Cấm sử dụng bạo lực để giáo dục
Mặc dù việc trừng phạt con cái bằng roi vọt đã bị cấm ở Trung Quốc từ năm 1986, nhưng hoạt động này vẫn khá phổ thông, đặc biệt ở các vùng nông thôn nước này. Mới đây, một dự luật mới đã được ra đời để cấm hoàn toàn việc sử dụng bạo lực để "dạy dỗ" con cái. Dự luật này đang chờ xác nhận và thông qua tại Ủy ban Thường vụ Đại hội Nhân dân Trung Quốc.
Được biết, chính quyền các địa phương đã gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng quy định được đề ra trong luật năm 1986. Các gia đình cho rằng họ chỉ đánh con cái để dạy chúng cách cư xử. Văn hóa này đã phản ánh nhiều điều về quan điểm giáo dục lâu đời ở Trung Quốc.
"Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi" vẫn là tư tưởng in sâu trong tâm trí nhiều bậc cha mẹ ở Trung Quốc. Họ cho rằng nếu không khắt khe với con nhỏ, khi lớn lên chúng sẽ trở thành những phần tử xấu của xã hội.
Hồi tháng 1/2020, một số người hàng xóm đã báo cảnh sát sau khi họ phát hiện một cậu bé 5 tuổi bị bạo hành ở thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây. Trên người cậu bé có nhiều vết sẹo lớn do bị cha mình đánh đập.
Ảnh: Shutterstock
Đứng trước cảnh sát và một số thành viên của Ủy ban Phụ nữ địa phương, người cha này thừa nhận mình đã gây ra những tổn thương này và cam kết sẽ không bao giờ tái phạm.
Một khi luật mới được thông qua, Trung Quốc sẽ trở thành 1 trong gần 60 quốc gia cấm việc giáo dục con cái bằng đòn roi.
Jiang Jiehua, một phó giáo sư về luật tại Đại học Thượng Hải, nói người dân cần hiểu rằng luật mới sẽ không dung thứ cho bất kì hành vi bạo lực nào nhằm vào trẻ em - bao gồm mắng mỏ, buộc con cái phải quỳ trước mặt cha mẹ hoặc khóa chặt trẻ nhỏ trong không gian kín để chúng tự hối lỗi.
"Ngoài ra, hàng xóm của những đứa trẻ bị bạo hành có thể gọi điện cho cảnh sát để thông báo và các bậc cha mẹ có thể sẽ đi tù hoặc mất quyền làm người giám hộ, như những gì xảy ra ở các nước phương Tây," ông nói.
Đề tài bạo hành trẻ em đã trở thành chủ đề nóng được bàn luận trên các trang mạng xã hội Trung Quốc. Tổng cộng đã có tới 470 triệu lượt đọc về chủ đề này trên Weibo và thu hút hơn 30.000 bình luận.
"Làm hư trẻ con đồng nghĩa với việc giết chúng. Đối với một số đứa trẻ nghịch ngợm, không thể nào giáo dục chúng nếu không dùng đòn roi," một người viết.
Ảnh: Shutterstock
Một bình luận khác kể: "Tôi nhớ khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi đã dạy dỗ tôi bằng cách nói lí lẽ nhưng tôi không nghe hoặc là không muốn hiểu. Nhưng khi mẹ tôi đánh, tôi ngay lập tức cư xử đúng mực".
Thay đổi tư tưởng
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng đây là quan điểm đã lỗi thời.
"Việc trẻ con không trở thành người tốt nếu cha mẹ không đánh chúng [khi chúng phạm sai lầm] đã là quan điểm lỗi thời. Những người không có tính nhẫn nại hoặc có thế giới quan đúng đắn không xứng đáng trở thành cha mẹ," một người phản bác.
Zhang Ruiqiu, một người mẹ có con trai 7 tuổi, nói cô biết rằng đánh mắng con cái không phải là điều đúng đắn, nhưng cô cảm thấy không thể kiểm soát được cơn tức giận khi chứng kiến con mình dành quá nhiều thời gian chơi điện tử thay vì đọc sách hoặc làm bài về nhà.
"Nhiều phụ huynh Trung Quốc - như tôi - phải làm việc. Tôi không có thời gian hay năng lượng để dạy dỗ đứa con hư của tôi [mà không đánh nó]. Thật quá mệt mỏi. Luật mới đã đề ra phương hướng đúng đắn. Nhưng tôi nghi ngờ về việc liệu nó có thể được áp dụng hiệu quả hay không," Zhang nói.
Dự luật cũng quy định rằng cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp không được phân biệt đối xử với trẻ vị thành niên vì lý do giới tính hoặc tình trạng thể chất, không được xúi giục, dạy dỗ, cho phép hoặc lợi dụng trẻ em làm bất cứ điều gì bất hợp pháp - theo Tân Hoa xã.
Phó giáo sư Jiang cho biết mặc dù đã có luật bảo vệ trẻ vị thành niên trước nạn bạo lực, nhưng rất khó để cơ quan chức năng xác định và truy tố người vi phạm vì nhiều bậc cha mẹ cho rằng họ đang đánh con cái để giáo dục chúng.
Ông Jiang nói: "Dùng bạo lực để trừng phạt con cái là một cách giáo dục đã xuất hiện từ lâu ở Trung Quốc. Trong xã hội phong kiến, con trai cần sự đồng ý của cha mình trong mọi quyết định. Ngay cả bây giờ, nhiều người vẫn sống theo truyền thống này. Vì vậy, luật mới sẽ mang lại những thay đổi đáng kể cho phong cách nuôi dạy con cái của Trung Quốc."
Ông Jiang tin rằng người dân Trung Quốc sẽ cần thời gian để chấp nhận luật mới.
"Trước khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949, hôn nhân của mọi người đều là do cha mẹ họ sắp đặt. Sau đó chính phủ đã hủy bỏ hủ tục này. Cần nhiều năm để người dân hiểu rằng họ phải tự tìm bạn đời cho mình".
"Trong xã hội phong kiến, cha mẹ có thể cho phép thầy cô đánh bàn tay con nhỏ nếu chúng không học tử tế. Nhưng trong thời hiện đại, giáo viên không được phép xâm phạm thân thể trẻ nhỏ bằng bất kì hình thức nào. Cần thời gian để mọi người thay đổi nhận thức."
Tất Đạt
Doanh nghiệp và tiếp thị