Nếu như vai Thúy Kiều dành cho nữ diễn viên Trình Mỹ Duyên và vai Hoạn Thư dành cho nữ diễn viên Cao Thái Hà đều là sự chọn lựa khá cân nhắc, thì vai Thúc Sinh gần như được êkip làm phim “Kiều” giao ngay cho Lê Anh Huy trong buổi thử vai đầu tiên. Vì sao có sự ưu ái như vậy? Vì vẻ ngoài bắt mắt và vì danh hiệu Nam vương gốc Việt chăng?
Trong Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du đã miêu tả Thúc Sinh là người đàn ông “sớm đào tối mận lân la/ trước còn trăng gió sau ra đá vàng”, thì rõ ràng nhân vật này cũng có những chuyển biến tâm lý khá phức tạp. Đào hoa và hào hoa, nhưng lại hay vương vấn gió trăng, thì nhân vật Thúc Sinh cũng cần thể hiện với một chiều sâu thẩm mỹ nhất định. Chàng trai Lê Anh Huy lần đầu đóng phim, làm sao đảm đương vai Thúc Sinh?
Tạo hình Thúc Sinh trong bộ phim “Kiều”. |
Đạo diễn bộ phim “Kiều” phát hiện Lê Anh Huy khi chàng trai Việt kiều xuất hiện ở buổi tuyển diễn viên vào tháng 11/2019. Sở hữu gương mặt góc cạnh, nét đẹp nam tính mang hơi hướng cổ điển, cùng chiều cao 1m91, Lê Anh Huy gây ấn tượng mạnh với thành phần tuyển chọn diễn viên và đã vượt qua hàng trăm ứng viên để được đóng vai Thúc Sinh.
Chàng trai Lê Anh Huy là gương mặt mới trong làng điện ảnh Việt Nam. Tuy nhiên, chàng trai người Mỹ gốc Việt này đã có thời gian dài hoạt động nghệ thuật tại Mỹ với vai trò người mẫu, ca sĩ và diễn viên. Năm 2013, anh từng giành giải Nam vương tại cuộc thi “Mr. American International”. Có thể nói Lê Anh Huy đã trải qua một hành trình khá dài cả về không gian và thời gian để chạm đến vai nam chính trong bộ phim điện ảnh “Kiều”.
Diễn viên trẻ Lê Anh Huy chia sẻ: “Khi được mời casting và biết đây là một bộ phim cổ trang, tôi đã quyết định dời lại kế hoạch bay về Mỹ để ở lại Việt Nam thử vai. Là duyên thôi thì vẫn chưa đủ, hình tượng cổ trang chính là vai diễn mà tôi đã tìm kiếm bấy lâu, đúng như những gì Huy mong đợi nên bản thân đã thể hiện hết tất cả những gì có thể để thuyết phục các giám khảo trong buổi casting. Thật may mắn và bất ngờ, tôi đã được chọn.
Sau khi nhận vai, tôi về Mỹ để sắp xếp công việc cá nhân. Trong thời gian này, đạo diễn Mai Thu Huyền có chuyến công tác sang Mỹ và tôi được gặp chị để bàn về kế hoạch quay. Tôi cảm nhận được sự tâm đắc và nhiệt huyết của chị khi kể về hành trình 10 năm theo đuổi dự án này. Sau đó, tôi quyết định gác lại công việc chính tại Mỹ, chuyên tâm nghiên cứu kịch bản và đầu tư tập luyện hình thể. Trở lại Việt Nam, tôi được gặp bác Phi Tiến Sơn – tác giả kịch bản.
Càng trò chuyện, tôi càng cảm nhận rõ hơn về cái nhìn rất sâu sắc mà bác Phi Tiến Sơn đã trao cho nhân vật Thúc Sinh. Cái hồn mà bác Phi Tiến Sơn thổi vào hình tượng nhân vật này khiến bản thân tôi không ít lần trăn trở vì tâm trí không thoát ra khỏi nhân vật được. Thúc Sinh thật sự là vai diễn nặng kí đối với một diễn viên mới như tôi”.
Để chuẩn bị đầy đủ kỹ năng cần thiết cho Lê Anh Huy đảm nhận vai nam chính, nhà sản xuất Tincom Media cũng đã lên một kế hoạch huấn luyện liên tục trong suốt 3 tháng từ kỹ năng diễn xuất với diễn viên Kathy Uyên; tập luyện các cảnh võ thuật với đạo diễn hành động Nguyễn Anh Tuấn (Team X); tập cưỡi ngựa, đến các buổi workshop với tổ đạo diễn để phân tích tâm lý nhân vật; và tập diễn tất cả các phân đoạn trong kịch bản.
Đạo diễn Mai Thu Huyền tỏ vẻ hào hứng khi diễn viên Lê Anh Huy hoàn thành vai Thúc Sinh một cách xuôi chèo mát mái: “Tôi rất bất ngờ khi nghe Lê Anh Huy báo tin đã xin nghỉ công việc kỹ thuật viên siêu âm ở bệnh viện bên Mỹ để về Việt Nam đóng vai Thúc Sinh. Trong suốt quá trình tập luyện, anh ấy đã luôn thể hiện tinh thần học hỏi không ngừng và tình yêu vô bờ dành cho vai diễn và khi quay cũng không nề hà bất kỳ cảnh quay khó khăn, vất vả nào. Với cương vị là đạo diễn và nhà sản xuất, tôi cảm thấy thực sự rất hạnh phúc khi các diễn viên dành trọn vẹn tâm huyết cho vai diễn của mình. Tôi tin Lê Anh Huy sẽ là một nhân tố sáng giá trong số các nam diễn viên triển vọng của điện ảnh Việt”.
