Đào phải có giấy thông hành
Năm nay thời tiết khá thuận lợi nên cây đào cho hoa rất đẹp. Tuy nhiên, việc vận chuyển đào từ các địa phương vùng Tây Bắc về Hà Nội gặp nhiều khó khăn vì phải có “giấy thông hành” và lo bị kiểm tra khi mua đào trồng nhưng bị nghi là đào rừng.
Ghi nhận tại chợ hoa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội), chỉ trong nửa buổi sáng 27-1, các điểm bán đào rừng đã có hàng trăm khách đến xem và mua hàng. Trong đó, có nhiều cành đào giá 2-3 triệu đồng.
Thương lái Nguyễn Trọng Mạnh, chuyên buôn đào từ Mộc Châu (Sơn La) về Hà Nội, cho biết dịp tết Nguyên đán năm nay anh dự tính nhập khoảng 100-200 cành đào về bán với giá từ vài trăm ngàn đồng đến trên dưới 10 triệu đồng/cành. Số đào này được trồng tại huyện Mộc Châu.
Song để vận chuyển được về Hà Nội, đào phải được dán tem truy xuất nguồn gốc. Nhờ con tem này, người mua chỉ cần dùng điện thoại thông minh là có thể truy ra vùng trồng.
Đào trồng tại Sơn La được vận chuyển xuống thủ đô Hà Nội tiêu thụ.
Ảnh: AN HIỀN
Anh Mạnh nói do năm nay có chủ trương không được chặt, vận chuyển, buôn bán đào rừng nên nhiều thương lái lo sợ bị phạt, không dám mua đào của người dân mang về Hà Nội bán nữa. Thậm chí có rất nhiều người đã bỏ cuộc.
“Ở thời điểm này, cơ quan chức năng đã có giải pháp là cấp mã truy xuất nguồn gốc để phân biệt đào trồng với đào từ rừng tự nhiên. Có điều do thời gian đã sát tết nên cũng ít người đi tìm nguồn hàng về bán, do đó dự báo cận tết năm nay giá đào sẽ tăng khá cao” - anh Mạnh nói.
Anh Nguyễn Văn Hoàng, một người mua đào từ Sơn La về Hà Nội bán, cũng chia sẻ năm nay thời tiết thuận lợi cho cây đào phát triển nên cho hoa rất đẹp. Song việc vận chuyển đào lại gặp nhiều khó khăn vì phải lo “giấy thông hành”.
“Để đưa được đào về Hà Nội, chúng tôi phải có giấy tờ mua bán giữa người trồng đào và bên mua là chúng tôi. Trong giấy tờ điền rõ thông tin, chứng minh thư của hai bên; phải có xác nhận của trưởng bản, kiểm lâm địa phương và xác nhận của UBND xã. Căn cứ vào các giấy tờ này chính quyền địa phương sẽ cấp cho chúng tôi một công văn để đi đường. Nếu không có những giấy tờ này thì không vận chuyển đào đi được” - anh Hoàng chia sẻ.
Cũng theo chia sẻ của thương lái này, năm nay chi phí vận chuyển, chi phí thuê nhân công… cao hơn, đẩy giá đào tăng hơn mọi năm 20%-30%.
Tuyệt đối không làm khó người bán mai, đào Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về kiến nghị thực hiện truy xuất nguồn gốc cây đào của tỉnh Sơn La. Theo đó, trừ cây và cành đào, mai từ rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, Phó Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các cấp chỉ đạo các cơ quan chức năng hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tự do khai thác, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng cây và cành đào, mai. Tuyệt đối không được gây khó khăn, không làm phát sinh thủ tục hành chính, chi phí cho người dân và doanh nghiệp. |
Gấp rút lo truy xuất nguồn gốc cây đào
Trong số các tỉnh miền núi phía Bắc, Sơn La là một trong những địa phương có diện tích đào trồng rất lớn, lên tới 5.000 ha. Diện tích đào này chủ yếu trồng trên đất nông nghiệp hoặc vườn nhà của đồng bào dân tộc vùng cao, nơi có điều kiện kinh tế khó khăn. Bởi vậy, trồng đào cũng được coi là một trong những nguồn thu nhập chính của bà con vùng cao dịp cuối năm.
