Nhìn vào suy giảm chung về hoạt động đầu tư toàn cầu lúc này, bà thấy Việt Nam có cơ hội nào để tạo nên sự khác biệt hay không?
Không nằm ngoài dự đoán, năm 2022 là một năm đầy thách thức đối với tất cả các lĩnh vực, ngành nghề do chịu tác động của nhiều yếu tố như đại dịch Covid-19, xung đột địa chính trị leo thang, lãi suất tăng… và bất động sản không nằm ngoài vòng xoáy đó, thậm chí còn chịu tác động “kép” trước những “cú sốc” liên quan tới trái phiếu địa ốc hay chính sách siết chặt tín dụng bất động sản và hậu quả là thanh khoản sụt giảm mạnh, thị trường trầm lắng kéo dài.
Chắc hẳn là có những nét tích cực khác, bởi trong bối cảnh khó khăn chung, kinh tế Việt Nam vẫn ghi nhận những kết quả ấn tượng?
Đúng là như vậy. Tính chung cả năm 2022, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 8,02% - vượt dự báo của hầu hết tổ chức kinh tế quốc tế là từ 6,5- 7,5% và cũng là mức tăng cao nhất trong hơn 10 năm trở lại đây. GDP bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 95,6 triệu đồng/người (tương đương với 4.110 USD/người, tăng 393 USD/người so với năm 2021).
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm qua, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thực hiện đạt mức cao nhất trong 5 năm qua là 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước. Các lĩnh vực thu hút FDI mạnh nhất là ngành sản xuất và chế biến, chế tạo (chiếm 61% tổng vốn FDI); bất động sản (16%); công nghệ, điện và lĩnh vực khác (23%). Các nước dẫn đầu về tổng vốn đăng ký là Singapore (23,3%), Hàn Quốc (17,6%) và Nhật Bản (17,3%).
Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam |
Điều này phải chăng sẽ hỗ trợ tốt hơn cho thị trường địa ốc?
Sau giai đoạn tăng trưởng nóng, thị trường bất động sản có sự điều chỉnh cũng là dễ hiểu, nhưng khác với trước đây, “sức đề kháng” của thị trường hiện tốt hơn hẳn. Trái với xu hướng thế giới, tỷ giá và lãi suất trong nước không những ít biến động, mà còn có xu hướng giảm nhẹ dần vào đầu năm 2023 nhờ những động thái chính sách kịp thời và hiệu quả của Nhà nước trong những tháng cuối năm 2022, đó là 2 phiên điều chỉnh tỷ giá, 4 lần giảm giá bán USD tại Sở Giao dịch của Ngân hàng Nhà nước… giúp giảm áp lực tỷ giá, bơm thanh khoản vào hệ thống và ổn định mặt bằng lãi suất; chốt tỷ giá mua vào USD; nới hạn mức tín dụng; chỉ đạo mức lãi suất huy động và bắt đầu giảm dần lãi suất cho vay…
Nói đến vốn ngoại, không thể không nhắc đến hoạt động M&A, bà có nhận xét gì?
Mặc dù xuất hiện sức ép từ những “cơn gió ngược” như lạm phát gia tăng và tình trạng thiếu đơn hàng sản xuất, nhưng giá trị giao dịch các thương vụ M&A chính thức công bố rộng rãi trong năm 2022 ước đạt gần 2 tỷ USD, phần lớn trong đó diễn ra tại những thị trường trọng điểm như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai… và tập trung tại những phân khúc văn phòng cho thuê, bất động sản khu công nghiệp, nhà ở và khách sạn.
Thực tế, có không ít thành viên thị trường lo ngại về một đợt suy thoái kinh tế, từ đó ảnh hưởng tới thị trường bất động sản. Theo bà, cần nhìn nhận vấn đề này thế nào?
Thời gian qua, nhiều chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được Chính phủ ban hành đã phát huy hiệu quả, giúp nền kinh tế trở lại đúng hướng, mà gần đây nhất là những cuộc họp liên tục được tổ chức để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng như các bộ, ban, ngành liên quan. Đây là những yếu tố nền tảng giúp thị trường bất động sản Việt Nam có khả năng phục hồi nhanh hơn so với những giai đoạn suy thoái trước đây và tiếp tục là một trong những thị trường tiềm năng nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Bất động sản công nghiệp vẫn là “điểm sáng”. Ảnh: Dũng Minh |
Nói như vậy có nghĩa là thị trường bất động sản vẫn “lấp lánh” trong mắt khối ngoại ở giai đoạn khó khăn này?
Tôi muốn đề cập nhiều hơn đến một phân khúc luôn duy trì đà tăng trưởng tích cực thời gian qua, ngay cả khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, đó là bất động sản công nghiệp. Theo số liệu của Cushman & Wakefield, bất động sản công nghiệp đứng đầu về giá trị chuyển nhượng các thương vụ M&A trong năm 2022, chiếm hơn 40% trong các loại tài sản.
Thực tế, nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa nên xu hướng phát triển bất động sản công nghiệp là tất yếu. Cùng với đó, xu hướng dịch chuyển các chuỗi cung ứng khỏi thị trường Trung Quốc sang các nước khác ngày một rõ nét và Việt Nam được xem là một những điểm đến tiềm năng nhất như tạo thêm động lực cho sự phát triển mạnh mẽ của phân khúc này.
Việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, các dự án hạ tầng lớn và thu hút FDI tích cực sẽ tác động thế nào tới bất động sản khu công nghiệp?
Phát triển cơ sở hạ tầng nhanh chóng là nhu cầu thiết yếu, có thể giúp giảm chi phí di chuyển, chi phí vận hành và sau đó là giảm chi phí sản xuất, giúp tăng thu hút hơn nữa vốn đầu tư nước ngoài.
Khi đó, Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh rất lớn khi được xem là trung tâm sản xuất của thế giới. Điều này đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu của quốc gia và làm tăng năng lực cạnh tranh của Việt Nam so với các quốc gia khác trong khu vực.
Theo bà, với việc triển khai nhiều dự án hạ tầng lớn, địa phương nào nổi lên như một thị trường tiềm năng ở phân khúc bất động sản công nghiệp, theo bà?
Khi hệ thống cơ sở hạ tầng được hoàn thiện, không chỉ bất động sản công nghiệp, mà tất cả các phân khúc bất động sản khác, cũng như các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế đều được hưởng lợi. Chúng tôi ghi nhận rằng, bên cạnh TP.HCM, Hà Nội hay Đà Nẵng, các khu vực lân cận có hạ tầng kết nối tốt với đô thị trung tâm như Bắc Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… sẽ là những “ngôi sao đang lên” trên thị trường.
Xem thêm: lmth.976713tsop-co-aid-gnourt-iht-auc-ioh-cuhp-cus-od/nv.naohkgnuhchnahnnit.www