Sự kiện đã thu hút đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, sinh viên trong và ngoài nước tham dự.
Hội thảo khoa học Quốc tế AsiaCALL do Hiệp Hội AsiaCALL (Asia Computer-Assisted Language Learning) khởi xướng từ năm 2002. Đây là Hội thảo thường niên được tổ chức tại các nước Châu Á như: Thailand, Taiwan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam,….cho đến nay đã trải qua 17 lần; là diễn đàn giúp các giáo viên, giảng viên và nhà khoa học chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu ứng dụng công nghệ vào giảng dạy Ngoại ngữ.
Cùng với sự phát triển của công nghệ 4.0 và mới đây là những ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, mô hình giáo dục, phương pháp giảng dạy ngoại ngữ đòi hỏi thay đổi phù hợp để thích nghi với hoàn cảnh và đáp ứng nhu cầu đào tạo. Trong bối cảnh đó, Hội thảo AsiaCALL 2021 có chủ đề "Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy tại Châu Á và trên thế giới trong thời kỳ Covid và sau Covid: Đổi mới, giải pháp thiết thực, phát triển bền vững".
Hội thảo khoa học Quốc tế AsiaCALL2021 lần thứ 17 khai mạc sáng 22/01 tại Trường Đại học Văn Lang
Theo PGS. TS. Phạm Vũ Phi Hổ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội AsiaCALL, cũng là giảng viên Trường Đại học Văn Lang: "Hiện các giảng viên Châu Á đang gặp nhiều khó khăn khi giảng dạy theo hình thức E-learning (học tập trực tuyến), đội ngũ giảng viên chưa được trang bị đồng bộ, đầy đủ về kỹ năng, chưa được đào tạo chuyên nghiệp để tham gia dạy trực tuyến. Cần thiết xây dựng mô hình để giảng dạy một lớp học E-learning qua các hoạt động giảng dạy hiệu quả, giúp tăng tính tự học và tính sáng tạo của sinh viên."
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Phan Thế Hưng, Trưởng khoa Ngoại ngữ Đại học Văn Lang cho biết: "ASIACALL 2021 nhằm đóng góp cho việc tìm ra những giải pháp, phương pháp giảng dạy offline (trực tiếp), online (trực tuyến) và kết hợp sao cho hiệu quả trong đào tạo".
TS. Phan Thế Hưng, Trưởng khoa Ngoại ngữ Đại học Văn Lang chia sẻ về tính bức thiết của Hội thảo AsiaCALL 2021
Sau 5 tháng chuẩn bị và phát động, AsiaCALL 2021 đã thu hút 110 báo cáo khoa học của 200 tác giả đến 15 quốc gia: Mỹ, Úc, Indonesia, Nhật Bản, Ấn Độ, Đài Loan, Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Sri Lanka,… AsiaCALL 2021 quy tụ 6 Keynote Speakers là các chuyên gia nổi tiếng trong ngành đến từ các trường đại học uy tín trong nước và quốc tế cùng các tham luận với hấp dẫn, chất lượng: GS.TS. Andrew P. Lian (Đại học Canberra - Úc, Chủ tịch AsiaCALL), TS. Phan Thế Hưng (Trưởng Khoa Ngoại ngữ Trường Đại học Văn Lang); PGS.TS. Phạm Vũ Phi Hổ (Khoa Ngoại ngữ Trường Đại học Văn Lang, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội AsiaCALL); TS. Ania B. Lian (ĐH Charles Darwin, Úc), PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen), và đặc biệt, GS.TS. Rafael Salaberry đến từ Rice University (Mỹ), đại học top 100 thế giới theo QS Stars và đứng thứ 124 trong bảng xếp hạng THE của thế giới.
Trong 2 ngày 22-23/01/2020, dưới cả hai hình thức online và offline, Hội thảo khoa học Quốc tế AsiaCALL2021 và VLTESOL đã tổ chức gần 100 báo cáo khoa học. Vì dịch bệnh Covid -19, các chuyên gia Quốc tế không trực tiếp tham gia Hội thảo, báo cáo tham luận bằng hình thức online.
Tại Việt Nam, Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo chuyên gia, giảng viên, giáo viên đến từ nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Đà Lạt, Kiên Giang, Trà Vinh, Điện Biên, … PGS. TS. Phạm Vũ Phi Hổ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội AsiaCALL cho biết Hội thảo nhận được sự đánh giá cao từ các chuyên gia về công tác tổ chức chuyên nghiệp
AsiaCALL2021 thu hút đông đảo chuyên gia trong và ngoài nước
Tại ASIACALL 2021, Trường Đại học Văn Lang tham gia 35 báo cáo, trong đó có 11 nghiên cứu của 50 sinh viên và 24 nghiên cứu của giảng viên. Với nhiều chủ đề hấp dẫn, sát với thực tế đào tạo ngoại ngữ tại Việt Nam, các báo cáo đã đóng góp nhiều giải pháp mới mẻ, chất lượng về ứng dụng CNTT trong giảng dạy ngoại ngữ trong và Sau Covid, hướng đến đổi mới và phát triển bền vững.
Các báo cáo tham gia Hội thảo được đánh giá cao về chất lượng và giá trị thực tiễn
Ngoài ra, AsiaCALL2021 còn tích hợp tổ chức Hội thảo VLTESOL lần thứ nhất, nhằm chia sẻ những kinh nghiệm và phương pháp nghiên cứu sâu trong giảng dạy ngoại ngữ. Được biết, từ năm 2020, Trường Đại học Văn Lang là một trong số ít đại học có chương trình ưu việt về đào tạo thạc sĩ TESOL và chứng chỉ TESOL dựa trên chương trình liên kết với City University of Seattle (Mỹ).