Để tạo điều kiện cho bà con buôn bán thuận lợi, Sơn La đã thực hiện truy xuất nguồn gốc cây đào để phân biệt đào rừng với đào trồng. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Hà Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Sơn La, xác nhận đến nay tỉnh đã thực hiện thí điểm truy xuất nguồn gốc cây đào tại chín huyện với hơn 30 xã.
Đào trồng tại Sơn La gắn tem truy xuất nguồn gốc. Ảnh: AN HIỀN
“Từ trung ương đến tỉnh đều chỉ đạo không làm phát sinh thủ tục hành chính nên cán bộ địa phương sẽ đi khảo sát nhu cầu của người dân xem có mong muốn thực hiện truy xuất nguồn gốc cho cây đào hay không. Trưởng bản, cán bộ địa chính xã sẽ xác định hộ gia đình đó trồng đào tại vườn thuộc đất nông nghiệp hay vườn nhà. Tất cả thông tin này sẽ được cung cấp cho hệ thống truy xuất nguồn gốc” - ông Hùng thông tin.
Tương tự Sơn La, một số tỉnh miền núi phía Bắc cũng đang thực hiện truy xuất nguồn gốc trên cây đào như Lạng Sơn, Lai Châu.
Nhiều chủ vườn mai đánh giá mai năm nay nhiều nụ và dự báo nở đẹp đúng tết. Ảnh: QH
Nhà vườn lên mạng rao bán mai tết Nhiều chủ vườn mai đánh giá mai năm nay nhiều nụ và dự báo nở đẹp đúng tết. Anh Út Cường, chủ vườn mai ở Bến Tre, cho hay khoảng năm ngày nữa sẽ chở mai cập Bến Bình Đông, quận 8, TP.HCM như mọi năm. “Năm nay mình đưa khoảng 100 gốc mai với nhiều kích cỡ lên TP.HCM bán dịp tết. Thời tiết năm nay nắng đẹp, không nóng như năm ngoái nên cây mai phát triển tốt, nhiều nụ và sẽ nở đẹp đúng tết. Giá bán mai cũng như mọi năm” - anh Cường tiết lộ. Ông Hiếu, chủ vườn mai Hiếu ở TP Thủ Đức, cho biết sẽ cung cấp ra thị trường tết khoảng 1.000 gốc mai. Hiện tại, các nhà vườn hầu như đã gần xong công đoạn lặt lá, chuẩn bị đưa ra các điểm bán hoặc giao cho khách thuê chăm. Giá mai hiện dao động 1-50 triệu đồng đồng/cây, những gốc mai cổ thụ cao 2-3 m giá có thể lên đến 100-200 triệu đồng. Giá thuê mai chưng 10 ngày tết bằng 1/3 giá trị cây mai. Ví dụ, cây mai giá 60 triệu đồng thì tiền thuê mai (cho đến khi hết hoa) khoảng 20 triệu đồng. Một chủ vườn mai gần đường Phạm Văn Đồng, TP Thủ Đức thông tin mấy ngày gần đây, lượng người đến tham quan, thuê mai khá nhiều. Khách thường thuê cây mai lớn, mai cổ thụ cho cơ quan, công ty. Giá thuê cho 10 ngày tết khoảng 10-20 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều chủ vườn lo ngại lượng khách thuê, mua mai sẽ giảm so với mọi năm vì kinh tế khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh. Hiện các nhà vườn đang chủ động liên hệ khách quen để giao mai cho thuê sớm, đặc biệt tăng cường rao bán, cho thuê mai trên các trang mạng xã hội. MINH LONG |