Định hướng chiến lược
Sinh thời, Bộ trưởng Trần Quốc hoàn rất quan tâm đến việc xây dựng lực lượng Công an nhân dân vũ trang trở thành lực lượng then chốt trong công tác bảo vệ biên giới quốc gia. Các đồng chí Thứ trưởng Phan Trọng Tuệ, Phạm Kiệt, Nguyễn Quang Việt và Trần Quyết lần lượt được đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn giao trọng trách Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang.
Bộ Trưởng Trần Quốc Hoàn (thứ 2 từ phải qua) làm việc với đặc phái viên Uỷ ban ANQG Liên Xô, tháng 3-1973 |
Ngay sau khi đất nước thống nhất, đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã báo cáo với Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ cho mời Đoàn cán bộ Ủy ban An ninh Quốc gia (ANQG) Liên Xô sang làm việc với Bộ Nội vụ Việt Nam để khảo sát những nội dung cần giúp đỡ lực lượng Công an nhân dân vũ trang trong tình hình mới. Ủy ban ANQG Liên Xô đã cử một đoàn cán bộ cao cấp do Thiếu tướng Matroxov, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biên phòng dẫn đầu sang làm việc với Bộ Nội vụ Việt Nam.
Tháng 6-1977, đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã cử đoàn cán bộ cao cấp Bộ Nội vụ Việt Nam do đồng chí Trịnh Trân, khi đó là Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang, làm trưởng đoàn sang làm việc với lãnh đạo Tổng cục Biên phòng Ủy ban ANQG Liên Xô. Trong đoàn còn có đồng chí Cục trưởng Nguyễn Hữu Nhân, nguyên thư ký và là cố vấn về công tác hợp tác quốc tế của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn. Tôi vinh dự được là thành viên của Đoàn ở cương vị phiên dịch.
Đoàn chúng tôi được Lãnh đạo Tổng cục Biên phòng Ủy ban ANQG Liên Xô đón tiếp rất trọng thị và thân tình. Ngay buổi làm việc đầu tiên, đoàn được Phó Chủ tịch Ủy ban ANQG Liên Xô, Thượng tướng Emokhonov tiếp và nhận thư của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn gửi Đại tướng Yuri Andropov, Chủ tịch Ủy ban ANQG Liên Xô.
Trên cơ sở kết quả làm việc tại Việt Nam của Đoàn cán bộ Tổng cục Biên phòng Ủy ban ANQG Liên Xô do Thiếu tướng Matroxov dẫn đầu và thư đề nghị của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, lãnh đạo Ủy ban ANQG Liên Xô duyệt một chương trình làm việc với đoàn chúng tôi do Tổng cục Biên phòng đề xuất.
Theo chương trình đã được duyệt, Đoàn chúng tôi đi trên một chuyên cơ đến quân cảng Simvoropol thuộc vùng Odesa. Tại đây, ngay buổi đầu tiên, chúng tôi đã được bạn cho xem bộ phim tài liệu giới thiệu hoạt động của quân cảng Simvoropol. Sau đó, Bạn giới thiệu một cách hết sức chi tiết cho Đoàn chúng tôi tham quan 3 loại tàu Biên phòng và cung cấp những tài liệu giới thiệu về tính năng và các số liệu chiến thuật-kỹ thuật của từng loại tàu.
Đoàn Bộ Công an Việt Nam thăm một loại tàu của Biên phòng Liên Xô |
Trong một buổi ăn tối, đồng chí Trung tướng Matroxov trao đổi với đồng chí Trịnh Trân và đồng chí Nguyễn Hữu Nhân: "Tôi hiểu Bộ trưởng của các đồng chí còn lo về trình độ học vấn của cán bộ chiến sĩ, nên trong thư gửi Chủ tịch Yuri Andropov, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn chỉ nêu xin cung cấp loại tàu để chống buôn lậu đường biển. Có nghĩa là trước tiên, các đồng chí chỉ cần loại tàu có tốc độ nhanh hơn các loại tàu dân sự? Tôi đã sang Việt Nam cùng với các đồng chí khảo sát tình hình an ninh biên giới biển đảo ở Việt Nam, thấy nhiệm vụ đảm bảo an ninh biên giới biển của các đồng chí là vô cùng cấp thiết.
Đoàn Bộ Công an Việt Nam thăm Hải đoàn Biên phòng Liên Xô tháng 6-1977 |
Đối tượng xâm nhập từ biển vào đất liền không "nhu mì" như các đối tượng buôn lậu đâu. Vì thế, mặc dù loại tàu này giá thành có rẻ hơn, việc đào tạo khai thác, sử dụng và bảo trì đơn giản hơn so với 2 loại còn lại (2 loại tàu còn lại có tên gọi là TARANTUN và GRIP). Nhưng tôi nghĩ, kỹ thuật tên lửa phòng không cũng khá phức tạp, việc đào tạo lại tiến hành trong điều kiện có chiến tranh và phải đào tạo cấp tốc, thế mà các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã nhanh chóng làm chủ được khí tài và lập công rất xuất sắc. Các đồng chí nên cân nhắc kỹ việc chọn loại tàu nào cho thích hợp với tình hình hiện tại".
