Chủng virus ở Chí Linh lây lan nhanh
Nhóm PV
(TBKTSG Online) - Chiều 28-1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp khẩn trực tuyến tại Bộ Y tế với các địa phương về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Theo Phó Thủ tướng, Bộ Y tế đang quyết liệt và thần tốc trong việc lấy mẫu xét nghiệm. Tại Chí Linh (tỉnh Hải Dương), đã lấy được hơn 4.000 mẫu tại nhà máy có trường hợp mắc bệnh, chưa kể các mẫu lấy ở nhà dân.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, điều cần làm hiện nay là cần toàn xã hội thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống để tránh nhiều trường hợp đáng tiếc. Ảnh minh họa: TTXVN |
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đọc toàn bộ nội dung Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.
Phân tích về công tác phòng chống dịch khẩn cấp vừa xảy ra tại hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định những tình huống về phòng chống dịch đã được dự kiến từ đầu mùa dịch đến nay, các tình huống như ở Quảng Ninh và Hải Dương đã được lường trước. Điều cần làm hiện nay là cần toàn xã hội thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống để tránh nhiều trường hợp đáng tiếc.
Trong cuộc họp, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi tại sao ở Chí Linh (Hải Dương) và Sân bay Quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) xét nghiệm trong một đợt lại có nhiều trường hợp dương tính như vậy? Ngay cả vụ dịch xảy ra ở Đà Nẵng cũng không phát hiện trong lần đầu nhiều đến vậy.
Theo Phó Thủ tướng, kết quả xét nghiệm đến nay tại Chí Linh (Hải Dương) đã có 72 trường hợp, ổ dịch ở Vân Đồn có thêm 10 trường hợp.
Phó Thủ tướng cho hay: “Có hai lý do chính, vì chúng ta phát hiện phân tích sơ bộ chủng virus này mới lây lan rất nhanh. Theo tính toán sơ bộ thì ổ dịch ở Chí Linh đã bị nhiễm tối thiểu 10 ngày, nhưng chủng virus này lan nhanh hơn nhiều, chưa đến 3 ngày đã lan đến hết 1 vòng (chu kỳ), hiện nay dự đoán đã lan ra đã 4 vòng".
Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn đã tạm đóng cửa từ sáng nay 28-1. Ảnh: TTXVN |
Hải Dương giãn cách xã hội từ 12h ngày 28-1
Từ 12h trưa nay, tỉnh Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội tại TP Chí Linh trong 21 ngày. Các thành phố lớn TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ đang tăng cường các biện pháp kiểm soát và phòng dịch.
Toàn bộ thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, với hơn 220.000 dân bị phong tỏa, dừng tất cả hoạt động công cộng trong 21 ngày, bắt đầu từ 12h ngày 28-1.
Chiều 28-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành chỉ thị số 5 về một số biện pháp cấp bách phòng chống Covid-19, sau khi xuất hiện 73 ca nhiễm SARS-CoV-2 ở TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương và 11 ca ở sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) chỉ trong hai ngày.
Từ 12g ngày 28-1, tỉnh Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội theo hai mức độ. TP Chí Linh, nơi phát hiện 73 ca nhiễm Covid-19, người dân được yêu cầu ở nhà. Người dân được yêu cầu ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết như mua thực phẩm, thuốc chữa bệnh và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.
Nếu ra khỏi nhà, người dân phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá hai người trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 m.
Các huyện thị, thành phố khác ở Hải Dương sẽ giãn cách theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng, dừng các hoạt động tập trung đông người, tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, rà soát hoạt động của các nhà máy.
Từ 0h ngày 28-1, UBND tỉnh Hải Dương dừng chấp thuận cho người lao động ở nước ngoài nhập cảnh và cách ly tại các khách sạn trên địa bàn cho đến khi có thông báo mới. Các chuyên gia, người lao động nước ngoài đã được UBND tỉnh chấp thuận nhập cảnh và cách ly tại Hải Dương trước ngày 28-1 sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Bắc Giang dừng các hoạt động tập trung đông người
Từ ngày 28-1, tỉnh Bắc Giang thực hiện dừng các hoạt động tập trung trên 20 người trong một phòng, không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài công sở, trường học, bệnh viện, giữ khoảng cách tối thiểu 2m.
Tỉnh Bắc Giang yêu cầu từ ngày 28-1, người dân nếu không vì lý do công vụ không được di chuyển đến những nơi có ca mắc bệnh.
Trường hợp đặc biệt phải báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp huyện, thành phố và khi trở về phải thực hiện cách ly y tế theo quy định. Trường hợp đã đến những nơi có ca mắc bệnh từ ngày 14-1 trở lại đây phải khai báo y tế và thực hiện các biện pháp cách ly phù hợp.
Ngoài ra, tỉnh dừng thực hiện nghi lễ tôn giáo, hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các điểm công cộng; tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn gồm: karaoke, massage, trò chơi điện tử, rạp chiếu phim, quán ăn, cơ sở thẩm mỹ...
Trường học có liên quan đến trường hợp F1, F2 của ca bệnh cho học sinh nghỉ học đến khi có thông báo mới và tiến hành phun khử khuẩn.
