Khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 3/2020 và nhiều nơi trên thế giới lần lượt bị phong tỏa, các tiệm hoa đã phải đóng cửa. Người dân lo ưu tiên mua gạo hơn là hoa hồng, và mua đậu thay vì thu hái hoa hải đường.
Ảnh minh họa Getty Images
Kết quả là thị trường hoa cắt cành của EU đã mất 1 tỷ euro (1,2 tỷ USD) trong sáu tuần phong tỏa đầu tiên, theo Hiệp hội Thương mại Hoa Quốc tế (Union Fleurs).
Hiếm có ai trong ngành không bị ảnh hưởng, từ công nhân nông trại ở châu Phi cho đến những cửa hàng hoa lớn nhất ở London.
"Mùa xuân và hè là thời điểm chính diễn ra các sự kiện, đám cưới và tiệc chiêu đãi, vì vậy đối với những người trồng và bán hoa chuyên phục vụ cho những dịp này, đó là một đại thảm họa", Sylvie Mamias, Tổng thư ký của Union Fleurs nói.
"Thời điểm đau buồn là thứ Sáu, ngày 13/3 khi các cuộc đấu giá ở Hà Lan sụp đổ", bà cho biết. Nhu cầu tại nhà đấu giá Royal Flora Holland gần Amsterdam, nơi thường nhập và xuất khẩu 40% hoa cắt cành trên thế giới, đã 'hoàn toàn không tăng'.
Ở Anh, nơi mọi người đa phần là mua hoa từ siêu thị thay vì từ cửa hàng hoa, doanh số bán hoa không phải là không tăng chút nào. Nhưng rồi xe tải bắt đầu bị đình trệ di chuyển trên toàn Châu Âu và nhiều chuyến bay chở khách vốn thường vận chuyển hoa từ các trang trại ở Châu Phi và Nam Mỹ đã bị ngừng bay.
"Các quốc gia này đã mất kết nối với thị trường của họ," Mamias nói. "Những người trồng hoa, nhất là ở châu Phi, đã thực sự tơi tả".
Một người bán hàng gói một bó hoa tại Paris hồi 4/2020. Ảnh Getty Images
Sụt giảm doanh số ở một số quốc gia nghiêm trọng đến mức Tổ chức Fairtrade Foundation đã mô tả tình hình xảy ra ở Kenya - vốn cung cấp 1/3 tổng số hoa hồng cho thị trường EU - là một cuộc 'khủng hoảng nhân đạo'.
Anna Barker, Giám đốc cấp cao về chương trình và chuỗi cung ứng hoa của Fairtrade Foundation, nói rằng 100.000 công nhân trang trại hoa của Kenya nhìn chung có lương thấp và do đó dễ tổn thương trước việc đột ngột mất thu nhập.
"Tháng Tư thật tàn khốc, xuất khẩu hoa của Kenya giảm 85%. Cho đến tháng Năm, 50.000 người đã mất việc làm và sinh kế của 2 triệu người dân bị ảnh hưởng gián tiếp. Nhiều trang trại hoa phải cắt thời gian làm việc của công nhân xuống một nửa. Chúng tôi cũng nhận được báo cáo tương tự về việc công nhân bị cho nghỉ việc ở Uganda", bà Barker nói
Kể từ khi các hạn chế phong tỏa được nới lỏng, doanh số bán hoa đã bắt đầu phục hồi. Theo Hội đồng Hoa Kenya, doanh số đã hồi phục khoảng 70%, nhờ việc chính phủ Kenya can thiệp để cho các chuyến bay hoạt động trở lại.
"Vẫn còn nhiều vấn đề và các trang trại nhìn chung sử dụng ít nhân công hơn, nhưng đã thấy ánh sáng cuối đường hầm", bà Barker nói.
Khoảng 100.000 người lao động làm việc tại các trang trại hoa của Kenya đang gặp khó khăn do những thách thức thời đại dịch Covid-19. Ảnh Getty Images
Cũng có những điểm sáng khác, Mamias cho biết. Đã có lúc, những người kinh doanh hoa đã rất chật vật tiến vào thị trường trực tuyến và tranh thủ khách hàng trẻ, nhưng đại dịch đã khiến cho nhu cầu thương mại điện tử tăng cao, và thế hệ trẻ thì nhận ra lợi ích của thiên nhiên.
"Đã có nhiều biến đổi. Việc chuyển sang bán hàng trực tuyến tưởng là chuyện của năm năm nữa, nhưng hóa ra nó đã diễn ra chỉ sau có hai tháng", Mamias nói, và cho biết thêm: "Lệnh phong tỏa là cơ hội tuyệt vời để mọi người tìm lại lợi ích của hoa."
Nó cũng khơi mào một cuộc thảo luận trong ngành về chuỗi cung ứng địa phương so với chuỗi cung ứng toàn cầu, tác động đến môi trường của việc vận chuyển hoa bằng máy bay và các điểm dễ tổn thương trong chuỗi cung ứng.
"Đã có những bài học được học và tôi nghĩ nó sẽ giúp chúng tôi trở nên bền bỉ và có sức chịu đựng hơn về lâu dài. Ngành công nghiệp hoa vẫn tồn tại, và điều đó thật khó tin", Mamias phân tích.
Nghiên cứu về làm sao cho ngành này có sức chịu đựng bền bỉ hơn ở Anh, bao gồm việc đa dạng hóa trang trại, phát triển mô hình 'vườn trong bếp' và các tuyến đường vận chuyển hiện cũng là một phần của sự hợp tác xuyên ngành giữa Quỹ Fairtrade, các nhà bán lẻ và Bộ Phát triển Quốc tế.
"Khả năng phục hồi của các trang trại để giúp công nhân của họ thật đáng kinh ngạc. Nhiều trang trại đã cố gắng giữ nhân viên, cung cấp thức ăn và thiết bị bảo hộ cá nhân - nhưng câu hỏi chính của chúng tôi giờ đây là làm cách nào để đảm bảo cuộc khủng hoảng này không bao giờ xảy ra nữa", bà Barker cho biết.
Đại dịch khiến giới trẻ quan tâm nhiều hơn tới hoa và thiên nhiên. Ảnh Getty Images
Một doanh nghiệp hoa đang tìm hiểu làm thế nào nó có thể trở lại mạnh hơn, đó là Trang trại Hoa Tambuzi ở các đồi thấp, mưa nhiều của Núi Kenya, nằm cách thủ đô Nairobi khoảng 180 km về phía bắc.
Trang trại rộng 22 ha này là cơ sở thuê mướn nhiều lao động nhất trong bán kính 30 km. Thông thường, Trang trại Hoa Tambuzi xuất khẩu hoa, với chủ yếu là hoa hồng, đến 60 quốc gia trên toàn thế giới.
Do ảnh hưởng tới một số lượng lớn công nhân, ban lãnh đạo trang trại đã nhanh chóng hành động khi đại dịch ập đến.
"Chúng tôi biết có điều gì đó không ổn trong ngày [Lễ Tình nhân] và bắt đầu xem xét một cách chiến lược những gì chúng tôi có thể làm", bà Christine Shikuku, Giám đốc nhân sự và môi trường của trang trại, cho biết.
"Chúng tôi đã ngay lập tức phá bỏ 10 ha hoa chấm bi gypsophila và trồng cây lương thực. Chúng tôi có 500 nhân viên và vì vậy chúng tôi đã chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất. Vào tháng Ba và tháng Tư, đơn đặt hàng không có, vì vậy chúng tôi phải thu hoạch và đổ đi hàng tấn hoa".
Những công nhân vốn bình thường trồng hoa chuyển sang trồng đậu, ngô, khoai tây, cải xoăn, hành tây và cà chua trong những luống đất đã được dọn sạch hoa.
Khách tham quan Hội chợ Hoa Mùa thu Harrogate Autumn Flower Show 2016, Anh Quốc. Ảnh Getty Images
Vào tháng Sáu, khi nhân viên làm việc luân phiên theo tỷ lệ 50/50 để tiết kiệm tiền lương, rau đã sẵn sàng được thu hoạch và được cung cấp cho tất cả công nhân.
"Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm biết chừng nào," Shikuku nói. "Khu vực quanh đây rất khô cằn và dân ở đây phải tay làm hàm nhai. Vì vậy, vườn rau của chúng tôi thực sự đã cứu được công nhân.
