Lần cuối cùng Park Mi-suk và Jang Gwang nhìn thấy con trai họ là khi cậu ấy rời căn hộ của gia đình vào tối chủ nhật để bắt xe bus đến ca trực làm công nhân đóng gói hàng hóa.
Con trai của họ là Jang Dug-joon – đã làm việc 16 tháng tại trung tâm kho vận của Coupang – một gã khổng lồ thương mại điện tử Hàn Quốc. Jang thích công nghệ và tốt nghiệp đại học với tấm bằng về robot nhưng anh lại không thể tìm được việc trong ngành này. Cuối cùng anh phải chấp nhận tìm một công việc tay chân để làm.
Nhà kho nơi anh làm việc là một mấu chốt quan trọng trong mạng lưới toàn quốc giúp giao mọi thứ từ sữa tới trứng đến đồ nội thất và đồ điện tử. Ở đó, trong một khu công nghiệp ở ngoại ô thành phố, Jang làm việc nhiều giờ, phải đứng, đóng gói các gói hàng để giao đi.
Tỉnh quê hương anh Daegu có 2,5 triệu dân. Tháng 2/2020, nơi đây trở thành tâm điểm làn sóng dịch Covid-19 ở Hàn Quốc và là nơi bùng dịch lớn thứ 2 thế giới sau Vũ Hán, Trung Quốc. Mọi thứ diễn ra rất nhanh: Quy định giãn cách xã hội đã ngay lập tức được đưa ra, khối lượng hàng hóa cần được đóng gói, xử lý trong một ca của Jang đột ngột tăng vọt khi người tiêu dùng không thể tiếp cận các cửa hàng vật lý và buộc phải mua online.
"Khi nó bắt đầu công việc ở đây, chúng tôi rất vui bởi Coupang là một công ty lớn và có chế độ tốt và chúng tôi nghĩ đó là một cơ hội tốt", Jang Gwang - bố của Jang nói với Nikkei.
Bố mẹ của Dug-joon nói đại dịch khởi đầu của những mối đe dọa không ngừng tới con trai họ. Làm việc nhiều giờ trong một công việc áp lực cao, đặc biệt là giữa mùa hè hóng nức của Hàn Quốc, họ nói rằng anh ấy đã giảm 15kg và phải thay rất nhiều quần áo vì không còn mặc vừa nữa. Mặt anh ấy hóp đi vì giảm cân và năng lượng cũng như sự lạc quan của tuổi trẻ dường như không còn nữa.
Anh làm việc 7 ngày liên tục giữa giai đoạn nghỉ lễ Chuseok – cao điểm của ngành giao vận giữa lúc mọi người gửi quà, hoa quả và những thực phẩm khác cho nhau trên khắp cả nước.
Sau khi về nhà vào buổi sáng, Jang sẽ tắm và đi ngủ trong khi bố mẹ và 2 người em vừa thức dậy. Khoảng 6 giờ sáng ngày 12/10, bố mẹ Jang tìm thấy anh trong trạng thái bất tỉnh trong bồn tắm ở nhà họ khi vừa đi làm về. Anh mất ở tuổi 27.
Bóc lột nhân viên đến chết
Bố mẹ anh nói rằng con trai mình không hút thuốc hay uống rượu và cũng không có vấn đề gì về sức khỏe. Tuần mà anh ra đi, Dug-joon đã sắp xếp một kỳ nghỉ gia đình để mừng ngày sinh nhật mẹ. Cái chết của anh được kết luận là bởi làm việc quá sức, đặc biệt là môi trường làm việc.
"Nó phải làm việc như một cái máy", bố Jang nói.
Coupang thì phủ nhận cái chết của Jang Dug-joon liên quan tới công việc của anh và nói rằng vẫn duy trì điều kiện làm việc tiêu chuẩn. Khi cái chết của Jang được bàn tán khắp cả nước, công ty đã đưa ra tuyên bố rằng những người làm việc tạm thời như Dug-joon có quyền chọn lựa thời gian làm việc và trong tuần Jang mất, anh đã làm việc trung bình 44 giờ mỗi tuần. Bố mẹ anh ấy thì tin rằng con số đó nhiều hơn thế.
