Doanh nhân Cao Tiến Đoan, sinh năm 1960. Ông Đoan là một đại gia có tiếng trong lĩnh vực bất động sản tại Thanh Hoá. Vị doanh nhân này nổi tiếng vì sở hữu lâu đài "bạch dinh triệu đô", với thiết kế sang trọng, tinh tế bằng gam màu trắng tọa lạc trên khuôn viên 50.000m2 tại xã Quảng Châu, TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá.
Trong khu đất 50.000m2 này, ông Đoan dành một phần diện tích để xây dựng một sân bay cá nhân, đồng thời xây dựng khu nhà ở nghỉ dưỡng sinh thái với đường dạo quanh khuôn viên, đường xe điện, bể bơi, sân thể thao tenis, đặc biệt là khu nhà gỗ rường truyền thống, phủ thờ công chúa Mỵ Châu...
Hiện, ông Đoan là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Bất động sản Đông Á Thanh Hóa (EIC). Doanh nghiệp này được thành lập năm 1996, vốn điều lệ 689 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh của Đông Á bao gồm: Kinh Doanh bất động sản địa ốc, Tư vấn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, Xây lắp công nghiệp dân dụng, Đào tạo nghề và phát triển nguồn nhân lực, Kinh doanh khoáng sản, Dịch vụ tài chính ngân hàng và Kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí.
Trên trang chủ, Đông Á cho biết đã hoàn thành 6 dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, gồm: Khu đô thị mới ven sông Hạc (quy mô 37 ha, tổng vốn đầu tư 1.980 tỷ đồng); Dự án chung cư Đông Á Riverside (2 ha, 650 tỷ đồng); Dự án tòa nhà văn phòng – Khách sạn Đông Á (1.600 m2, 250 tỷ đồng); Dự án Khu đô thị sinh thái biển Đông Á Sầm Sơn (60,46 ha, 5.000 tỷ đồng); Dự án Khu du lịch sinh thái – Văn hóa núi Trường Lệ (146 ha, 3.000 tỷ đồng); Dự án Khu đô thị mới Quảng Tân (15 ha, 350 tỷ đồng).
Tuy nhiên, trên thực tế, có thể thấy rằng, có những siêu dự án nghìn tỷ trong số các dự án trọng điểm kể trên của Đông Á vẫn chưa hoàn thiện, chậm trễ trong quá trình xây dựng và bồi thường.
Dự án Khu đô thị sinh thái biển Đông Á Sầm Sơn bị "chỉ đạo khẩn"
Khu đô thị sinh thái biển Đông Á nằm trên địa bàn TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa có quy mô sử dụng đất 60,46ha. Dự án này có tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng với thời gian thực hiện dự án là từ quý I/2016 tới quý IV/2020.
Phối cảnh dự án
Tuy nhiên, đến nay Sở Tài chính và UBND TP. Sầm Sơn cho biết, chủ đầu tư Công ty Đông Á chưa cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến diện tích, loại đất tính pháp lý của hồ sơ thỏa thuận, bồi thường, GPMB dự án theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 17537/UBND-KTTC ngày 17/12/2020 và đề nghị của Sở Tài chính tại Công văn số 6513/STC-QLCS.GC ngày 7/12/2020.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu Công ty Đông Á khẩn trương cung cấp các hồ sơ, tài liệu liên quan đến diện tích, loại đất, tính pháp lý của hồ sơ thỏa thuận, bồi thường, gửi về Sở Tài chính trước ngày 30/1/2021.
Trường hợp chủ đầu tư không chấp hành, giao UBND TP. Sầm Sơn, căn cứ quy định của pháp luật, xác định diện tích, loại đất, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng phần diện tích chủ đầu tư tự thỏa thuận, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân, gửi Sở Tài chính trước ngày 15/3/2021.
Dự án khu đô thị sinh thái biển Đông Á Sầm Sơn, thành phố Sầm Sơn là dự án được hình thành từ 02 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2004 và năm 2015 và đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 1215/QĐ-UBND ngày 18/4/2017. Ngày 18/7/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản số 8279/UBND-THKH cho phép điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án để phù hợp với các nội dung theo quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt.
Khu đô thị sinh thái biển Đông Á có quy mô 256 căn biệt thự, 1.000 phòng khách sạn, dịch vụ thương mại, vui chơi giải trí phục vụ cho khoảng gần 10.000 người.
Tiến độ thi công dự án gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1: thi công hạ tầng kỹ thuật trong 04 năm (từ Quý I/2018 đến Quý IV/2021) với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.200 tỷ đồng; Giai đoạn 2: Thi công công trình kiến trúc trong 6 năm (từ năm 2020 đến năm 2026).
"Siêu dự án" Khu đô thị mới ven Sông Hạc 14 năm chưa triển khai
Số hộ dân bị thu hồi đất trong dự án này của Đông Á là 1.036 hộ, trong đó 776 hộ có đất thổ cư phải di chuyển và hiện đã kiểm kê được 791 hộ. Nhu cầu đất ở tái định cư cho toàn bộ dự án là 1.067 lô đất, với tổng mức bồi thường giải phóng mặt bằng là 550,6 tỷ đồng.
Nói về triển vọng của dự án này, ông Cao Tiến Đoan chia sẻ: "Tôi muốn tạo ra trên mảnh đất mà người ta đang cho là cằn cỗi, đang chết ấy một sự màu mỡ, một "cây đời mãi xanh" để kéo mọi người đến. Để biến nơi đó thành điểm sáng, là thành phố mới tại Thanh Hóa".
Tuy nhiên, cho đến nay, đã trải qua 14 năm, nhưng dự án vẫn chưa được thực hiện. Nguyên nhân dự án chậm tiến độ là do bị trùng 2 dự án lên nhau. Dự án Khu đô thị mới ven sông Hạc được quyết định quy hoạch năm 2006, thì năm 2007, Bộ NN&PTNT phê duyệt quyết định 1119 cho dự án tiêu úng Đông Sơn.
Phối cảnh Khu đô thị mới ven Sông Hạc
Việc dự án chậm tiến độ này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của những người dân sống trong quy hoạch dự án. Bởi, họ không thể xây nhà và cũng không thể chuyển đi đến nơi ở mới. Nhiều ngôi nhà ở khu phố đã xuống cấp nghiêm trọng. Vào mùa mưa lũ nước ngập bốn bề, cống rãnh nước đen kịt, bốc mùi hôi bẩn.
"Dự án này có 2 khu A và B. Khu B là đất thương mại đã được chủ đầu tư làm hạ tầng chia lô bán hết trước đó. Khu A cơ bản giải quyết được phần đất tái định cư thì đây mới chỉ là bước đầu khởi động thực hiện dự án kéo dài hơn chục năm qua", ông Lê Quốc Huy, Phó Giám đốc Ban Giải phóng mặt bằng và Tái định cư TP Thanh Hóa chia sẻ trên tờ Vietnamnet.
Trong văn bản năm 2019, UBND thành phố Thanh Hóa cho biết dự án Khu đô thị mới ven sông Hạc dự kiến năm 2022 sẽ hoàn thành.