Chiều tối 27-1, HĐXX tiến hành tuyên án đối với 10 bị cáo về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra trong quá trình thực hiện dự án xây dựng hồ chứa nước Krông Pắk Thượng (Đắk Lắk).
Với hai tội danh nói trên, bị cáo Đỗ Văn Hưu (cựu chủ tịch xã Cư Elang, huyện Ea Kar, Đắk Lắk) bị tuyên phạt chín năm tù. Bị cáo Hoàng Trọng Nghĩa, Lê Thành Nguyên và Lê Sơn (cùng là cựu cán bộ địa chính xã Cư Elang), mỗi bị cáo bị tuyên phạt 10 năm về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Cũng với tội Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ, bị cáo Y Thoai Byă bị tuyên phạt 3 năm sáu tháng tù. Các bị cáo H’Nĩ Niê, Y Thiên Ktla và H’Nút Byă (SN 1965, đều trú tại xã Cư Elang) bị tuyên phạt mức án 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, bị cáo Y Wem Byă (cùng trú xã Cư Elang) bị tuyên phạt 2 năm 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Các bị cáo tại tòa. Ảnh HT
Tại tòa, bị cáo Hưu cho rằng, trong quá trình làm việc liên quan đến dự án, bị cáo đã cố gắng làm tốt công việc của mình từ đầu đến cuối. Bị cáo cũng không có động cơ vụ lợi cá nhân. Hơn nữa trong quá trình công tác, bị cáo cũng đã có thành tích, được khen thưởng.
Bị cáo Nghĩa khai, được Lê Sơn nhờ mua đất, đứng tên, lúc này bị cáo đang là cán bộ xã. Bị cáo khai đất không phải của bị cáo, sau đó được bị cáo Sơn cho hơn 400 triệu đồng. Bị cáo khai nhận hành vi của mình là sai.
Theo lời khai bị cáo H’Blút Niê tại tòa, bị cáo đứng tên hộ giùm cho Nghĩa, được Nghĩa dẫn đi chỉ cho chỗ đất để đứng tên. Bị cáo đã nhận của Nghĩa 300 triệu đồng. Hiện số tiền này đã tiêu xài hết, con bị cáo cũng đang đau ốm và không có tiền để trả lại…
Bị cáo Đỗ Văn Hưu tại tòa. Ảnh HT
Người bào chữa cho bị cáo Hưu cho rằng, việc kết tội đối với bị cáo là có phần khập khiễng. Không thể nói việc bị cáo thực hiện theo mệnh lệnh cấp trên là có động cơ cá nhân. Bản thân một mình bị cáo không thể thực hiện được xem xét xét duyệt, mà có cả một hội đồng.
Hơn nữa, đã đề nghị giám định viên đến để làm sáng tỏ một số vấn đề nhưng giám định viên đề nghị xét xử vắng mặt. Có việc bỏ sót người lọt tội hay không, việc này chưa được làm rõ. Đề nghị HĐXX tuyên trả hồ sơ điều tra bảo sung để làm rõ vấn đề.
Một số luật sư khác cho rằng, cần làm rõ vai trò của một số cơ quan liên quan trong việc xét duyệt đền bù, hỗ trợ như Trung tâm quỹ đất, UBND huyện Ea Kar. Đồng thời, cho rằng, mức án mà đại diện VKS đề nghị cho các bị cáo là quá nghiêm khắc…
Luật sư bào chữa cho bị cáo tại tòa. Ảnh HT
Theo hồ sơ, dự án hồ chứa nước Krông Pắk Thượng được Bộ NN&PTNT phê duyệt ngày 15-5-2009, có tổng mức đầu tư gần 3.000 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ.
Trong đó, diện tích đất thực hiện điểm tái định cư số 1 thuộc địa giới hành chính xã Cư Elang do UBND huyện Ea Kar làm chủ đầu tư.
Khi biết được chủ trương thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ quá trình thực hiện dự án nêu trên, một số cán bộ địa chính xã Cư Elang đã chuyển nhượng đất trái phép. Họ nhờ các hộ gia đình thuộc diện chính sách, hộ nghèo là người dân tộc thiểu số đứng tên trên các hồ sơ nhận bồi thường, hỗ trợ.
Những người dân đã ký xác nhận về nguồn gốc đất, quá trình canh tác sử dụng đất không đúng dẫn đến bồi thường sai, gây thiệt hại Nhà nước gần 4,7 tỉ đồng.
Bị cáo Đỗ Văn Hưu là Chủ tịch UBND xã Cư Elang, Chủ tịch Hội đồng xét duyệt nguồn gốc đất nhưng đã thiếu kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các công việc của cán bộ địa chính thuộc quyền và đã ký xác nhận vào hồ sơ đề nghị bồi thường đất và hỗ trợ trái quy định gây thiệt hại cho Nhà nước.
Đối với sáu bị cáo còn lại, những người được nhờ đứng tên sử dụng đất trong các hồ sơ bồi thường, hỗ trợ sai quy định, bị cáo buộc là đồng phạm với vai trò giúp sức cho các cán bộ địa chính xã này thực hiện hành vi phạm tội...