Công ty phủ nhận mô hình kinh doanh của họ là bóc lột. "Chúng tôi xây dựng công nghệ bởi muốn giúp nhân viên của mình. Chúng tôi thiết lập những khoản đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng. dĩ nhiên chúng tôi muốn giảm thiểu lượng công việc con người làm nhưng cùng lúc chúng tôi cũng muốn tự động quy trình nhiều nhất có thể để tạo ra mọi mặt ảnh hưởng mang tới lợi ích cho khách hàng và những tài xế khác".
"Khối lượng công việc lớn sẽ không được giải quyết thông qua nỗ lực cá nhân, mà nằm ở việc lập kế hoạch và chương trình cấp công ty. Đó là lý do chúng tôi đầu tư vào phần mềm, công nghệ và dự kiến thuê thêm tài xế giao hàng làm nhân viên cố định trong năm nay, nhằm đáp ứng nhu cầu mà không khiến nhân viên phải làm việc quá sức", công ty nói thêm.
Coupang và những công ty giao vận khác trên khắp châu Á đã chứng kiến tài sản tăng chóng mặt khi đại dịch Covid-19 hoành hành. Với hầu hết các công ty thương mại điện tử ở châu Á, 2020 là một năm thành công rực rỡ - nhiều đơn vị chứng kiến khối lượng giao hàng tăng mạnh trong năm, giá cổ phiếu và vốn hóa tăng mạnh.
Đó là điều đánh dấu 1 thập kỷ tốc độ tăng trưởng cao của ngành này. Thương mại điện tử đã trở thành mô hình thành công ở châu Á một phần vì giá nhân công rẻ. Ở Mỹ và châu Âu, giá giao đồ ăn trưa từ 6 – 7 USD trong khi đó dịch vụ tương tự ở Indonesia hoặc Trung Quốc chỉ là 1 – 2 USD.
Tuy nhiên, theo đánh giá của tờ Nikkei, ngành công nghiệp giao hàng là mô hình thu nhỏ của những bất bình đẳng kinh tế ngày càng trầm trọng vì đại dịch. Các tài xế và nhân viên giao hàng phải tăng giờ làm, chịu rủi ro tai nạn giao thông cao hơn, chưa tính đến nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
"Tôi không còn tin vào lời hứa nếu nỗ lực chắc chắn sẽ thành công"
Cái chết của Dug-joon đã thổi bùng tranh cãi trong ngành này. Ở Hàn Quốc, có rất nhiều báo cáo về việc nhân viên giao vận chết vì làm việc quá tải. Một số trường hợp nhân viên giao hàng tử vong vì bệnh tim mạch. Khối lượng công việc của họ ngày càng gia tăng, trong khi các công ty cạnh tranh nhau để cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh và rẻ nhất.
"Đã có 15 trường hợp tử vong do làm việc quá sức được ghi nhận chính thức. Nhưng nếu tính những người qua đời vì rủi ro công việc, con số có thể gấp đôi", ông Yang Dong-kyu tại Liên đoàn Công đoàn Hàn Quốc, tiết lộ. "Chính phủ đã thúc đẩy tốc độ tăng trưởng GDP, gia nhập G-20 và OECD nhưng chưa bao giờ giải quyết thực tế đau lòng này", Yang nói.
Trên khắp châu Á, những câu chuyện tương tự như vậy cũng diễn ra. Nhiều nhân viên phàn nàn về việc làm nhiều giờ liền, gây rủi ro tai nạn giao thông khi họ bị thúc ép phải giao hàng nhanh hơn và lo sợ nhiễm Covid-19. Cùng lúc họ có rất ít lựa chọn việc làm.
