Cảnh sát chống bạo động trấn áp những người biểu tình ở TP Rotterdam tối 26-1 - Ảnh: REUTERS
Tình hình có lắng dịu vào tối 26-1 sau ba ngày biểu tình xảy ra liên tiếp ở nhiều thành phố của Hà Lan.
Trong ngày 26-1, cảnh sát Hà Lan thông báo đã bắt giữ ít nhất 184 người có hành vi quá khích trong đêm biểu tình thứ ba liên tiếp (đêm 25-1) và 250 người trong cuộc biểu tình đêm Chủ nhật. Nhưng cũng có ít nhất 10 cảnh sát đã bị thương trong các cuộc đụng độ với người biểu tình.
Bạo động đã nổ ra tại các thành phố La Haye, Breda, Arnhem, Tilburg, Appeldoorn, Venlo và Roermond, ngay sau khi lệnh giới nghiêm có hiệu lực vào tối 23-1. Thị trưởng thành phố Eindhoven, John Jorritsma miêu tả tình hình như "nội chiến" và kêu gọi chính quyền điều thêm quân đội đến ổn định trật tự.
Theo quyết định của chính quyền, toàn bộ dân chúng nước này được lệnh ở trong nhà để tuân thủ lệnh giới nghiêm từ 21h tối đến 4h30 sáng hôm sau. Lệnh giới nghiêm có hiệu lực đến ít nhất là ngày 9-2-2021 và có thể được gia hạn.
Đây là lần đầu tiên Hà Lan phải thực hiện giới nghiêm toàn quốc kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2.
Cảnh sát bắt giữ người biểu tình quá khích ở TP Rotterdam tối 25-1 - Ảnh: AFP
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Hà Lan đang tiến sát đến cột mốc 1 triệu ca nhiễm COVID-19 (tính đến sáng nay 27-1 là 956.867 ca) và số ca mắc bệnh mỗi ngày tại nước này vẫn ở rất cao so với tỉ lệ dân số, đồng thời biến thể của virus SARS-CoV-2 đến từ Anh đang có dấu hiệu lây lan mạnh.
Người phát ngôn của lực lượng cảnh sát Hà Lan đánh giá đây là cuộc bạo loạn tồi tệ nhất trong 40 năm ở nước này.
Nhiều đối tượng quá khích đã cướp phá các cửa hàng, đốt xe và phóng hỏa một cơ sở xét nghiệm COVID-19. Trong cuộc biểu tình lớn hơn tại thành phố Eindhoven, nhiều cơ sở kinh doanh tại ga trung tâm đã bị cướp phá.
Lực lượng an ninh đã phải sử dụng vòi rồng để giải tán đám đông gần bảo tàng Van Gogh.
Người biểu tình cướp phá một cửa hàng ở TP Rotterdam tối 25-1 - Ảnh: AFP
Cảnh sát trưởng của Hà Lan Henk van Essen đã mạnh mẽ lên án các cuộc bạo loạn và nhấn mạnh rằng những vụ gây rối vừa qua "không hề liên quan đến quyền được biểu tình".
Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte khẳng định các hành vi bạo loạn là không thể chấp nhận được. Ông nhấn mạnh động cơ của các đối tượng này không liên quan đến biểu tình.
Đến tối 25-1, thị trưởng một số thành phố tại Hà Lan đã thông báo sẽ áp đặt các biện pháp khẩn cấp, cho phép cảnh sát có thêm quyền để khống chế bạo loạn.
Lực lượng cứu hỏa dập tắt lửa ở nơi người biểu tình quá khích gây cháy ở TP Rotterdam tối 25-1 - Ảnh: AFP
TTO - Hàng ngàn gia đình bị chính phủ của Thủ tướng Mark Rutte cáo buộc 'lừa đảo' tiền trợ cấp chăm sóc trẻ em đã bị truy thu thuế. Không ít gia đình khánh kiệt khi bị cáo buộc và truy thu sai.
Xem thêm: mth.30965537072101202-auq-man-04-gnort-nal-ah-o-tahn-gnort-meihgn-naol-oab/nv.ertiout