Hãng tin AFP hôm 25-1 dẫn một nguồn tin quan chức chính phủ Ấn Độ cho hay binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ vừa ẩu đả tại khu vực biên giới, gây thương tích cho cả hai bên, may mắn không ai thiệt mạng.
Binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc tại khu vực biên giới. Ảnh: AFP.
Trong tuyên bố, quân đội Ấn Độ nói rằng vụ ẩu đả diễn ra hôm 20-1 tại khu vực Naku La, bang Sikkim của nước này. Đây chỉ là “cuộc đối đầu nhỏ” và “đã được các chỉ huy địa phương hai bên giải quyết theo các giao thức đã thiết lập”.
Khu vực Naku La nối bang Sikkim của Ấn Độ với vùng Tây Tạng ở Trung Quốc.
Các nguồn tin chính phủ Ấn Độ cho biết cuộc đụng độ đã khiến năm binh sĩ Ấn Độ và 15 binh lính Trung Quốc bị thương.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ "không có thông tin" về vụ việc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết quân đội Trung Quốc "tận tụy để bảo vệ hòa bình và ổn định" tại khu vực biên giới và kêu gọi Ấn Độ cũng làm tương tự như vậy.
“Chúng tôi hy vọng cả hai bên sẽ có những hành động phù hợp để giải quyết những khác biệt và có những hành động cụ thể để bảo vệ hòa bình và ổn định dọc biên giới” - ông Triệu cho biết.
Trung Quốc và Ấn Độ đã tổ chức nhiều vòng đàm phán trong những tháng qua để bàn về việc rút bớt binh lính tại khu vực biên giới.
Mới đây, vào hôm 24-1, các chỉ huy quân sự Ấn Độ và Trung Quốc đã tổ chức vòng đàm phán lần thứ chín kéo dài trong nhiều giờ để tìm ra cách thức giải quyết xung đột.
Trong một tuyên bố chung hôm 25-1, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết hai bên “đồng ý thúc đẩy việc rút quân sớm” tại khu vực biên giới ở phía tây dãy Himalaya.
Vào tháng 5 năm ngoái, khoảng 150 binh lính Ấn Độ và Trung Quốc đã đụng độ với nhau tại Naku La khiến ít nhất 10 binh lính của mỗi bên bị thương.
Một tháng sau đó, hai bên lại diễn ra một cuộc ẩu đả nghiêm trọng tại khu vực thung lũng Galwan ở vùng Ladakh khiến 20 binh linh Ấn Độ thiệt mạng, phía Trung Quốc không thông báo cụ thể con số thương vong bên mình.
Ấn Độ và Trung Quốc từng trải qua một cuộc chiến tranh biên giới năm 1962 ở khu vực trên và kết thúc bằng một hiệp định ngừng bắn. Kể từ đó, ổn định được duy trì một cách mong manh do thực tế vẫn chưa phân định biên giới và việc quân sự hóa từ hai phía.