"Ông anh kết nghĩa mời tiệc chia tay ổng về hưu mà tôi cứ băn khoăn suốt cả buổi. Nhà tôi ở Gò Vấp, ổng lại mời quán tít đường Bến Vân Đồn, quận 4. Lúc đầu, vợ tôi nói sẽ đi theo để chở chồng say về, nhưng chiều cổ mệt không đi được. Đến thằng con định chở ba cũng lại bận bạn bè...".
Anh Nguyễn Trọng Nam (ở đường Quang Trung, Gò Vấp, TP.HCM) kể chuyện hành trình đi dự tiệc "đầy tính toán" của mình. Anh nói trước đây hay tự lái xe máy đi và giữ mình uống ít để còn đường về. Nhưng giờ thì uống một ly cũng không được, nên anh phải "tính toán". Cuối cùng, bà xã anh quyết định cho chồng bắt xe Grab car hai lượt đi, về hết hơn 500.000 đồng.
"Tôi thì định đi xe Grab ôm cho rẻ. Nhưng bả sợ tôi không lái xe nên chủ quan, uống say sưa rồi ngật ngưỡng trên xe máy đường xa cũng không an toàn", anh Nam cười kể.
Bà xã cho đi Grab
Tiền Grab car hơn 500.000 đồng bằng 10 ngày học bán trú của đứa con út đang tuổi tiểu học, vợ anh Nam cũng xót lắm, nhất là lúc khó khăn này. Trước khi chồng lên xe, cô còn nói theo: "Thôi, bữa nay tiệc chia tay tình nghĩa thì anh đi đi, nhưng những cuộc mời nhậu nhẹt bình thường khác thì stop nha. Để tiền bắt xe đi nhậu đóng tiền học cho con".
Nam kể, khi anh vào tiệc ở Bến Vân Đồn, câu đầu tiên của mọi người bây giờ không phải là chào hỏi nhau, mà toàn những lời hỏi "ông đi xe gì, ai lái, về làm sao?". Rồi chuyện trò tiệc nhậu toàn là những lời kể người này bị cảnh sát giao thông thổi kiểm tra nồng độ cồn, người kia suýt bị phạt, người nọ mới mếu máo rút tiền lương nộp phạt...
Bàn tiệc anh Nam được mời hầu hết là bác sĩ, giáo viên, không ai uống nhiều nhưng tất cả đều không dám tự lái xe. Người ở gần thì nhờ vợ con chở đến, kẻ ở xa đi Grab nhưng hầu hết đều là Grab bike để tiết kiệm tiền. Tính ra tiền anh Nam đi Grab car đã gần bằng tiền anh bỏ phong bì tặng anh bạn đãi tiệc về hưu.
Theo nhiều dân nhậu "chuyên nghiệp" lẫn những người như anh Nam "có việc phải đi", gần đây thói quen đi đến bàn tiệc của họ và đường về đã có sự thay đổi rõ rệt.
Nếu như trước đây, cảnh sát giao thông cũng kiểm tra nồng độ cồn, nhưng người ta vẫn nghĩ nếu uống ít thì vẫn có thể qua được, thì bây giờ chỉ một ly bia "cũng căng" nên hiếm người dám cầm lái đến quán nữa.
Trong cuộc nhậu của nhóm anh Nam, cũng có người đề xuất đi xe đạp đến quán, nhưng ngay lập tức người khác nói nếu đi xe đạp mà bị thổi "dính" nồng độ cồn thì vẫn phải chịu phạt.
Thế là cả bàn lại nhao nhao "thôi không đi xe gì nữa, kể cả xe đạp, cho yên lành tiền lương".
Thời "quán gần nhà"
Trước đây, người này ở đầu bên đây thành phố rủ kẻ xa xôi ở cửa ngõ bên kia thành phố đi lai rai là bình thường, thì gần đây có xu hướng "quán gần nhà cho lành", tức chỉ mời mọc bạn bè hay anh em hàng xóm ở gần nhau để đi bộ ra quán nào đó gần. Như vậy họ có thể yên tâm uống thoải mái rồi đi bộ về nhà, tất nhiên là không đến mức quá bí tỉ mà lăn đùng ra đường hay gây tai nạn cho người đi xe.
Anh Hai Thành, chủ một quán nhậu trên đường Âu Cơ (quận Tân Phú, TP.HCM), nhận xét: "Gần đây, dân nhậu đi bộ đến quán nhiều hơn hẳn. Nhiều bàn toàn là hội đi bộ đến, riết rồi tôi quen thân luôn vì nhà họ cũng ở loanh quanh gần quán. Uống xong, họ bá vai bá cổ, dìu nhau về, nhìn tếu lắm, không giống cảnh thân ai nấy lo leo lên xe máy vọt đi như trước".
Với dân nhậu thời sợ "bị mấy anh cảnh sát bắt thổi kèn" như bây giờ, câu hẹn hò "quán gần nhà" hoàn toàn không phải là tên quán như Mai ghé nữa, Dân chơi không sợ mưa rơi, Anh hai lúa... gì đó mà đúng theo nghĩa đen là chọn quán gần nhà để đi bộ đến rồi đi bộ về, khỏi sợ cảnh bị chặn xe thổi phạt.
