Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong - Ảnh: A.VINH
Ông Nguyễn Văn Phong, phó bí thư Thành ủy Hà Nội, đã nhấn mạnh như vậy khi tham luận tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, ngày 27-1.
Phó bí thư Hà Nội nhận định những năm sắp tới, tình hình thế giới và khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là đại dịch COVID-19 đã, đang và sẽ có những tác động tiêu cực lớn trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Trong nước, vị thế và tiềm lực của đất nước đã lớn mạnh hơn nhiều nhưng nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức và rủi ro. Song có thể thấy thuận lợi và cơ hội lớn cho phát triển đất nước, cho Hà Nội vẫn là nhân tố chính và xu thế chủ đạo.
"Hà Nội nhận thức sâu sắc và tự tin có đủ năng lực, điều kiện thực hiện trách nhiệm "phải gương mẫu, đi đầu về tất cả mọi phương diện" như lời Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo tại Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố.
Với khát vọng đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển, thành phố đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, phát triển nhanh và bền vững thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực. Cơ bản hoàn thành công nghiệp hóa, GRDP đầu người đạt 8.300 - 8.500 USD.
Tỉ trọng kinh tế số chiếm 30% trong nền kinh tế, cao hơn mục tiêu chung của cả nước. Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố "Xanh - Thông minh - Hiện đại" có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế và đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững, là thành phố kết nối toàn cầu, GRDP/người đạt trên 36.000 USD", ông Phong nhấn mạnh.
Với mục tiêu trên, ông Phong cho biết Hà Nội đã xác định trong thời gian tới sẽ tập trung thực hiện tốt 5 định hướng lớn và 3 khâu đột phá.
Một là, ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, xây dựng một số công trình tiêu biểu, có không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của thủ đô. Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu, kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị; tăng cường phân cấp, ủy quyền; cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số.
Ba là, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội. Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng thủ đô thành nơi đáng sống, làm cho văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần tiêu biểu, động lực quan trọng quyết định phát triển thủ đô.
Để cụ thể hóa, Hà Nội đã xây dựng 10 chương trình công tác toàn khóa với nội dung bao trùm tất cả các lĩnh vực, trong đó tập trung xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh; Chương trình phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thủ đô; Chương trình phát triển đô thị, chỉnh trang đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị…
Đồng thời, thành phố sẽ triển khai việc xây dựng mạng lưới "Sáng kiến Hà Nội" để tập hợp, phát huy tâm huyết, trí tuệ của đội ngũ nhân sĩ, trí thức, doanh nhân…
TTO - Ông Nguyễn Xuân Thắng - bí thư Trung ương Đảng, giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - trả lời báo chí như vậy khi được hỏi trên mạng có nhiều thông tin xấu độc, trong đó có thông tin sai nói rằng công tác cán bộ có nhóm lợi ích.