vĐồng tin tức tài chính 365

Vụ ‘siêu lừa’ 433 tỷ đồng: 17 cán bộ 3 ngân hàng bị cáo buộc tiếp tay

2021-01-26 15:08

Nguyễn Thị Hà Thành (37 tuổi) câu kết với 17 cán bộ của 3 ngân hàng để thực hiện 26 vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 433 tỷ đồng.

Báo Pháp Luật đưa tin, VKSND Hà Nội vừa truy tố Nguyễn Thị Hà Thành, đối tượng mượn sổ tiết kiệm, làm giả chữ ký hoặc tài sản thế chấp để lừa đảo hơn 433 tỷ đồng của ba ngân hàng và nhiều cá nhân, tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Trong vụ án này, 24 đồng phạm của Thành bị truy tố về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Trong số này, 17 người là nguyên cán bộ tại các ngân hàng.

Theo cáo trạng được báo VnExpress đăng tải, Thành quen Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Jeongho Lanmark và có quan hệ làm ăn. Từ năm 2016, hai người sử dụng Công ty Jeongho để lập khống các bộ hồ sơ năng lực, mua bán hàng hóa để thế chấp vay ngân hàng.

Tại ngân hàng VietABank, Thành thông qua Nguyễn Thị Thu Hương (trưởng bộ phận quan hệ khách hàng doanh nghiệp Phòng giao dịch Đông Đô – VietABank) để nói với Quản Trọng Đức (giám đốc chi nhánh Hà Nội, Trưởng phòng giao dịch Đông Đô) rằng Thành sẽ cùng đồng sở hữu gửi lượng tiền lớn vào ngân hàng và sau đó sẽ cầm cố chính sổ tiết kiệm đó để vay vốn.

Để “lách” quy định và thực hiện trót lọt, Hương báo cáo Đức sổ tiết kiệm đã bị thế chấp tại ngân hàng nên Thành cần có một loại giấy tờ để chứng minh tài chính khi đi “quan hệ xin dự án”. Hương đề xuất Đức ngoài việc phát hành một sổ tiết kiệm đồng sở hữu, ngân hàng sẽ phát hành thêm Hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn và Giấy đề nghị phong toả. Hai văn bản này trái với quy định ngân hàng nên Hương không nhập vào hệ thống quản lý. “Đức do muốn có thành tích nên đồng ý cho Hương làm trái quy định”, cáo trạng nêu.

Người đồng sở hữu sổ tiết kiệm với Thành khi đến Phòng giao dịch Đông Đô sẽ được Hương tiếp đón, giúp làm hồ sơ. Sau khi hoàn tất các thủ tục, thay vì được cầm sổ tiết kiệm như quy định, họ chỉ được nhận Hợp đồng tiền gửi và Giấy đề nghị phong toả do Hương “vẽ” ra.

Để khách hàng tin tưởng, Hương giải thích khoản tiền gửi đã được phong toả nên nếu không có mặt cả hai người đồng sở hữu thì không thể rút tiền ra được. Khách hàng không được biết về việc VietABank đã phát hành sổ tiết kiệm cho khoản tiền gửi này mà chỉ được cầm bộ hồ sơ để làm tin.

Ngoài ra để đối tác tin tưởng khi gửi tiền đồng sở hữu, Thành phải bỏ một phần tiền để cùng gửi tiết kiệm. Do không có tiền, Thành “vay nóng” của Đặng Thị Quỳnh Hương (trưởng phòng khách hàng cá nhân Phòng giao dịch Đông Đô – VietABank) với lãi suất cao.

Quỳnh Hương quản lý một số khách có nhiều tiền gửi tiết kiệm nên đã giới thiệu Thành với những người người này. Tuy không biết Thành là ai, người có sổ tiết kiệm trên thấy hứa hẹn được trả lãi suất cao, lại do Quỳnh Hương bảo lãnh nên tin tưởng, đồng ý cho vay.

Có trường hợp, Hương giúp Thành lập Hợp đồng tiền gửi bằng với số tiền hứa góp của Thành. Tuy nhiên ở sổ tiết kiệm (tiền gửi thực tế vào ngân hàng) chỉ có tiền của người đồng sở hữu với Thành.

Sau khi có sổ tiết kiệm đồng sở hữu, Thành nhờ Hương thế chấp để vay tiền của ngân hàng lên tới 95% giá trị của sổ. Hương chỉ đạo các giao dịch viên, thủ quỹ lập các chứng từ của bộ hồ sơ vay đưa cho Hương để chuyển lại cho Thành và người đồng sở hữu ký.

Tuy nhiên trên thực tế, Thành không cho người đồng sở hữu biết việc thế chấp sổ tiết kiệm để vay tiền ngân hàng. Thành và Nguyễn Thanh Tùng tự giả chữ ký của người đồng sở hữu sau đó đưa lại bộ hồ sơ có chữ ký giả này cho Hương để hoàn tất thủ tục giải ngân.

Tháng 3/2018, phát hiện Thành giả chữ ký của những người đồng sở hữu để làm hồ sơ vay tiền tại VietABank, Hương không báo cáo cấp có thẩm quyền. Nữ trưởng phòng lại yêu cầu Thành viết một bản cam kết với nội dung thừa nhận đã giả mạo chữ ký và mọi việc không liên quan đến Hương.

Ngoài cách lừa trên, Thành còn bị cáo buộc dùng nhiều thủ đoạn để vay tiền của ông Đặng Nghĩa Toàn. Thành đề nghị ông Toàn gửi tiền vào ngân hàng NCB hoặc PVcomBank rồi đưa sổ tiết kiệm cho chị ta quản lý. Thành sẽ trả ngay cho vợ chồng ông Toàn khoản lãi ngoài là 4,2% một tháng (cao hơn nhiều lần lãi suất ngân hàng).

Thành sau đó dùng các sổ tiết kiệm làm tài sản đảm bảo, giả chữ ký, lăn tay của ông Toàn để vay vốn các ngân hàng. Cáo trạng xác định bằng thủ đoạn trên Thành đã chiếm đoạt của Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) 47,5 tỷ đồng, của ngân hàng PVcomBank 49,4 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, ngân hàng tố giác ông Toàn biết rõ Thành dùng sổ tiết kiệm của mình để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của ngân hàng. Tuy nhiên tài liệu điều tra xác định, Thành và Tùng đã giấu kín việc giả mạo chữ ký của ông Toàn. Hiện, ông Toàn đề nghị các ngân hàng NCB, PvcomBank và VietABank phải trả cho lại cho ông 122 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm.

Tuy nhiên, Thành khai đã trả cho ông Toàn 35 tỷ tiền gốc nên hiện chỉ còn 87 tỷ đồng.

Xem thêm: lmth.yat-peit-coub-oac-ib-gnah-nagn-3-ob-nac-71-gnod-yt-334-aul-ueis-uv/us-ioht/vt.nkd.www

Comments:0 | Tags:Pháp luật Thời sự

“Vụ ‘siêu lừa’ 433 tỷ đồng: 17 cán bộ 3 ngân hàng bị cáo buộc tiếp tay”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools