Đưa môn kinh tế vào giáo dục phổ thông
Thời báo Kinh tế Sài Gòn
(TBKTSG) - Sau một năm 2020 đầy biến động bất ngờ, có lẽ ai nấy đều có chung một suy nghĩ: thế giới đang thay đổi với tốc độ chóng mặt và con người đang phải dần thích nghi với những thay đổi này.
Ảnh minh họa: TTXVN |
Trong bối cảnh đó, nhiều người ao ước, ước gì có một cách nào đó để chương trình giáo dục phổ thông nhanh chóng có các môn học, chí ít là có những bài học đề cập đến các vấn đề lớn của thế giới hiện nay như cách nhận diện tin giả, cách tự bảo vệ trong không gian mạng, cách đối phó với các dịch vụ công nghệ để không bị chúng theo dõi, biến người dùng thành sản phẩm, cách giúp các em không bị bắt nạt trên không gian mạng, cách khai thác các tiện ích mới nảy sinh…
Từ ước mơ này hãy nhớ lại những đề xuất đưa môn kinh tế vào dạy cho học sinh phổ thông trung học. Cho đến nay, chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn chưa có môn kinh tế mà chỉ tích hợp một số khái niệm kinh tế vào các môn khác như địa lý, giáo dục công dân. Trong khi đó, những thay đổi nhanh chóng của cuộc sống hiện nay đòi hỏi phải chuẩn bị cho học sinh những kỹ năng liên quan đến kinh tế trước khi vào đời.
Học lịch sử hiện đại mà không được giới thiệu về thương mại quốc tế, toàn cầu hóa, tỷ giá hối đoái, lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh… thì học sinh sẽ khó lòng hiểu sâu các diễn biến lịch sử. Học về quá trình đổi mới mà không được trang bị những kiến thức về kinh tế thị trường, về quy luật cung cầu, về thị trường lao động… học sinh chỉ sẽ như “cỡi ngựa xem hoa”.
Ở bình diện cá nhân, kinh tế học sẽ giúp các em các kỹ năng rất cần thiết để vào đời như biết được giá trị thời gian của tiền bạc, biết được cơ hội và rủi ro của các kênh đầu tư, biết được chi phí cơ hội khi đưa ra các quyết định cho bản thân. Không nói đâu xa, có thể nhờ kiến thức kinh tế học ở trường, các em giúp gia đình tránh được cái bẫy cho vay nặng lãi của các nhóm xã hội đen, lừa đảo người dân bằng các chiêu thức lãi suất thấp.
Xu hướng của giáo dục hiện đại là tích hợp nhiều môn để rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề. Lấy ví dụ các em được giao chuẩn bị thuyết trình về đề tài thành phố thông minh, chắc chắn kiến thức cần có sẽ liên quan đến lịch sử, địa lý, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục, quản lý nhà nước… nhưng bao trùm hết vẫn là các nguyên tắc kinh tế cần nắm để dự án luôn mang tính khả thi bởi mọi quyết định được đưa ra đều phải dựa vào phân tích chi phí và lợi ích.
Hiện nay các sản phẩm công nghệ của các công ty lớn như Google, Apple hay Facebook đang bao trùm lấy cuộc sống của mọi người, kể cả những người dân bình thường. Nếu không có một hiểu biết cơ bản về tính cạnh tranh, rào cản thị trường, vị thế độc quyền, các em sẽ không hiểu vì sao các nước đòi hạn chế các công ty công nghệ này, để giải thoát con người khỏi sự chi phối của chúng và để các sản phẩm tương tự khác có cơ hội ra đời.
Nếu không có tầm nhìn như thế, đến lượt các em khi ra trường, bước vào môi trường đại học các em sẽ khó lòng có được tinh thần khởi nghiệp từng làm ra các nhân vật như Bill Gates, Steve Jobs hay Elon Musk để làm ra một Microsoft, một Apple hay một Tesla mới. Thế giới ở thập niên 20, 30 của thế kỷ 21 này cần những con người như thế và trang bị kiến thức kinh tế là một trong những cách chuẩn bị hiệu quả nhất.
Xem thêm: lmth.gnoht-ohp-cud-oaig-oav-et-hnik-nom-aud/841313/nv.semitnogiaseht.www