Thúc Sinh và Thúy Kiều trong bộ phim “Kiều”. |
Theo nguyên bản, Thúc Sinh chỉ là một nhân vật phụ trong Truyện Kiều. Thúc Sinh xuất hiện với tư cách một lãng tử mộ điệu nhan sắc Thúy Kiều: “Khách du bỗng có một người. Kì Tâm họ Thúc, cũng nòi thư hương. Vốn người huyện Tích, châu Thường. Theo nghiêm đường mở ngôi hàng Lâm Tri. Hoa khôi mộ tiếng Kiều Nhi. Thiếp hồng tìm đến hương khuê gửi vào”.
Không phải kẻ chỉ muốn hái hoa bên đường, Thúc Sinh quyết tâm chuộc Thúy Kiều ra khỏi lầu xanh, rồi lấy Thúy Kiều làm vợ lẽ. Dù ông bố nghiêm khắc mắng mỏ, rồi đem đến công đường kiện vì tội bất hiếu, cãi lời cha, nhưng chàng vẫn khăng khăng không chịu đuổi Thúy Kiều về lầu xanh. May mà viên quan phủ cũng là người biết “thương vì nết, trọng vì tài” nên đã xử cho hai người lấy nhau và khuyên Thúc ông dẹp bỏ nỗi bất bình.
Nhưng với vợ là Hoạn Thư thì Thúc Sinh không nghe lời Thúy Kiều khuyên để tiếp tục bưng bít, giấu giếm nên kết cục “thấp cơ thua trí đàn bà”. Thúc Sinh đành bó tay nhìn người yêu bị hành hạ. Cuối cùng đành chấp nhận giải pháp khuyên Thúy Kiều bỏ trốn “Liệu mà xa chạy cao bay. Ái ân ta có ngần này mà thôi”.
Thế nhưng, bộ phim “Kiều” lại muốn xây dựng nhân vật Thúc Sinh theo hướng khác. Bộ phim “Kiều” đưa Thúc Sinh lên thành vai chính và dẫn dắt cốt truyện vào chuyện tình tay ba Thúc Sinh - Thúy Kiều - Hoạn Thư.
Những cảnh quay rất đẹp từ Bắc vào Nam, từ vách núi cheo leo dọc bãi biển tại Quảng Trị đến bãi cát sa mạc nắng chói chang ở Quảng Bình, từ rừng thông bạt ngàn của Huế đến thác Bản Giốc hùng vĩ hay sự bát ngát, mênh mông, nơi giao thoa đất trời ở núi Mắt Thần thuộc tỉnh Cao Bằng… trong bộ phim “Kiều” đều nhằm mục đích mô tả hành trình mặn nồng giữa Thúc Sinh và Thúy Kiều.
Đó là lúc họ kề vai chung bóng “Dịp đâu may mắn lạ thường. Lại vừa gặp khoảng xuân đường lại quê. Sinh càng một tỉnh mười mê. Ngày xuân lắm lúc đi về với xuân. Khi gió gác, khi trăng sân. Bầu tiên chuốc rượu, câu thần nối thơ. Khi hương sớm khi trà trưa. Bàn vây điểm nước, đường tơ họa đàn”, và cả lúc họ lưu luyến cách xa: “Người lên ngựa kẻ chia bào. Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san. Dặm hồng bụi cuốn chinh an. Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh. Người về chiếc bóng năm canh. Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi. Vầng trăng ai xẻ làm đôi. Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường”.
Đạo diễn Mai Thu Huyền và ê-kíp khẳng định, bộ phim “Kiều” không đơn thuần chỉ là cái tiếng đánh ghen của Hoạn Thư, cái nhu nhược của Thúc Sinh hay cái đa đoan của Thúy Kiều như đã hiện hữu muôn thuở trong hình dung của nhiều người, nghệ thuật thứ bảy đưa mối tình tay ba kinh điển này lên màn bạc bằng tất cả chiều sâu giác quan con người: nhìn ngắm khung cảnh, nghe âm thanh, cảm nhận xúc cảm, xem hành động, ngửi mùi hương… Từng chi tiết đều lột tả rõ nét nội tâm của từng người trong lí lẽ của riêng họ về cái được - mất, hạnh phúc - tổn thương, thăng hoa - oán hận khi trở thành nhân vật chính trong mối tình tay ba này.
Bộ phim “Kiều” đẩy nhân vật Từ Hải ra ngoài và nâng nhân vật Thúc Sinh lên cao. Cho nên, trong phim, Thúc Sinh bỗng dưng võ công cao cường, sẵn sàng đối mặt hiểm nguy, phi ngựa băng rừng, đấu võ tay không với đám người áo đen để giải cứu Thúy Kiều. Nghĩa là, những ai đã quen với Thúc Sinh trong Truyện Kiều sẽ bất ngờ với Thúc Sinh trong bộ phim “Kiều”.
Gia QuanXem thêm: /453826-mihp-nert-ov-hnad-gnuc-hniS-cuhT-tav-nahN/aoh-nav-gnos-iod/nv.moc.dnac.acnv