Đây là một lời khuyên hết sức chân tình của đồng chí Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biên phòng của bạn. Các đồng chí lãnh đạo Đoàn đã báo cáo nội dung tham quan và nội dung làm việc với đồng chí Nguyễn Hữu Khiếu - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Liên Xô và đồng chí Trưởng đại diện Phòng Thương mại Bộ Ngoại thương Việt Nam tại Liên Xô. Sau khi đã có ý kiến của Đại sứ Nguyễn Hữu Khiếu, đồng chí Trịnh Trân đã báo cáo về nước để Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn cho ý kiến xin viện trợ loại tàu GRIP.
Đại sứ Nguyễn Hữu Khiếu thay mặt phía Việt Nam cùng với đại diện Ủy ban Liên lạc Kinh tế Đối ngoại trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô ký Bản Thỏa thuận Liên Xô viện trợ đoàn tàu biên phòng cho Việt Nam dưới hình thức cho vay dài hạn không tính lãi. Bản Thỏa thuận này là cơ sở để Ủy ban ANQG Liên Xô cung cấp thiết bị và huấn luyện đào tạo cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang Bộ Nội vụ Việt Nam (sau này được gọi là Bộ đội Biên phòng) biết khai thác, sử dụng và sửa chữa loại thiết bị bảo vệ biên giới vùng biển. Loại thiết bị này có tên là GRIP.
Cũng trong thời kỳ đó, các đơn vị mới mang tên là Hải đoàn, Hải đội được thành lập trong lực lượng Công an nhân dân vũ trang. Cán bộ chiến sĩ của các Hải đội lần lượt được sang Liên Xô học tập. Trong thời gian cán bộ, chiến sĩ thuộc Hải đoàn Công an Nhân dân vũ trang đang học ở Liên Xô, Ủy ban ANQG Liên Xô đã thống nhất với Ủy ban Liên lạc Kinh tế đối ngoại trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô gửi khí tài sang Việt Nam. Khi các học viên về nước, các học viên lại được các chuyên gia Bộ đội Biên phòng Liên Xô kèm cặp trong quá trình vận hành và bảo quản các loại thiết bị mới được Liên Xô cung cấp.
Cuối năm 1979, lực lượng Công an nhân dân vũ trang được đổi tên là Bộ đội Biên phòng và chuyển về Bộ Quốc phòng. Năm 1988, Bộ đội Biên phòng chuyển về Bộ Nội vụ và cuối năm 1995, lại chuyển về Bộ Quốc phòng.
Tôi kể lại câu chuyện này để bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, người có tầm nhìn chiến lược uyên thâm đã dành cho Lực lượng Bộ đội Biên phòng Việt Nam một hướng phát triển vững chắc; cảm ơn Ủy ban ANQG Liên Xô/ Ngành Biên phòng Cơ quan An ninh Quốc gia Liên bang Nga đã dành cho lực lượng Biên phòng Việt Nam một sự giúp đỡ chứa đầy tình cảm anh em trong một gia đình. Sự giúp đỡ đó như một nền móng vững chắc cho sự phát triển sức chiến đấu của lực lượng Biên phòng Việt Nam.
Những kỷ niệm không thể nào quên
Mặc dù câu chuyện đã diễn ra cách đây gần nửa thế kỷ, song trong tâm trí của tôi vẫn luôn nhớ. Tôi càng xúc động khi tôi được Cục Kỹ thuật Nghiệp vụ Bộ Công an mời đến Cục Đối ngoại Bộ Công an nhận kỷ niệm chương "100 năm ngành Biên phòng Cơ quan An ninh Quốc gia Liên bang Nga" (28-5-1918/28-5-2018). Sự kiện này chứng minh các bạn Nga, cụ thể là Tổng cục Biên phòng Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô, nay là Ngành Biên phòng Cơ quan An ninh Quốc gia Liên bang Nga vẫn nhớ đến tôi, một cán bộ làm nhiệm vụ phiên dịch của An ninh Việt Nam.
Ông Aleksandr Ivanov, Tham tán Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam, Lãnh đạo Cục Đối ngoại và Lãnh đạo Cục Kỹ thuật Nghiệp vụ Bộ Công an trong Lễ trao tặng kỷ niệm chương "100 năm Lực lượng Biên phòng Ngành An ninh Liên bang Nga" cho tác giả bài viết (người mặc đại lễ), tháng 8-2018 |
Khi trao kỷ niệm chương cho tôi, ông Aleksandr Ivanov, Tham tán Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam đã phát biểu chúc mừng tôi và nhấn mạnh: "Lãnh đạo Ngành Biên phòng thuộc Cơ quan An ninh Quốc gia Liên bang Nga quyết định tặng kỷ niệm chương cho đồng chí Ninh Công Khoát là một trong những người đầu tiên đóng góp vào việc xây dựng quan hệ hợp tác chiến đấu giữa lực lượng Biên phòng hai nước Việt Nam - Liên Xô, Việt Nam - Liên bang Nga".
Tại buổi lễ hôm đó, tôi đã bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới lãnh đạo Ngành Biên phòng thuộc Cơ quan An ninh Quốc gia Liên bang Nga, cảm ơn ông Aleksandr Ivanov, Tham tán Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam, cảm ơn Lãnh đạo Bộ Công an, Cục Đối ngoại và Cục Kỹ thuật Nghiệp vụ Bộ Công an đã dành cho tôi niềm vinh dự này.
Ninh Công Khoát