Làn sóng bác sĩ Hàn Quốc đình công xảy ra sau khi chính phủ thông báo kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y thêm 2.000 người từ năm 2025 với lý do giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ, đặc biệt ở khu vực nông thôn.
Trong khi đó, các bác sĩ lo ngại việc cải cách có thể ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và chất lượng dịch vụ y tế tại nước này trong tương lai. Họ cũng cho rằng việc chính phủ cần làm là tăng đãi ngộ để khuyến khích các bác sĩ đến làm việc ở vùng nông thôn.
Tranh cãi đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và làn sóng bác sĩ Hàn Quốc đình công đang gây ra những tác động đáng kể tới ngành y tế Hàn Quốc.
Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy khoảng 80% người dân Hàn Quốc ủng hộ kế hoạch của chính phủ về tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y.
Tác động từ làn sóng bác sĩ Hàn Quốc đình công
Theo hãng thông tấn Yonhap, tính đến ngày 27-2, ngày thứ tám kể từ khi làn sóng bác sĩ Hàn Quốc đình công bắt đầu, đã có 8.939 bác sĩ thực tập tại khoảng 100 bệnh viện (BV) trên khắp Hàn Quốc rời khỏi nơi làm việc (tương đương hơn 2/3 số bác sĩ thực tập ở nước này) và khoảng 10.000 người đã nộp đơn từ chức.
Diễn biến trên khiến loạt BV lớn ở Hàn Quốc lao đao. Đến nay, các BV đa khoa tại Hàn Quốc đã giảm tiếp nhận 24% bệnh nhân mới và giảm 50% số ca phẫu thuật được thực hiện. Và tất nhiên, bên chịu thiệt hại nhiều nhất trong câu chuyện này chính là các bệnh nhân.
Hãng tin AFP dẫn lời một bệnh nhân ung thư não ở TP Daegu (Hàn Quốc) cho biết việc hóa trị của ông đã bị hoãn lại bất chấp tế bào ung thư đã di căn đến phổi và gan. Tại TP Daejeon, hôm 23-2, một cụ bà khoảng 80 tuổi bị ngừng tim đã chết trên xe cứu thương sau khi bảy BV từ chối tiếp nhận bà với lý do thiếu bác sĩ phụ trách và thiếu giường bệnh.
Yonhap cũng đưa tin về một trường hợp bệnh nhân nam ở TP Daejeon bị co giật đột ngột vào sáng 26-2 nhưng cả tám BV mà ông đến đều từ chối ông. Hay vụ một nữ bệnh nhân chảy máu vùng bụng nhưng bị đến 14 BV từ chối tiếp nhận.
Những ví dụ trên chỉ là một phần nhỏ trong số rất nhiều trường hợp bệnh nhân không được tiếp nhận điều trị do tác động từ việc các bác sĩ Hàn Quốc đình công. Tình trạng này nghiêm trọng đến mức Hàn Quốc ngày 23-2 đã nâng cảnh báo khủng hoảng y tế lên mức cao nhất.
Làn sóng đình công cũng tạo áp lực lên những nhân viên y tế đang tiếp tục làm việc tại các BV. Nhiều y tá cho biết họ lo ngại về rủi ro khi phải xử lý các công việc vốn do bác sĩ thực hiện và cũng cảm thấy mệt mỏi khi phải gồng gánh khối lượng công việc nặng nề sau khi các bác sĩ thực tập rời đi.
Ngoài ra, tình hình đang có dấu hiệu tồi tệ hơn khi nhiều sinh viên trường y và các bác sĩ khác hưởng ứng phong trào đình công. Theo Yonhap, hàng ngàn sinh viên các trường y tại Hàn Quốc đã không đến lớp để thể hiện sự đoàn kết với các bác sĩ. Nhiều nghiên cứu sinh cũng được cho là sẽ không gia hạn hợp đồng với các BV.
“Hoạt động của BV thực tế sẽ lâm vào bế tắc nếu các bác sĩ nghiên cứu sinh, những người đang lấp chỗ trống của các bác sĩ thực tập, hết hạn hợp đồng vào tháng 3” - một giáo sư tại BV ĐH Quốc gia Chonnam (TP Gwangju) nói với Yonhap.
