt tại KCN Yên Bình, Thái Nguyên.

Nhà máy sản xuất linh kiện và lắp ráp thiết bị di động Samsung với 39.000 nhân viên đặt tại KCN Yên Phong 1, Yên Phong, Bắc Ninh

So với 10 năm trước đó, kết quả xuất khẩu năm 2020 vừa qua đã đánh dấu năm đầu tiên kim ngạch xuất khẩu sản phẩm điện thoại và linh kiện bị tăng trưởng âm. Bởi lẽ 10 năm trước đó, đây là nhóm mặt hàng luôn có mức tăng trưởng cao, giá trị xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước. Thậm chí có năm tăng trưởng đến 3 con số như năm 2011 tăng tới 178,3% so với năm 2010.

Với mức tăng trưởng nhanh này, sản phẩm điện thoại và linh kiện đã nhanh chóng soán ngôi của các nhóm hàng truyền thống như dệt may, giày dép… để trở thành nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này trong những năm qua luôn đóng góp đến trên dưới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước.

Bên cạnh do ảnh hưởng khó khăn của đại dịch Covid-19, trên thực tế kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này trong 2 năm trước năm 2020 có dấu hiệu bị giảm tốc tăng trưởng.

Nếu theo dõi diễn biến kết quả xuất khẩu của nhóm mặt hàng đang đóng góp nhiều nhất cho GDP (trên dưới 25%) cho thấy trong 2 năm gồm 2018 và 2019, mức tăng trưởng xuất khẩu có chiều hướng bị chậm lại.

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 51,38 tỉ đô Mỹ. Đây cũng là năm đầu tiên giá trị kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này của Việt Nam vượt mốc 50 tỉ đô la.

Tuy nhiên, so với kết quả của năm 2018, kết quả xuất khẩu năm 2019 của nhóm mặt hàng này chỉ tăng 4,4%, tức tương ứng tăng được 2,16 tỉ đô la. Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2018 tăng đến 8,4%, tương ứng tăng 20,49 tỉ đô la so với một năm trước đó. Và so với 9 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực còn lại thì nhóm sản phẩm điện thoại và linh kiện của năm 2019 cho thấy sự hụt hơi trên "đường đua" tăng trưởng.

Và kim ngạch xuất khẩu nhóm điện thoại và linh kiện chủ yếu với sự đóng góp của các doanh nghiệp FDI, trong đó các dự án đầu tư của Samsung ở Bắc Ninh và Thái Nguyên đóng góp lớn nhất.

Hai nhà máy của Samsung ở Việt Nam là SEV (Bắc Ninh) và SEVT (Thái Nguyên) là hai nhà máy sản xuất linh kiện và lắp ráp điện thoại di động lớn nhất và hiện đại nhất của Samsung Electronics trên toàn cầu.

Gần đây theo nguồn tin của Samsung tại Việt Nam, đối với điện thoại, khoảng 60% sản phẩm samsung bán ra trên thị trường toàn cầu là được lắp ráp sản xuất ở các nhà máy tại Việt Nam.

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện trong năm vừa qua dù cũng bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid nhựng có mức tăng trưởng 24,1% so với năm 2019, đạt 44,58 tỉ đô la, tức tăng 8,66 tỉ đô la. Đây cũng là nhóm hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 2 chỉ sau sản phẩm điện thoại và linh kiện.

Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện từ Việt Nam xuất sang Trung Quốc đạt 11,09 tỉ đô la, tăng 16% so với năm trước; sang thị trường Hoa Kỳ đạt 10,39 tỉ đô la, tăng mạnh 71,7%; sang thị trường EU (28 nước) đạt 6,51 tỉ đô la, tăng 28,7%; sang Hồng Kông đạt 4,19 tỉ đô la, tăng 38,2%...

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính chung cả năm 2020, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 282,65 tỉ đô la, tăng 7%, tương ứng tăng 18,39 tỉ đô la so với năm trước. Ngoài nhóm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có mức tăng trưởng cao, trong năm qua, kim ngạch xuất khẩu của nhóm máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 8,89 tỉ đô la, tương ứng tăng 48,6% so với năm trước đó.

Hay nhóm đồ gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu tăng 1,72 tỉ đô la, tương ứng tăng 16,2%; sắt thép các loại tăng 1,05 tỉ đô la, tương ứng tăng 25,1%...so với năm trước đó.

Bên cạnh đó có một số nhóm hàng giảm mạnh như: hàng dệt may giảm 3,02 tỉ đô la, tương ứng giảm 9,2%; giày dép các loại giảm 1,52 tỉ đô la, tương ứng giảm 8,3%; xăng dầu các loại giảm 1,03 tỉ đô la, tương ứng giảm 51,2%...

Xem thêm: lmth.-ma-gnourt-gnat-ib-iaoht-neid-uahk-taux-uad-nal/740313/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Lần đầu xuất khẩu điện thoại bị tăng trưởng âm”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools