Đơn vị đăng kiểm đang "gồng mình" chịu lỗ mùa thấp điểm, chủ xe lại lo sẽ quá tải trở lại vào cuối năm.
TP.HCM thông thoáng trở lại
Sáng 21-8, một số trung tâm đăng kiểm tại TP Thủ Đức, quận Bình Tân (TP.HCM) không còn tình trạng xe xếp hàng dài chen chúc, chờ đợi tới lượt kiểm định. Có trung tâm mỗi ngày chỉ vài mươi lượt xe ra vào đăng kiểm.
9h sáng, Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 50-04V có khoảng 10 xe đang làm hồ sơ kiểm định. Hầu hết xe đến đăng kiểm sáng nay đều là xe không nằm trong danh sách được tự động gia hạn chu kỳ đăng kiểm. Tương tự, Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 50-03S cũng vắng xe.
Anh Nguyễn Ngọc Tài - một tài xế xe tải đang chờ tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 50-04V - cho biết xe của anh hết hạn đăng kiểm từ tháng 5-2022, phải ngưng chạy nằm nhà chờ đăng kiểm.
Đặt được hẹn đăng kiểm vào hôm nay, anh đem xe đến rất sớm. "Tôi khá bất ngờ vì lượng xe đi đăng kiểm ít, không phải chờ đợi lâu như trước", anh Tài vui mừng nói.
Ông Nguyễn Xuân Hải - giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 50-04V - cho biết gần hai tháng nay, mỗi ngày bình quân trạm kiểm định từ 100-150 xe.
Việc gia hạn đăng kiểm đã giảm đi một lượng lớn xe cá nhân được tự động gia hạn. "Thời gian cao điểm đăng kiểm hằng năm là vào đầu năm và cuối năm. Từ tháng 7 đến tháng 9 lượng xe cũng không quá nhiều", ông Hải nói.
Vắng khách, thu không đủ chi
Ghi nhận của Tuổi Trẻ ngày 21-8, tại một số trung tâm đăng kiểm xe cơ giới nằm giữa trung tâm TP Hà Nội đều trong tình trạng vắng hoe, lãnh đạo trung tâm thì than "lỗ nặng".
Tại một trung tâm đăng kiểm tư nhân ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, với hai dây chuyền kiểm định và 16 nhân viên phục vụ nhưng lượng xe đến "nhỏ giọt", không khí vắng lặng như tờ.
Lãnh đạo trung tâm đăng kiểm này cho biết hầu hết các trung tâm đăng kiểm hiện nay đều đang trong tình trạng khó khăn và lỗ nặng. Tại đây, mỗi ngày trung tâm này chỉ đăng kiểm được 25-30 xe, giảm khoảng 70% so với doanh số của hai tháng trước đó.
"Doanh nghiệp tư nhân, lượng xe giảm sâu, nguồn thu thậm chí không đủ chi phí chi trả tiền lương cho nhân viên. Ngoài ra, việc miễn kiểm định lần đầu đối với xe mới, doanh nghiệp chúng tôi chưa được hỗ trợ bất cứ chi phí gì.
Dù thua lỗ chúng tôi vẫn phải duy trì lượng nhân viên, chờ khi nào xe đăng kiểm đông trở lại. Doanh nghiệp đang mong từng ngày về việc tăng giá dịch vụ kiểm định xe. Chưa biết tăng được bao nhiêu nhưng nhất định phải tăng", người này nói.
Ông Trần Quốc Hoan - phó giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-03V (Hà Nội) - cho biết doanh số xe kiểm định tháng 7-2023 sụt giảm 61% so với tháng 7-2022. Trước đó, trung bình mỗi ngày trung tâm kiểm định khoảng 160 xe, hiện chỉ kiểm định được khoảng 62 xe/ngày, có ngày dưới 50 xe.
Hiện trung tâm đăng kiểm có hai dây chuyền kiểm định và 27 nhân viên. Cứ như hiện tại, doanh thu của các trung tâm đăng kiểm sẽ không đủ trả lương cho nhân viên, chưa nói đến chi phí thuê mặt bằng, điện nước, bảo trì thiết bị...
"10 năm nay giá dịch vụ đăng kiểm chưa thay đổi. Việc tăng giá dịch vụ kiểm định là biện pháp căn cơ, quan trọng, gần như là biện pháp cuối cùng, nếu không các trung tâm đăng kiểm không thể hoạt động nổi", ông Hoan nhận định.
Tương tự, ông Trần Nguyên Sinh, giám đốc Trung tâm đăng kiểm 29-08D (Hà Nội), cho biết đến thời điểm này doanh thu giảm tới 80%.
"Doanh nghiệp đăng kiểm đang gồng mình. Tiền lương, thu nhập của người lao động cũng bị ảnh hưởng" - ông Sinh cho biết.
Chưa chốt được phương án tăng giá kiểm định
Ông Võ Thanh Bình - trưởng phòng tài chính - kế hoạch đầu tư, Cục Đăng kiểm - cho biết sản lượng kiểm định so với cùng kỳ của các trung tâm đăng kiểm hiện nay chỉ đạt 50-60% công suất.
Việc thực hiện chính sách miễn kiểm định lần đầu và giãn chu kỳ kiểm định nhiều loại xe là lý do lượng xe đi kiểm định ít, doanh thu các trung tâm đăng kiểm sụt giảm. Trong khi đó, các chi phí khác đều tăng khiến các trung tâm đăng kiểm gặp khó khăn.
Theo ông Bình, đầu năm 2023 khi xây dựng phương án tăng giá dịch vụ kiểm định, các Bộ Giao thông vận tải, Tài chính đều ủng hộ nhưng đề nghị mức tăng vừa phải trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Phương án tăng 26-28% được các bộ nhận định là hợp lý để các trung tâm đăng kiểm bù đắp chi phí tối thiểu.
Nhưng khi xây dựng phương án giá, Bộ Giao thông vận tải định hướng đề xuất giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới là giá tối đa theo Luật giá, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính đều ủng hộ phương án này. Nhưng do Luật giá hiện tại vẫn quy định giá dịch vụ kiểm định xe là giá cụ thể nên Bộ Giao thông vận tải muốn ban hành mức giá tối đa phải báo cáo Thủ tướng cho xây dựng nghị định. Việc này cần nhiều thời gian, phải sang năm 2024 mới có thể ban hành nghị định được.
Hiện Cục Đăng kiểm đang tính phương án đề xuất Bộ Giao thông vận tải ban hành mức giá cụ thể về dịch vụ kiểm định xe theo Luật giá hiện hành với mức tăng từ 26-28%. Đến 1-7-2024 khi Luật giá sửa đổi (Quốc hội thông qua ngày 19-6-2023) có hiệu lực sẽ ban hành giá tối đa.
"Phương án này kịp thời giúp các trung tâm đăng kiểm áp dụng giá mới để bù đắp chi phí, duy trì hoạt động, tránh được trường hợp trung tâm đăng kiểm quá khó khăn phải tự rút lui khỏi thị trường" - ông Bình cho biết.
Tăng nguồn lực đăng kiểm
Không ít người dân, tài xế cũng bày tỏ lo lắng lượng xe hết hạn đăng kiểm sẽ tăng cao trở lại vào dịp cuối năm, đặc biệt là sau khi hết chu kỳ gia hạn đăng kiểm.
Ông Nguyễn Công Hoàn - chủ một doanh nghiệp vận tải ở TP Thủ Đức - cho rằng đăng kiểm giảm nhiệt nhờ vào một số phương án giải quyết tình huống mà Nhà nước triển khai như tăng cường lực lượng đăng kiểm, tự động gia hạn chu kỳ, bỏ qua các lỗi nhỏ… Thế nhưng, đây chưa phải giải pháp căn cơ cho câu chuyện đăng kiểm.
Nói như ông Hoàn, cuối năm 2023, nhiều khả năng lượng xe hết hạn đăng kiểm lại tiếp tục tăng cao, cộng thêm lượng xe hết hạn cộng dồn nhiều tháng trước dẫn tới quá tải đăng kiểm trở lại. Do đó, các đơn vị cần bổ sung nhân lực và mở cơ chế cho tư nhân tham gia kiểm định.
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, ông Bùi Hòa An - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - nhận định hiện nay tình hình đăng kiểm đã hạ nhiệt rất nhiều, giảm đi áp lực cho các đơn vị đăng kiểm, đơn vị quản lý.
Tuy nhiên, riêng TP.HCM vẫn còn gần 100.000 xe hết hạn đăng kiểm từ nhiều tháng trước dồn lại đang được giải quyết dần. Dự báo lượng xe cần đăng kiểm sẽ tăng cao trở lại vào dịp cuối năm 2023.
Chính vì vậy, Sở đang cùng các đơn vị chuẩn bị phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp thời gian sắp tới. Trong đó, chú trọng huy động tối đa nguồn lực phục vụ kiểm định xe, không để xảy ra ùn ứ đăng kiểm.
Nghị định 30 của Chính phủ quy định để các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô, các đơn vị vận tải có thể tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Đồng thời, giảm thời gian thực tập nghiệp vụ đối với các trường hợp đã có kinh nghiệm làm việc trực tiếp tại cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô nhằm nhanh chóng thu hút được nguồn nhân lực phục vụ hoạt động của các đơn vị đăng kiểm.
"Sở Giao thông vận tải TP.HCM đang cố gắng động viên, huy động một số trung tâm bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện tham gia thử nghiệm mô hình đăng kiểm để tăng nguồn lực đăng kiểm, thêm sự lựa chọn cho người dân khi cần", ông An nói.
Đến nay, hầu hết các trung tâm đăng kiểm không còn ùn tắc. Đặc biệt, các trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội và TP.HCM lại dư năng lực từ 32% đến 45%.