Nhiều người thậm chí làm mà không có hợp đồng. Họ lái xe bằng 1 tay trên những chiếc xe máy hay xe đạp và cầm điện thoại 1 bên tay. Trong khi đó, các sếp lại thường có ứng dụng để liên tục cập nhập thuật toán về năng suất làm việc của họ. Những đối tượng hưởng lợi cuối cùng từ sức lao động của họ là các kỳ lân (công ty khởi nghiệp tư nhân có định giá hơn 1 tỷ USD), kỳ lân nhiều sừng (định giá hơn 10 tỷ USD) và những công ty thương mại điện tử được niêm yết công khai.
Trong khi đó, khi việc quá tải tăng lên, thu nhập của những người lao động trong ngành này lại giảm.
Hội đồng quyền con người Hàn Quốc đã công bố báo cáo nói rằng người giao hàng đã làm việc trung bình 71,3 giờ mỗi tuần – được mô tả như "Chuẩn quốc tế của 100 năm trước".
Ngay cả trước đại dịch, sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành giao hàng đã khiến thu nhập trên mỗi lần giao hàng của nhân viên sụt giảm. Theo Trung tâm Thông tin Hậu cần Quốc gia Hàn Quốc, đơn giá trung bình của một lần gửi bưu kiện năm 2019 là 2.269 won (2,05 USD), trong khi hồi năm 2012 là 2.506 won (2,27 USD).
"Trước dịch, shipper làm 8 – 12 giờ và có thể nhận hơn 20 đơn hàng. Hiện tại, chúng tôi làm 10 – 15 giờ cũng chỉ nhận được chưa đầy 20 đơn. Chúng tôi từng kiếm được 21 – 28 USD mỗi ngày. Nhưng giờ chỉ kiếm được một nửa số đó".
Sự bất công
Điều đáng nói là đối ngược lại với sự giảm thu nhập của shipper, các công ty thương mại điện tử lại chứng kiến cổ phiếu và giá trị tăng cùng với lượng chuyển hàng lớn.
Coupang – công ty được chống lưng bởi Softbank đã mở rộng đội ngũ của họ trong đại dịch, ra mắt dịch vụ giao rau củ trong ngày. Họ cũng đẩy mạnh mảng giao đồ ăn.
Quý đầu tiên của năm 2020, Coupang trở thành hãng bán lẻ trực tuyến lớn nhất về giá trị giao dịch, đẩy thị phần lên 25%. Dù không tiết lộ tình hình tài chính năm 2020, nhưng họ được định giá khoảng 30 tỷ USD, tăng từ 10 tỷ USD trong vòng huy động vốn mới nhất vào năm 2018. Điều đó có nghĩa là Softbank đã giành chiến thắng lớn bởi trước đó họ đầu tư 3 tỷ USD vào Coupang.
Cho đến giờ, gia đình Dug-joon vẫn đi tìm câu trả lời liên quan tới cái chết của anh. Họ nộp đơn lên chính phủ để được công nhận là một tai nạn lao động và đang chờ kết quả khám nghiệm tử thi.
Gia đình đang dần bỏ những đồ vật của Dug ra khỏi phòng ngủ. Những cuốn sách của anh vẫn còn trên kệ và quần áo vẫn trong tủ. Trong số đó có 2 chiếc quần jean 1 cỡ trung, 1 cỡ nhỏ Dug-joon đã mua sau khi anh sụt cân.
"Một vài thứ của Joon khiến chúng tôi quá đau lòng khi nhìn thấy, những bức ảnh chẳng hạn. Tôi phải cất vào một nơi để không phải nhìn chúng hàng ngày nữa", mẹ anh nói.
Bà Park nói rằng cái chết của con trai đã khiến bà thay đổi suy nghĩ vốn luôn đau đáu trong xã hội Hàn Quốc rằng nếu nỗ lực chắc chắn sẽ thành công. "Chúng tôi được nuôi lớn để làm việc chăm chỉ và tin rằng nếu như thế, mọi thứ tốt đẹp sẽ đến. Sau này chúng tôi cũng nói với con cái mình rằng nếu làm việc chăm chỉ như bố mẹ, mọi thứ tốt đẹp cũng sẽ xảy ra".
Vân Đàm
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị