Ngày 25-1, VKSND TP.HCM đã tổ chức lễ công bố quyết định điều động, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý VKSND TP Thủ Đức. Các quyết định này của viện trưởng VKSND Tối cao. Như vậy, tính đến nay, các cơ quan tố tụng TP Thủ Đức về cơ bản đã được kiện toàn.
Ông Quách Thanh Giang được bổ nhiệm chức vụ viện trưởng VKSND
TP Thủ Đức. Ảnh: YẾN CHÂU
Bổ nhiệm viện trưởng và năm phó viện trưởng
Cụ thể, ông Quách Thanh Giang, Viện trưởng VKSND huyện Bình Chánh, được bổ nhiệm giữ chức vụ viện trưởng VKSND TP Thủ Đức.
Cùng với đó là năm phó viện trưởng VKSND TP Thủ Đức gồm: Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Viện trưởng VKSND quận 2; bà Phạm Thị Hương Giang, Viện trưởng VKSND quận 9; ông Nguyễn Tấn Hảo, Phó Viện trưởng VKSND quận 2; bà Nguyễn Thị Ngọc Giàu, Phó Viện trưởng VKSND quận Thủ Đức; ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Viện trưởng VKSND quận Thủ Đức.
Tất cả ông, bà trên đều có nhiệm kỳ năm năm, tính từ ngày 25-1-2021. Đồng thời, 58 cán bộ, công chức thuộc ba đơn vị quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức cũ được điều động về công tác tại VKSND TP Thủ Đức.
Trước đây, VKSND ba quận cũ mỗi đơn vị có 2-3 cấp phó. Nói về việc chức danh phó VKSND TP Thủ Đức nhiều hơn tòa án, một số lãnh đạo cho rằng ngoài công tác thực hành quyền công tố trong án hình sự, VKS còn kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp, được thực hiện ngay từ khi tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự; trong việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc thi hành án, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; các hoạt động tư pháp khác theo quy định của pháp luật. Vì vậy, ngoài hoạt động xét xử chủ yếu của tòa, VKS còn rất nhiều mảng công việc khác.
Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM quy định TP Thủ Đức chính thức được thành lập từ ngày 1-1-2021, trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, người dân của ba quận 2, 9 và Thủ Đức.
Đồng thời, VKSND TP Thủ Đức được thành lập trên cơ sở giải thể VKSND quận 2, 9 và Thủ Đức. Tương tự, ba TAND các quận này cũng được giải thể để thành lập TAND TP Thủ Đức.
Tòa đã sẵn sàng mở các phiên xử
Một tuần trước, TAND TP.HCM tổ chức lễ công bố quyết định điều động và bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo quản lý TAND TP Thủ Đức.
Theo đó, ông Nguyễn Thành Vinh, Chánh án TAND quận 1, được bổ nhiệm chức vụ chánh án TAND TP Thủ Đức (TP.HCM) kể từ ngày 14-1-2021. Nhiệm kỳ chánh án của ông Nguyễn Thành Vinh là năm năm, tính từ ngày 12-7-2017 theo quyết định của chánh án TAND Tối cao.
Ba phó chánh án của TAND TP Thủ Đức là các ông Vũ Thanh Lâm (nguyên Chánh án TAND quận Thủ Đức), Nguyễn Xuân Tùng (nguyên Chánh án TAND quận 9) và bà Nguyễn Thị Thu Sương (nguyên Chánh án TAND quận 7). Các quyết định nêu nhiệm kỳ các ông, bà này là năm năm, có hiệu lực kể từ ngày ký là ngày 14 và 15-1.
Lãnh đạo TAND Tối cao cho biết hiện TAND TP Thủ Đức có biên chế, thẩm phán, cơ sở vật chất trên ba đơn vị cũ (quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức). Chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong khẩn trương chỉ đạo tòa án mới này thực hiện nhiệm vụ được giao. Sau thời gian vận hành, nếu có vướng mắc thì kịp thời báo cáo và gỡ vướng.
Sau một tuần làm việc, lãnh đạo TAND TP Thủ Đức cho biết công tác nhận đơn thư khởi kiện tại tòa vẫn đảm bảo không vướng mắc. Cạnh đó, tòa đang có tờ trình để thông qua danh sách hội thẩm nhân dân trên cơ sở các hội thẩm nhân dân của ba đơn vị tòa cũ. Việc này nhằm giúp cho việc mở các phiên tòa xét xử có thể tiến hành vào tuần sau.
Theo số liệu dự tính sau khi được thành lập, lượng án TAND TP Thủ Đức phải thụ lý, giải quyết hằng năm khoảng 6.500-7.000 vụ việc các loại, trung bình mỗi tháng phải giải quyết 350-400 vụ việc.
Với số lượng án dự kiến TAND TP Thủ Đức phải giải quyết thì đây là quy mô tòa án cấp tỉnh. Tuy nhiên, về thẩm quyền luật định hiện nay là tương đương cấp quận, huyện.
16 phó trưởng Công an TP Thủ Đức
Ngày 23-1, Công an TP.HCM đã tổ chức lễ công bố quyết định của bộ trưởng Bộ Công an về thành lập Công an TP Thủ Đức. Theo đó, Công an TP Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sáp nhập công an các quận 2, 9 và Thủ Đức.
Đại tá Nguyễn Hoàng Thắng, Trưởng Công an quận Thủ Đức (cũ), được điều động giữ chức trưởng Công an TP Thủ Đức.
Ban chỉ huy Công an TP Thủ Đức có 17 người, gồm một trưởng và 16 phó.
Cụ thể, các lãnh đạo Công an quận Thủ Đức cũ được điều động, bổ nhiệm làm phó trưởng Công an TP Thủ Đức gồm: Thượng tá Lê Minh Hưng, Thượng tá Lê Thị Liên Hồng, Trung tá Nguyễn Văn Thanh, Thượng tá Nguyễn Xuân Hiếu, Thượng tá Đoàn Văn Phê (cùng là phó trưởng Công an quận Thủ Đức).
Lãnh đạo Công an quận 9 cũ được điều động, bổ nhiệm làm phó trưởng Công an TP Thủ Đức gồm: Đại tá Trang Viết Thanh (Trưởng Công an quận 9), Thượng tá Tân Xuân Tiên, Thượng tá Quách Thắng, Trung tá Bùi Đăng Cương, Thượng tá Trần Xuân Phương, Thiếu tá Trần Trung Hiếu (cùng là phó trưởng Công an quận 9).
Lãnh đạo Công an quận 2 được điều động, bổ nhiệm làm phó trưởng Công an TP Thủ Đức gồm: Thượng tá Nguyễn Lê Hùng, Thượng tá Võ Anh Linh, Thượng tá Nguyễn Quang Thắng, Thượng tá Phan Văn Nhất, Trung tá Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (cùng là phó trưởng Công an quận 2).
Đã phân người phụ trách Chi cục THADS TP Thủ Đức Sớm nhất, từ ngày 7-1, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) TP Thủ Đức đã họp triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng về công tác tổ chức và quản lý, điều hành. Ngày 28-12-2020, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long ký quyết định về việc sắp xếp Chi cục THADS cấp quận thuộc Cục THADS TP.HCM. Bà Nguyễn Thị Thu, Chi cục trưởng Chi cục THADS quận 9 cũ, được giao phụ trách Chi cục THADS TP Thủ Đức chờ kiện toàn chức danh chi cục trưởng. Trụ sở Chi cục THADS quận 9 cũ có diện tích rộng nhất và vị trí nằm giữa hai quận còn lại. Do đó, để đảm bảo thuận lợi cho việc đi lại của người dân và cán bộ, công chức, người lao động, đây sẽ là trụ sở chính của Chi cục THADS TP Thủ Đức. |