Anh Trần Văn Hoàng (ở đường Trần Văn Kiểu, quận 6, TP.HCM), một người hay tự nhận mình lai rai vui vẻ với bạn bè ít nhất cũng 4-5 ngày mỗi tuần, tếu táo tâm sự "quán gần nhà dạo rày là vô đối thiên hạ".
Trước đây, bán kính nhậu của người đàn ông 50 tuổi này tỏa 8-10km là chuyện thường ngày. Anh ở quận 6, nhưng bạn bè ở quận 3, quận 4, thậm chí tít bên Thủ Đức rủ rê mà hứng thú là cũng phi xe máy vèo vèo qua. Nhiều tối anh hai lượt đi nhậu và về nhà gần... 40km.
"Tửu lượng tui uống cũng đơ đỡ, hôm nào đi rai rai xa thì cứ tự lượng mình bơn bớt vài chai rồi rà rà chạy xe máy chậm về. Nhưng dạo rày mấy anh cảnh sát bắt thổi nồng độ cồn dữ quá. Tôi hết dám vi vu luôn, cứ chọn quán gần nhà để đi bộ đến rồi tà tà đi bộ về cho yên tâm. Hổng sợ mấy anh cảnh sát, mà hổng ngán bà vợ càm ràm lo bị phạt cháy túi", anh Hoàng kể.
Anh cho biết thêm, từ hôm anh nhậu gần nhà, bà xã mình có vẻ đỡ "nói nhiều" hẳn. Tuy nhiên, anh cũng nói bị buồn vì nhớ bạn nhậu bao năm, trong khi anh em gần nhà ráp nhau ngồi mãi cũng ngán.
Cùng cảnh với anh Hoàng, cánh bạn nhậu Hai Đen, Long Lửa, Bảy rửa xe... đang ngồi lai rai ở quán ốc bình dân bên đường Vành Đai Trong (quận Bình Tân) cũng nói đây là hội nhậu "quán gần nhà", tức đa số đi bộ được. Một vài ông bạn của họ nhà hơi xa một chút thì bữa bắt Grab bike, bữa canh luồn luồn mấy hẻm nhỏ để đến quán.
Tuy nhiên, có một điều họ cũng thừa nhận là đang giảm bớt hẳn "cái sự sung sướng của lai rai lại" vì đủ lý do như mất hứng, đi bộ cũng mệt, thiếu bạn nhậu ở xa, kể cả người luồn hẻm hóc cũng sợ bị túm.
"Anh em tụi tui dạo trước ngồi bốn, năm ngày một tuần, bây giờ ráp độ được tuần một, hai lần cũng khó", anh Phạm Hai, tức Hai Đen, tâm sự. Trong đội bạn, nhà anh xa quán nhất, cách gần 1,8km, lúc đi thì anh coi như tập thể dục, nhưng lúc về đã bia bọt ngập bao tử thì cũng đuối.
Kiếm "tài xế nhà ngồi phá mồi"
Trong khi đó, anh Phạm Tâm - quản lý một quán nhậu ở khu Vành Đai Trong, Bình Tân - cho biết gần đây cũng có cảnh một số người trước đây chỉ đi một mình với bạn nhậu nay dắt theo vợ hay bồ bịch đến "phá mồi" rồi đợi chở về. Tuy nhiên, theo anh Tâm, số người dắt theo "tài xế nhà" này không nhiều và đa số là dân uống ít. Còn dân nhậu chì thứ thiệt vẫn chọn đi Grab hoặc tìm quán gần để đi bộ đến.
"Nhưng nói chung là quán xá bây giờ giảm hẳn khách, tụi tui ế dữ lắm. Ráng cầm cự coi tình hình sắp tới như thế nào chứ giờ hòa được vốn, không phải dẹp tiệm, sa thải nhân viên là may phước rồi", anh Tâm chia sẻ thêm trước đây có ngày anh bán được 50 thùng bia, giờ chỉ còn 5, 7 thùng, đầu bếp ít việc quá ngồi... ngủ gật.
Quán ế ẩm phải xoay xở cầm cự
Lượng khách giảm hẳn, nhiều quán nhậu giờ phải tranh thủ có sẵn bàn ghế, bếp núc để bán đồ ăn sáng như hủ tiếu, phở, cơm tấm để trang trải bớt tiền thuê mặt bằng và giữ nhân viên. Thậm chí một số quán còn bán cả... nước mía, nước sâm kiếm tiền lẻ.
Quán của anh Tâm buổi sáng cũng bán hủ tiếu nhưng vẫn ít khách và đang cố gắng để trông đợi dịp cuối năm. "Quán nhậu mà bán đồ ăn sáng thì cực lắm, vì 0h mới dẹp quán, 3h-4h sáng lại phải dậy chuẩn bị nấu nồi nước lèo hủ tiếu nhưng giờ không làm thì không được", anh Tâm nói.
Nhậu dường như đã trở thành một phần của văn hóa Việt Nam. Bất cứ dịp gì, bia rượu vẫn là thức uống được sử dụng gọi là để thể hiện nét 'văn hóa tâm giao'. Nhiều hợp đồng cũng được ký trên bàn nhậu.