Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bắt đầu xem xét các vấn đề liên quan đến cuộc chiến thương mại giữa người tiền nhiệm của ông với Trung Quốc và sẽ làm việc với các đồng minh để ngăn chặn hành vi, chính sách không công bằng về kinh tế của nước này.
Tờ South China Morning Post (SCMP) dẫn lời Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm 25-1 cho biết ông Biden “sẽ có cách tiếp cận đa phương và kiên nhẫn” trong mối quan hệ với Trung Quốc, bao gồm việc xem xét các biện pháp thuế quan đang được triển khai.
Bà Psaki cũng tiết lộ Tổng thống Biden muốn đảm bảo rằng mọi bước đi do Mỹ thực hiện đều phải có sự phối hợp với "các đồng minh và đối tác", cũng như "các thành viên Dân chủ và Cộng hòa tại Quốc hội" để chống lại Bắc Kinh.
"Tổng thống cam kết sẽ ngăn chặn các hành vi lạm dụng của Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế trên nhiều mặt, và cách hiệu quả nhất để thực hiện điều đó là làm việc với các đồng minh và đối tác của chúng ta" - bà Psaki nói.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki tại cuộc họp báo đầu tiên về chính quyền Tổng thống Biden tại Nhà Trắng ngày 20-1. Ảnh: SCMP
Cuộc chiến thương mại do Tổng thống Donald Trump khởi động với Trung Quốc vào năm 2018. Cuộc thương chiến phần nào ngừng leo thang cách đây một năm, khi lãnh đạo hai nước ký thỏa thuận giai đoạn một. Theo đó, Trung Quốc đã cam kết mua hàng hóa và dịch vụ của Mỹ theo các mục tiêu do hai nước đặt ra.
Kế hoạch của Tổng thống Biden liên quan tới các biện pháp thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc sẽ là dấu hiệu cho thấy cách chính quyền mới xử lý mối quan hệ song phương với Bắc Kinh, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai nước.
Theo dữ liệu phân tích của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, Trung Quốc chỉ hoàn thành 58% mục tiêu giai đoạn một, đặt ra câu hỏi về việc liệu thỏa thuận có khả thi ngay cả khi không có sự gián đoạn do đại dịch COVID-19 gây ra hay không.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: REUTERS
Nhà Trắng cũng đang tiến hành xem xét các lệnh hành pháp trước đây của ông Trump cấm các nhà đầu tư Mỹ giao dịch đầu tư với ba tập đoàn viễn thông Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 11-1 và yêu cầu những công ty này phải hoàn thành việc bán số cổ phần hiện có trước tháng 11.
Phát biểu trước các phóng viên Nhà Trắng, bà Psaki cho hay các cuộc thảo luận về lệnh cấm đầu tư vào các công ty Trung Quốc, trong đó có China Mobile và China Telecom đang được Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ xem xét cùng "nhiều vấn đề khác".
“Tôi không muốn đưa ra trước bất kỳ thông tin nào về những vấn đề chúng tôi đang xem xét, nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ kiểm tra tổng thể tất cả và sẽ đưa ra thông báo cho mọi người sau” - Thư ký Nhà Trắng cho biết.
Ông Antony Blinken, người được Tổng thống Joe Biden đề cử vào vị trí Ngoại trưởng Mỹ. Ảnh: CNN
Ông Biden đã nhanh chóng đảo ngược, hủy bỏ một số chính sách của cựu Tổng thống Trump trong những ngày đầu tiên nắm quyền, bao gồm việc đưa Mỹ trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, song vẫn chưa thay đổi bất kỳ chính sách nào của người tiền nhiệm liên quan trực tiếp đến Trung Quốc.
Mô tả của bà Psaki về cách tiếp cận của ông Biden phù hợp với những gì ông Antony Blinken - người được Tổng thống Biden đề cử vào vị trí Ngoại trưởng Mỹ nói về Trung Quốc trong phiên điều trần của ông trước Thượng viện ngày 19-1, SCMP đưa tin.
“Tổng thống Trump đã đúng khi có một cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc. Dù tôi không đồng ý với ông ấy trong một số lĩnh vực, nhưng tôi nghĩ rằng những chính sách của ông ấy với Bắc Kinh thực sự có ích cho chính sách đối ngoại của Mỹ” - ông Blinken nhận định.
Theo nhận định của giới truyền thông, ông Blinken nhận được sự ủng hộ từ cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa và sẽ dễ dàng vượt qua buổi bỏ phiếu ở Thượng viện để chính thức trở thành ngoại trưởng tiếp theo của Mỹ.