Xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang Ấn Độ tăng vọt kể từ năm 2016, đến cuối năm 2019 đã gấp 2,5 lần đạt mức 6,7 tỷ USD, đưa Việt Nam vào vị thế thặng dư thương mại lớn với Ấn Độ kể từ đó. Hơn nữa, Tập đoàn công nghệ lớn thứ 3 của Ấn Độ, HCL đã chọn Việt Nam là cứ điểm phát triển trung tâm sản xuất phần mềm và cung cấp dịch vụ lớn nhất ngoài Ấn Độ. Ước tính Tập đoàn HCL sẽ tuyển dụng đến 10.000 việc làm tại Việt Nam.
XUẤT KHẨU TĂNG TRƯỞNG MẠNH TỪ NĂM 2016
Ấn Độ, thị trường rộng lớn với hơn 1,3 tỷ dân dự kiến sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 của thế giới vào năm 2025 và là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào năm 2020. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, quan hệ thương mại của Việt Nam - Ấn Độ chỉ dừng ở mức vài trăm triệu USD đến đỉnh năm 2019 là gần 12 tỷ USD. Độ mở của thị trường Ấn Độ chưa lớn. Chính phủ quản lý nhập khẩu khá chặt chẽ để bảo vệ doanh nghiệp nội địa, nhất là trong bối cảnh thúc đẩy triển khai "Chính sách Tự cường" phát triển sản xuất trong nước. Và Hiệp định thương mại tự do giữa Ấn Độ và khối Asean là FTA hiếm hoi của Ấn Độ.
Tại Diễn đàn Việt Nam - Ấn Độ tổ chức mới đây, Đại sứ Ấn Độ, Ngài Pranay Verma đã chỉ ra những tín hiệu cho thấy những chuyển biến mạnh mẽ trong quan hệ kinh tế giữa Việt Nam - Ấn Độ trong thời gian tới. Cụ thể, thương mại giữa 2 nước đã tăng lên bằng lần, từ móc hơn 200 triệu USD những năm 1990s lên mức 12 tỷ USD vào cuối năm 2019 (trước thời điểm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid). Đường bay thẳng từ Việt Nam đến Ấn Độ cũng đã được mở ra. Đặc biệt, Tập đoàn HCL đã chọn Việt Nam là cứ điểm phát triển trung tâm sản xuất phần mềm và cung cấp dịch vụ lớn nhất ngoài Ấn Độ với kế hoạch tuyển dụng đến 10.000 việc làm.
Quan hệ thương mại của Việt Nam - Ấn Độ bùng nổ kể từ năm 2016, nhanh chóng đưa Việt Nam vào vị thế thặng dư thương mại lớn với Ấn Độ kể từ đó. Việt Nam đã tăng xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp vào Ấn Độ như hoá chất bao gồm sản phẩm hoá chất; cao su; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và các loại linh kiện; máy móc, thiết bị; nhóm vật liệu phục vụ cho xây dựng hạ tầng như sắt thép các loại, kim loại thường khác; và nhóm hàng dệt may.
Nhóm hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam từng là nhóm hàng có kim ngạch lớn thứ 2 trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ. Trong vài năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu các nhóm hàng nói trên đã sụt giảm, cho thấy những rủi ro của doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu các nhóm hàng hoá Ấn Độ có thể sản xuất được.
CƠ HỘI CHO NHỮNG NGÀNH HÀNG NÀO?
Tại Diễn đàn, ông Don Lam, Phó Trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital cho rằng, doanh nghiệp của Việt Nam và Ấn Độ vẫn còn rất ít thông tin về thị trường của nhau, cũng như thông tin về các doanh nghiệp hai bên rất hạn chế. Một phần lý do của vấn đề này là do ít hoạt động xúc tiến thương mại.
"Những sự kiện như diễn đàn đầu tư Việt Nam - Ấn Độ chính là sự khởi đầu, tuy nhiên chúng ta có thể làm được nhiều hơn thế" – ông Don Lâm nhấn mạnh.
Theo ông Don Lâm, các công ty Ấn Độ coi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn để đầu tư trên các lĩnh vực dầu khí, thép, khoáng sản, chè, đường, đào tạo công nghệ thông tin, cũng như là điểm trung chuyển hàng hóa trong khu vực Đông Nam Á.
Các công ty Việt Nam và Ấn Độ có thể tận dụng thế mạnh của mình cũng như học hỏi lẫn nhau ở nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như công nghệ thông tin, dược phẩm, dệt may, năng lượng tái tạo và chế biến nông sản.
Nhìn vào cơ cấu hàng xuất khẩu và sự tăng trưởng của nó trong thời gian qua cho thấy, về phía Việt Nam nhóm ngành sản xuất điện thoại, cao su, sắt thép, hoá chất có cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá sang Ấn Độ nhiều hơn nữa.
Thứ nhất, xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện là nhóm hàng có kim ngạch xuất sang Ấn Độ lớn nhất, chiếm tỷ trọng 26% tổng giá trị xuất khẩu. Xuất khẩu điện thoại và linh kiện tăng cao (giá trị xuất khẩu năm 2020 gấp 3,7 lần năm 2011) và trở thành mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang Ấn Độ nằm trong xu thế xuất khẩu chung của cả nước.
Mặc dù chỉ mới được xuất khẩu sang Ấn Độ kể từ năm 2009, tuy nhiên, mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đã trở thành mặt hàng có kim ngạch lớn nhất xuất khẩu sang thị trường này, với tổng kim ngạch đạt gần 1,4 tỷ USD. Ấn Độ là quốc gia có số lượng thuê bao điện thoại đứng thứ 2 trên thế giới, sau Trung Quốc. Nhu cầu sử dụng điện thoại của người dân Ấn Độ tăng nhanh chóng và thành công trong phát triển thị trường mới của các hãng sản xuất điện thoại là mấu chốt.
Thứ hai, ngành sản xuất thép và sản phẩm thép của Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang Ấn Độ do Chính phủ Ấn Độ đang thực hiện chủ trương tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, đô thị hóa, cầu cống đường xá, và phát triển nông thôn.
Thứ ba, Ấn Độ là quốc gia đứng thứ 2 trên thế giới về tiêu dùng cao su tự nhiên và là nhà sản xuất lớn thứ 4 trên thế giới về mặt hàng này. Ngành công nghiệp sản xuất ôtô của Ấn Độ rất phát triển và Ấn Độ có nhu cầu về cao su tự nhiên rất lớn để đáp ứng việc sản xuất lốp xe ôtô. Việt Nam là quốc gia sản xuất cao su tự nhiên đứng thứ 5 trên thế giới. Vì vậy, đây là một mặt hàng xuất khẩu hết sức tiềm năng của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ.
Ngoài ra, Ấn Độ có thế mạnh về tập hợp luồng vốn đầu tư nước ngoài lớn. Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, Phạm Sanh Châu nhấn mạnh, Ấn Độ có tiềm năng về nguồn tài chính tín dụng khi rất nhiều quỹ đầu tư hàng đầu thế giới được dẫn dắt bởi các quản lý người Ấn và hiện cũng đang có những dự án tiềm năng trị giá hàng trăm triệu USD muốn đầu tư tại Việt Nam.
Ấn Độ có thế mạnh công nghệ nguồn cũng như trình độ khoa học kĩ thuật tốt, đặc biệt trong các lĩnh vực như IT, hạt nhân dân sự, kinh tế số; nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, IT, hàng không, khách sạn.
Xem thêm: mth.16180035152101202-od-na-oav-uahk-taux-ahp-tod-ioh-oc-oc-oan-gnah-tam/nv.ymonocenv