“Chúng tôi đã thấy những gì xảy ra ở các quốc gia vốn kiểm soát dịch tương đối tốt, sau đó các biến thể này xuất hiện và lây lan nhanh chóng, và rồi các bệnh viện trở nên quá tải”, chuyên gia y tế Leana Wen nói với CNN.
Các quan chức ở bang Minnesota, Mỹ thông báo hôm đầu tuần rằng họ đã phát hiện ra biến thể P.1 trong cơ thể một du khách đến từ Brazil. Đây là một trong bốn biến thể virus đang được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) theo dõi chặt chẽ vì dường như dễ lây lan hơn. Các quan chức CDC cũng cho biết một biến thể khác - được gọi là B.1.1.7, lần đầu tiên được phát hiện ở Anh - đã xuất hiện ở hơn 20 bang của nước Mỹ.
Trong khi Mỹ dường như đang đi đúng hướng khi 42 bang báo cáo tỷ lệ lây nhiễm có xu hướng giảm, thành tựu này có thể tiêu tan nếu các biến thể mới tồn tại trong cộng đồng, chuyên gia Wen nói.
Ngày 10/1, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản thông báo nước này vừa phát hiện thêm một biến thể mới của COVID-19 có cấu trúc khác với chủng đã phát hiện ở Anh và Nam Phi.
Chuyên gia hàng đầu ở Mỹ về dịch bệnh truyền nhiễm Anthony Fauci nói với CNN rằng tin tốt lành là một số loại vắc xin COVID-19 hiện tại có thể có hiệu quả trong việc chống lại các biến thể mới.
Hãng dược phẩm Moderna cho biết hôm đầu tuần rằng vắc xin của họ đã tạo ra kháng thể vô hiệu hóa các biến thể COVID-19 lần đầu tiên được tìm thấy ở Anh và Nam Phi, theo tin của Reuters. Tuy nhiên, hãng sẽ thử nghiệm một loại vắc-xin tăng cường mới nhằm vào biến thể Nam Phi sau khi kết luận rằng phản ứng kháng thể có thể giảm.
Công ty cho biết trong một thông cáo báo chí rằng họ không thấy sự giảm phản ứng kháng thể chống lại biến thể được tìm thấy ở Anh. Đối với biến thể Nam Phi, các chuyên gia của Moderna nhận thấy phản ứng kháng thể giảm nhưng vẫn tin rằng chế độ tiêm hai liều của họ sẽ phát huy tác dụng tốt.
Việc xuất hiện các biến thể virus mới ở Anh, Nam Phi và Brazil đã tạo ra một số lo ngại rằng các đột biến trong virus có thể làm cho vắc- xin kém hiệu quả hơn.
Moderna cho biết họ đang xem xét liệu một mũi tiêm nhắc lại - một trong hai loại vắc-xin hiện có hoặc một loại mới được bào chế để chống lại biến thể Nam Phi - có thể được cung cấp trong tương lai nếu có bằng chứng cho thấy hiệu quả bảo vệ của vắc xin tiêm lần đầu giảm.
Chủ tịch Moderna, Stephen Hoge, nói tại một hội nghị: “Virus sẽ không ngồi yên. Mặc dù dường như vắc xin của chúng tôi ngăn chặn tốt các chủng virus hiện tại... nhưng điều quan trọng là chúng ta phải luôn cảnh giác và phát triển các công cụ và biện pháp đối phó tiềm năng cho phép tiếp tục đẩy lùi đại dịch”.
Moderna cho biết họ hy vọng loại vắc-xin hiện tại của họ sẽ duy trì khả năng bảo vệ trong ít nhất một năm sau khi hoàn thành liệu trình tiêm hai liều.
Hãng dược Pfizer Inc của Mỹ và BioNTech SE của Đức nói các thử nghiệm cho thấy vắc-xin của họ có hiệu quả chống lại biến thể được tìm thấy ở Anh, nhưng chưa tiết lộ kết quả đối với biến thể Nam Phi.
Nước giàu hãy “nhả vắc xin ra”
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa hôm qua kêu gọi các quốc gia giàu có ngừng tích trữ số vắc-xin COVID-19 mà họ đã đặt hàng nhưng chưa cần ngay lập tức, nói rằng thế giới cần phải hành động cùng nhau để chống lại đại dịch.
Tại một cuộc họp trực tuyến của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, ông Ramaphosa phát biểu: “Những nước đã tích trữ vắc-xin hãy nhả ra số thuốc này để các quốc gia khác có thể tiếp cận được”. “Các nước giàu có trên thế giới đã mua số lượng lớn vắc xin. Một số nước thậm chí tích trữ gấp bốn lần nhu cầu ... khiến các quốc gia khác không còn cơ hội”.
Anh Minh
Tiền phong
Xem thêm: nhc.15510658072101202-oan-eht-meih-yugn-91-divoc-eht-neib/nv.zibefac