Ngành giao thông vận tải thực hiện giảm 50% vận tải hành khách và xe hợp đồng. Các phương tiện không chở quá 20 người/xe, đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch.
Hải Phòng dừng các tuyến xe khách, bến đò với Hải Dương, Quảng Ninh
Chiều 28-1, UBND thành phố Hải Phòng họp khẩn về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ yêu cầu các địa phương tập trung thực hiện truy vết nhanh, kiểm soát nguồn lây từ bên ngoài, đặc biệt từ Hải Dương, Quảng Ninh, tổ chức cách ly các trường hợp liên quan theo quy định.
Đồng thời, tổ chức kiểm tra thường xuyên nơi cách ly, lưu ý quy trình quản lý y tế tại địa phương; yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc và triển khai giãn cách 1m tại những nơi tập trung đông người; khử khuẩn ở các nơi công cộng như chợ, siêu thị; dừng ngay các sự kiện tập trung 30 người trở lên nhất là khu vui chơi giải trí, lễ hội.
Bên cạnh đó, thành phố yêu cầu dừng xe vận tải và các chuyến đò từ Quảng Ninh, Hải Dương đến Hải Phòng từ 18h ngày 28-1. Công an thành phố phối hợp với đơn vị liên quan kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm.
Hải Phòng sẽ thành lập 8 chốt kiểm soát liên quan đến các khu vực đầu vào thành phố, trừ chốt Cầu Nghìn nối với Thái Bình nhưng phải luôn trong tình trạng sẵn sàng.
Tại các khu công nghiệp, khu kinh tế khuyến khích doanh nghiệp tạo điều kiện ở lại tại chỗ. Hạn chế tối đa các trường hợp ra vào Hải Phòng từ hai địa phương trên.
Yêu cầu người dân đến Cần Thơ cài đặt, sử dụng ứng dụng Bluezone
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố thuộc UBND TP Cần Thơ vừa có yêu cầu người dân đến địa phương phải cài đặt và sử dụng liên tục ứng dụng Bluezone để đảm bảo truy vết khi cần thiết. Đây là yêu cầu được đưa ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp trở lại.
Vào hôm nay, 28-1, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thuộc UBND TP Cần Thơ đã có văn bản gửi các đơn vị liên quan về việc khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới.
Theo đó, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố yêu cầu Trung tâm kiểm soát bệnh tật phối hợp với Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ thực hiện nghiêm kiểm tra nhiệt độ và tình trạng sức khoẻ của 100% hành khách trên các chuyến bay quốc tế và quốc nội đến cảng hàng không này kể từ hôm nay, 28-1.
Đối với các chuyến bay xuất phát từ Hải Phòng, Quảng Ninh (nếu có) cần phải yêu cầu khai báo y tế đối với tất cả hành khách và phi hành đoàn. Đồng thời, yêu cầu người dân đến thành phố phải cài đặt và sử dụng liên tục ứng dụng Bluezone để đảm bảo cho công tác truy vết khi cần thiết.
TP Cần Thơ cũng yêu cầu Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố khẩn trương tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm SARS-CoV-2 cho toàn bộ nhân viên Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ và nhân viên kiểm dịch y tế của Trung tâm kiểm soát bệnh tật địa phương này.
Đà Nẵng giữ lại bệnh viện dã chiến Tiên Sơn
Trưa 28-1, UBND TP Đà Nẵng triệu tập cuộc họp khẩn với các sở ngành liên quan đến việc phát hiện các ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng ở Quảng Ninh và Hải Dương.
Lãnh đạo TP Đà Nẵng yêu cầu ngành y tế sẵn sàng trang thiết bị và nhân lực, giữ lại bệnh viện dã chiến Tiên Sơn đến sau Tết Nguyên đán. Đà Nẵng cũng yêu cầu các địa phương hạn chế tổ chức các hoạt động đông người và bám sát thông tin diễn biến dịch để kịp thời có sự điều chỉnh các sự kiện.
Ông Lê Quang Nam, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, người dân phải mang khẩu trang theo khuyến cáo. Đồng thời phát huy vai trò của người dân trong việc yêu cầu người về từ hai địa phương có dịch phải tự giác cách ly, nhất là lực lượng công an và quân đội phải tổ chức kiểm soát tốt tình hình xuất nhập cảnh trên địa bàn.
TPHCM yêu cầu hạn chế tập trung đông người
UBND TPHCM đã có văn bản yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị và Chủ tịch UBND các quận, huyện tiếp tục quán triệt tinh thần đề cao cảnh giác, không được lơ là, chủ quan; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh việc thực hiện Bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch bệnh tại các tổ chức, đơn vị, khu dân cư, các nơi có nguy cơ cao như siêu thị, nhà ga, sân bay, trường học, doanh nghiệp, nhà máy...