"Toàn bộ quá trình này cũng đã đưa chúng tôi lại với nhau, bởi vì toàn bộ đội ngũ từ giám đốc đến công nhân đều cố gắng duy trì hoạt động của trang trại",
Giờ đây, ban giám đốc Tambuzi đang suy nghĩ về tương lai. Hoa hồng ở đây là hoa chất lượng cao, chuyên để phục vụ cho sự kiện, và do các cuộc tụ họp đông người vẫn bị cấm ở hầu hết các nước trên thế giới nên doanh số vẫn chỉ ở khoảng 55-60% mức trước đại dịch.
"Chúng tôi phải bắt đầu suy nghĩ về đa dạng hóa," Shikuku cho biết. "Chúng tôi chỉ dựa vào mỗi hoa và nếu chúng tôi không chuyển sang trồng lương thực, tôi không biết bây giờ chúng tôi sẽ như thế nào."
Giờ đây, trọng tâm là xây dựng sự bền bỉ và trang trại đang xem xét các doanh nghiệp mà họ có thể đưa vào ngành kinh doanh hoa, bao gồm cả chăn nuôi gia súc vốn có thể tạo thu nhập, giúp vun bón đất và giảm chi phí đầu vào.
Ở khu vực nam London cũng đã xuất hiện việc hình thành các cộng đồng kết nối với nhau thông qua hoa.
Trên thế giới từ Colombia tới Nam Phi, các nông trại hoa đang tìm cách để phục hồi trở lại mạnh mẽ hơn. Ảnh Getty Images
Simon Lycett và nhóm 13 người của ông được biết đến nhờ những sáng tạo của họ tại các đám cưới hoàng gia và các địa điểm độc quyền, trong đó có Điện Hampton Court, Nhà hát Hoàng gia và Thánh đường St Paul.
Thường thì mỗi tháng doanh nghiệp ông phải xử lý hàng tấn sản phẩm, nhưng kể từ khi phong tỏa, ông đã không có đơn hàng cho bất kỳ sự kiện nào.
"Chúng tôi chỉ bán ra được số hoa trị giá 400 bảng trong thời gian từ tháng Ba đến tháng Tám. Tôi đã phải cắt giảm những người đã làm việc với tôi trong 10 năm. Tôi cảm thấy hoàn toàn bất lực và trong một thời gian dài, tôi cảm thấy như mình đã bỏ rơi họ", Lycett nói.
Trong những thời điểm khó khăn như vậy, Lycett và những người khác trong ngành kinh doanh sự kiện đã đến với nhau. "Thật tuyệt diệu được thấy các ngành nghề khác nhau đã trở nên hướng vào vào cộng đồng như thế nào. Là những người kinh doanh hoa, chúng tôi đang giúp đỡ lẫn nhau, và ít nhất là cũng có thể gọi điện cho nhau để hẹn đi uống cà phê, tán dóc", ông nói.
Ông cũng dùng hoa của mình để hỗ trợ sức khỏe tinh thần của chính ông và những người khác, bằng các video phát trực tiếp trên Instagram từ khu vườn của ông trong thời gian phong tỏa.
Một nhân viên giao hoa tại Catalonia, Tây Ban Nha. Ảnh Getty Images
"Tôi rất may mắn có một khu vườn và giờ đây tất cả chúng tôi đều nhận thức được nhiều hơn về lợi ích của thiên nhiên. Tôi luôn nói rằng hoa sẽ đánh bật những khía cạnh khó khăn của cuộc sống", ông nói.
Lycett hiện đang dồn sức cho các dự án khác, bao gồm cả việc trình chiếu một bộ phim truyền hình nhiều tập về cuộc tranh tài hoa cho HBO Max. Trong khi đó, ông hy vọng chính phủ sẽ giúp đỡ ngành công nghiệp phục vụ các sự kiện, vốn tạo việc làm khoảng 300.000 người.
Đại dịch Covid-19 đã gây ra những chấn động trong ngành hoa cắt cành toàn cầu và một số doanh nghiệp sẽ không sống sót.
Nhưng qua những thử thách, mọi người đang tìm đến với nhau để đưa ngành này trở lại một cách đa dạng, bền vững và bền bỉ hơn.
An An
Nhà đầu tư
Xem thêm: nhc.14325943172101202-91-divoc-iv-at-iot-uac-naot-aoh-peihgn-gnoc-hnagn/nv.zibefac