Tối 25-1 (giờ địa phương, tức sáng nay theo giờ Việt Nam), Hạ viện Mỹ đã chuyển nghị quyết luận tội cựu Tổng thống Donald Trump sang Thượng viện, theo đài CNN. Ông Trump bị cáo buộc kích động cuộc bạo loạn ở tòa nhà Quốc hội ngày 6-1, ngày các nghị sĩ lưỡng viện họp chứng nhận chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua.
Vợ chồng Tổng thống Donald Trump đến căn cứ Andrew dự lễ chia tay trước khi về bang Florida ngày 20-1. Ảnh: AP
Như vậy ông Trump sẽ là tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử bị xét xử luận tội hai lần.
Lịch trình dự kiến việc xét xử ông Trump
Hai tuần tới: Ngày 26-1 (giờ địa phương), các thượng nghị sĩ sẽ tuyên thệ với tư cách bồi thẩm đoàn. Trong khi đó đội pháp lý của ông Trump và các công tố viên Hạ viện sẽ có hai tuần để trao đổi, tranh luận trước phiên xét xử chính thức. Hai tuần này cho phép đội pháp lý ông Trump có thời gian chuẩn bị cho phiên xét xử, sau khi có thông tin ông Trump chỉ mới thuê có một luật sư – là ông Butch Bowers tuần trước.
Với lãnh đạo phe đa số Dân chủ tại Thượng viện và với chính phủ Tổng thống Biden, hai tuần này sẽ là thời gian để Thượng viện xem xét phê chuẩn các đề cử nội các, vì một khi phiên xét xử diễn ra thì mọi hoạt động khác của Thượng viện sẽ phải ngừng lại. Trước đó phía Dân chủ có để nghị Thượng viện chia ngày làm việc ra làm đôi, nửa ngày xét xử ông Trump nửa ngày phê chuẩn các đề cử, nhưng phía Cộng hòa không đồng ý.
Khung thời gian của quá trình xét xử: Chưa có khung thời gian chính xác, tuy nhiên nhiều công tố viên luận tội nói họ không nghĩ quá trình này sẽ kéo dài tới 21 ngày như đợt Thượng viện luận tội ông Trump lần đầu năm 2020. Khả năng quá trình xét xử, luận tội sẽ kéo dài trong gần hết tháng 2, và kết luận khả năng sẽ có vào cuối tháng 2.
Ai chủ trì phiên xét xử? Người giữ vai trò này sẽ là Chủ tịch tạm quyền Thượng viện - thượng nghị sĩ Dân chủ Patrick Leahy, chứ không phải Chánh án Tòa án tối cao John Roberts như ở phiên luận tội đầu.
Chủ tịch tạm quyền Thượng viện - thượng nghị sĩ Dân chủ Patrick Leahy. Ảnh: DELAWAREPUBLIC.ORG
Chủ tịch Thượng viện tạm quyền là nhân vật cao cấp thứ hai tại Thượng viện sau Chủ tịch Thượng viện đồng thời là Phó Tổng thống. Chủ tịch Thượng viện tạm quyền là người thực thi vai trò của Chủ tịch Thượng viện khi người này vắng mặt, trong đó có làm chủ tọa các phiên họp. Người được bầu vào vị trí Chủ tịch tạm quyền thường là thượng nghị sĩ cao cấp nhất của đảng chiếm đa số tại Thượng viện.
Hiến pháp Mỹ quy định Chánh án Tòa án tối cao sẽ chủ trì nếu người bị xét xử là tổng thống đương nhiệm, còn các trường hợp khác thì vai trò này thuộc về các thượng nghị sĩ.
Ông Biden đã ‘đả thông tư tưởng’ về chuyện luận tội ông Trump
Từ khi Hạ viện bắt đầu bàn bạc đến soạn thảo và thông qua nghị quyết luận tội ông Trump, ông Joe Biden khi đó còn là Tổng thống đắc cử không nói rõ ông ủng hộ hay phản đối, chỉ nói đây là chuyện của các nghị sĩ, quyết định tùy vào Quốc hội.
Nhiều người trong đội ngũ ông Biden khi đó nói họ và cả ông Biden lo khả năng các nghị sĩ Cộng hòa sẽ gây khó dễ cho chính phủ tổng thống mới nếu đảng Dân chủ cứ nhất quyết yêu cầu Thượng viện mở phiên tòa luận tội ông Trump.
Bên cạnh đó chuyện xét xử ông Trump sẽ ảnh hưởng đến lịch trình làm việc của Thượng viện, và có thể làm chậm tiến trình phê chuẩn các đề cử nội các cũng như thông qua các điều luật chính sách của ông Biden. Bản thân ông Biden từng nói ông hy vọng Thượng viện sẽ phân chia thời gian hợp lý cho hai việc này, có thể trong ngày một buổi xét xử ông Trump, một buổi xem xét phê chuẩn đề cử.
Tuy nhiên CNN cho biết trong buổi trả lời phỏng vấn với nhà báo đài này tại Nhà Trắng ngày 25-1 ông Biden khẳng định phiên tòa luận tội ông Trump “phải diễn ra”.
“Tôi nghĩ nó phải diễn ra” – ông Biden nói về phiên tòa luận tội ông Trump.
Tổng thống Joe Biden (trái) đã không còn băn khoăn về chuyện luận tội người tiền nhiệm Donald Trump (phải). Ảnh: AP
Trao đổi với CNN ông Biden cũng thừa nhận phiên tòa có thể ảnh hưởng đến lịch trình nghị sự của ông cũng như việc phê chuẩn đề cử, tuy nhiên theo ông thì “hậu quả sẽ tệ hơn nếu nó không diễn ra”.
Ông Biden nói ông nghĩ kết quả có thể sẽ dễ nhìn thấy hơn nếu phiên tòa diễn ra vào thời điểm ông Trump còn 6 tháng tại nhiệm, khi đó đảng Cộng hòa còn kiểm soát Thượng viện.
Thời điểm này, Thượng viện đang có thế cân bằng 50/50 nhưng đảng Dân chủ kiểm soát nhờ có Phó Tổng thống Kamala Harris (đảng Dân chủ) làm Chủ tịch Thượng viện. Dù thế ông Biden cũng thừa nhận khả năng ông Trump bị kết tội không lớn vì ông không nghĩ sẽ có đủ 17 thượng nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu kết tội vị cựu tổng thống cùng đảng. Muốn kết tội ông Trump thì Thượng viện phải đạt sự đồng thuận 2/3.
“Thượng viện đã thay đổi kể từ khi tôi ở đây (Nhà Trắng-PV), nhưng không thay đổi nhiều đến mức đó” – ông Biden thừa nhận.