UBND TP cũng yêu cầu hạn chế tập trung đông người, hạn chế tổ chức các lễ hội; các sự kiện tập trung đông người phải tuân thủ yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan y tế về phòng, chống dịch. Lực lượng chức năng tiếp tục tuyên truyền, khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác, thực hiện việc đeo khẩu trang nơi công cộng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Cảng vụ Hàng không miền Nam chỉ đạo các hãng hàng không thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch trước, trong và sau chuyến bay chở người nhập cảnh; phối hợp các đơn vị liên quan đảm bảo phát hiện sớm và áp dụng các biện pháp phù hợp đối với các trường hợp mắc bệnh, có nguy cơ mắc bệnh nhập cảnh qua đường hàng không...
Cục Hàng không yêu cầu thực hiện nghiêm biện pháp ngăn ngừa Covid-19
Cục Hàng không Việt Nam vừa có công văn hỏa tốc gửi các cơ quan, đơn vị có liên quan về thực hiện các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19. Cơ quan này yêu cầu các cảng hàng không tiếp tục tuyên truyền, giám sát, nhắc nhở tất cả cán bộ, nhân viên, người lao động và hành khách đeo khẩu trang đúng cách trong khu vực nhà ga và trên các phương tiện vận tải hành khách; kiểm tra thân nhiệt; sát khuẩn tay đúng cách bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn (có ít nhất 60% nồng độ cồn); kịp thời phát hiện các hành khách có triệu chứng bất thường để thông báo cho cơ quan y tế có thẩm quyền theo dõi và có biện pháp xử lý theo quy định đồng thời thường xuyên vệ sinh, khử trùng các trang thiết bị và các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao tại khu vực cảng hàng không để hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh.
Cục Hàng không cũng yêu cầu các hãng hàng không tiếp tục thực hiện yêu cầu tất cả các hành khách phải tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch trước khi lên tàu bay và trong suốt chuyến bay, đặc biệt đeo khẩu trang trên các chuyến bay; thực hiện nghiêm các quy định về tổ chức lưu trú và cách ly y tế đối với tổ bay theo các văn bản hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế.
Các cảng vụ hàng không triển khai các nội dung trên đến tất cả các hãng hàng không nước ngoài và các cơ quan, đơn vị đang hoạt động tại các cảng hàng không, sân bay.
Bộ Công Thương họp khẩn về công tác phòng chống dịch Covid-19
14h ngày 28-1, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh tổ chức cuộc họp khẩn về tình hình ứng phó với dịch Covid-19 ngay sau khi Bộ Y tế xác nhận 2 ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng tại Quảng Ninh và Hải Dương. Ông yêu cầu các đơn vị trực thuộc bắt tay ngay vào triển khai các công việc được giao, gồm đảm bảo cung ứng hàng hóa trong các khu bị phong tỏa, các khu vực cửa khẩu cũng như kiểm soát thị trường. “Đặc biệt, Bộ phải phát hành ngay Chỉ thị về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới”.
Bộ Công Thương đã chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp chủ động ứng phó với các tình huống diễn biến mới, có phương án điều tiết nguồn hàng từ các nhà cung cấp, từ các vùng sản xuất, tăng lượng cung ứng cho địa bàn các tỉnh, thành phố có dịch bệnh, cần cách ly hoặc giãn cách xã hội. Đặc biệt, trong mọi tình huống đều phải đảm bảo cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu, không để xảy ra tình trạng xáo trộn đời sống của nhân dân.
Qua cập nhật báo cáo, các doanh nghiệp phân phối đã dự báo được nhu cầu của người dân đối với hàng hóa sẽ tăng nên đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn cung để đáp ứng nhu cầu của người dân. Hiện nguồn cung các mặt hàng rau, củ, quả, gạo, mỳ, thịt, gia vị… đang được cung cấp, bày bán trong hệ thống các siêu thị với số lượng khá nhiều, giá được niêm yết rõ ràng, đầy đủ và ổn định, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá.
Báo cáo nhanh của Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cho thấy, Sở đã xây dựng, ban hành Kế hoạch chuẩn bị nguồn cung hàng hóa để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh chuẩn bị lực lượng hàng phục vụ nhu cầu nhân dân trong tỉnh, với mục tiêu đủ nguồn hàng, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, không để xảy ra tình trạng khan hàng sốt giá, tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế.
Hiện nay, sức mua trên địa bàn tỉnh Hải Dương cơ bản ổn định, không có hiện tượng đổ xô đi mua hàng, người dân tiếp tục nâng cao tinh thần phòng dịch theo Thông điệp 5K của Bộ Y tế. Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cũng đã kích hoạt các biện pháp cần thiết để phòng, chống dịch, hàng hóa về cơ bản đầy đủ để phục vụ nhân dân trên địa bàn.
Còn tại Quảng Ninh, nguồn hàng trên thị trường trong tỉnh cơ bản vẫn ổn định, hàng hóa phong phú, không có hiện tượng khan hiếm hàng. Sở Công Thương tỉnh cũng đã chủ động, thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình cung cầu hàng hóa để có biện pháp phù hợp điều tiết thị trường, không để tình trạng găm hàng, khan hiếm hàng.
Xem thêm: lmth.hnahn-nal-yal-hnil-ihc-o-suriv-gnuhc/252313/nv.semitnogiaseht.www