Với sự tiện lợi và nhanh chóng cho nên hình thức kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, đặc biệt là hình thức livestream (phát trực tiếp) trên mạng xã hội đã trở thành một kênh kinh doanh được nhiều người tiêu dùng lựa chọn khi mua sắm, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay. Song hình thức kinh doanh này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Nhận diện hàng giả trên môi trường mạng
Phát biểu tại buổi toạ đàm “Ngăn chặn “vòi” hàng giả trên môi trường mạng” do Báo Lao Động tổ chức chiều 25.1, ông Nguyễn Kỳ Minh - Phó chánh văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương cho biết, thời gian gần đây, hoạt động kinh doanh bán hàng trên mạng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ buôn bán hàng cấm, hàng lậu, hàng kém chất lượng, làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính và quyền lợi người tiêu dùng.
Nói về những cách thức tinh vi của các đối tượng buôn bán hàng giả trên môi trường mạng, ông Minh cho rằng, các trang mạng, một số đối tượng buôn bán hàng giả thường sử dụng các hình ảnh có thể hàng thật, hàng chính hãng để quảng cáo, chào bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với các cửa hàng, địa chỉ bán hàng chính hãng, nhằm lôi kéo người tiêu dùng.
Để qua mắt người tiêu dùng, các đối tượng thường sử dụng một địa chỉ không liên quan, địa chỉ không có thật, hoặc giả mạo địa chỉ để giao dịch, nhưng tập kết, tàng trữ hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau hoặc kết hợp vừa làm nơi giao dịch vừa làm nơi ở, cất giấu hàng hóa nên khó khăn cho công tác điều tra, trinh sát, kiểm tra, bắt giữ và xử lý hành vi vi phạm.
Đáng chú ý, theo ông Minh, nhờ thành tựu của khoa học công nghệ nên việc mua bán online ngày càng trở nên phổ biến và có thể nói “cửa khẩu nằm ở cửa nhà của mỗi người dân” nên một số thủ đoạn mới đang xuất hiện trên nền tảng thương mại điện tử tập trung vào nhóm hàng hóa có giá trị cao, những mặt hàng do nước ngoài sản xuất.
Các thủ đoạn được các đối tượng sử dụng như lập nhiều tài khoản facebook và chạy quảng cáo, ảnh chụp sản phẩm tương đối chuyên nghiệp và không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận inbox (nhắn tin riêng); một số người nổi tiếng thường xuyên chia sẻ, live stream và đăng các bài quảng cáo các sản phẩm.
Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp đã bị phát hiện đó là các sản phẩm không rõ nguồn gốc, thậm chí là hàng giả, hàng kém chất lượng ảnh hưởng rất lớn tới doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. Vụ việc tại tổng kho buôn lậu 10.000m2 ở 145 Hoàng Diệu, Thành phố Lào Cai mà Tổng cục QLTT phối hợp với các lực lượng chức năng triệt phá là một ví dụ điển hình.
Ông Nguyễn Đăng Sinh - Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP cho biết, những đối tượng vi phạm thường có trình độ và am hiểu nhất định về công nghệ thông tin, sử dụng công nghệ bán hàng đa kênh, ngồi một nơi nhưng có thể quản lý bán hàng ở nhiều điểm khác nhau.
Các đối tượng này cũng sử dụng thành thạo các công cụ marketing trực tuyến, đầu tư mạnh vào các tiện ích của mạng xã hội để thu hút người mua hàng và lẩn tránh cơ quan chức năng, xóa bỏ dấu vết giao dịch, ẩn danh trên mạng Internet, gây khó khăn cho việc xác minh thông tin.
Hầu hết các giao dịch hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng cấm đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể nên công tác phát hiện, quản lý, lưu trữ và xử lý càng trở nên khó khăn. Trong khi đó, việc kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng đòi hỏi phải có dấu hiệu, chứng cứ vi phạm cụ thể.
Giải pháp nào ngăn chặn hàng giả trên mạng?
Theo ông Nguyễn Kỳ Minh, trước năm 2020 có tình trạng nhiều đối tượng lên mạng xã hội công khai rao bán hàng giả, hàng nhái. Khi lực lượng chức năng vào cuộc thì những người này lại viện lý do "chỉ quảng cáo, chứ không có hàng hoá". Tuy nhiên, từ khi Nghị định 98 quy định xử phát vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực, và sắp tới là sửa đổi Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử thì những hành vi buôn bán hàng giả trên mạng đều bị xử lý nghiêm theo quy định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Sinh cho rằng, để xử lý hàng giả, hàng nhái trên mạng cần có cơ quan chuyên môn làm đầu mối điều phối cung cấp, chia sẻ cơ sở dữ liệu, thông tin phục vụ công tác đấu tranh chống gian lận thương mại, hàng giả trên môi trường thương mại điện tử. Trong đó, cần áp dụng công nghệ như cơ sở dữ liệu trực tuyến để cung cấp, chia sẻ, sử dụng, khai thác thông tin, dữ liệu phục vụ công tác phòng chống gian lận thương mại, hàng giả.
Các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội cũng phải nâng cao trách nhiệm trong sàng lọc, phòng ngừa, ngăn chặn đối với các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin, các tài khoản có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa vi phạm.
Đặc biệt, cần có quy định sàn thương mại điện tử và người bán hàng trên sàn thương mại điện tử phải thống kê, lưu giữ các giao dịch trên hệ thống để phục vụ việc truy xuất các giao dịch và nguồn gốc hàng hóa để tăng trách nhiệm.
Tại sao chưa khởi tố vụ triệt phá Tổng kho hàng giả rộng 10.000m2 ở Lào Cai
Liên quan đến vụ việc này, theo ông Nguyễn Kỳ Minh - thẩm quyền của lực lượng QLTT chính là hàng hoá, hoặc mở rộng ra đến đối tượng chủ thể hàng hoá. Chính vì vậy, khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm hình sự, Tổng cục QLTT đã chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra. Trong quá trình điều tra, có một số vấn đề gây khó như hàng hoá có nguồn gốc, xuất xứ ở bên kia biên giới, chủ hàng không ở Việt Nam, cho nên cơ quan chức năng đang tiến hành xác minh để không bỏ lọt tội phạm đồng thời không gây oan sai.
Xem thêm: odl.001478-gnam-naig-gnohk-nert-aig-gnah-nan-nahc-nagn/et-hnik/nv.gnodoal