Nỗ lực thuyết phục bác sĩ quay lại làm việc
Trước tình hình trên, Hàn Quốc đã ban hành nhiều biện pháp khẩn cấp để san sẻ gánh nặng với ngành y tế. Tuần trước, chính phủ ra chỉ thị kéo dài thời gian làm việc tại 97 BV công và mở phòng cấp cứu tại 12 BV quân đội cho người dân.
Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo đã cầu xin các bác sĩ đừng lấy mạng sống và sức khỏe của người dân ra đánh đổi. Ông Han cũng yêu cầu cộng đồng y tế ngừng “xúi giục các bác sĩ trẻ” và cho biết chính phủ luôn sẵn sàng đàm phán.
Bộ trưởng Bộ Y tế Cho Kyoo-hong ngày 27-2 cho biết chính phủ đang kích hoạt chương trình bảo vệ về mặt pháp lý cho các y tá để các y tá có thể đảm đương một số nhiệm vụ của bác sĩ theo chỉ đạo của BV.
Đáng chú ý, ngày 26-2, chính phủ Hàn Quốc đã ra tối hậu thư cho các bác sĩ thực tập, đưa ra hạn chót để các bác sĩ trở lại làm việc là vào ngày 29-2, nếu không họ sẽ đối mặt với các biện pháp pháp lý, bao gồm đình chỉ giấy phép hành nghề.
“Bắt đầu từ tháng 3, việc đình chỉ giấy phép hành nghề trong tối thiểu ba tháng sẽ là không thể tránh khỏi đối với những người không quay lại theo quy định. Ngoài ra, các biện pháp tư pháp như điều tra và truy tố cũng sẽ được áp dụng” - Thứ trưởng Bộ Y tế Hàn Quốc Park Min-soo cảnh báo.
Theo luật y tế của Hàn Quốc, chính phủ có thể ban hành lệnh quay lại làm việc cho các bác sĩ và nhân viên y tế khi nhận thấy rủi ro nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Việc từ chối tuân theo mệnh lệnh có thể bị đình chỉ giấy phép, phạt tiền 30 triệu won (khoảng 555 triệu đồng), thậm chí là bị phạt ba năm tù.
Để thuyết phục các bác sĩ quay lại làm việc, ông Park cho biết chính phủ sẽ không đưa ra bất kỳ hình thức kỷ luật nào đối với các bác sĩ nếu họ quay lại trước hạn chót.
Hiện chưa rõ cuộc chiến pháp lý giữa chính phủ Hàn Quốc và hàng ngàn bác sĩ thực tập sẽ đi đến đâu. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng trong tình cảnh hiện tại, ít có khả năng chính phủ Hàn Quốc sẽ thực hiện động thái rắn với những bác sĩ đình công.
Luật sư Hyeondeok Choi tại Công ty Luật Daeryun (Hàn Quốc) cho rằng chính phủ sẽ khó đình chỉ giấy phép của các bác sĩ đã đình công vì việc này sẽ gây ra “khoảng trống y tế rất lớn”. Thay vào đó, ông Choi cho rằng chính phủ sẽ xử phạt những người lãnh đạo phong trào đình công.•
Chính phủ Hàn Quốc kiên quyết tăng tuyển sinh trường y
Ngày 26-2, Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho biết chính phủ nước này sẽ phân bổ kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường y vào tháng 3, bất chấp làn sóng đình công đang diễn ra, theo Yonhap.
Ông Park Sung-min, một quan chức cấp cao của Bộ Giáo dục Hàn Quốc, nói rằng bộ này sẽ thu thập thông tin về số lượng sinh viên mà mỗi trường có thể tuyển thêm trước khi phân bổ chỉ tiêu cho các trường.
“Chúng tôi đặt mục tiêu hoàn thành việc này vào cuối tháng 3. Chúng tôi không có ý định thay đổi kế hoạch” - ông Park nói.