Số lượng xe máy ở Việt Nam vẫn là con số lớn trong các loại phương tiện giao thông. Tuy nhiên, việc gửi xe nơi công cộng và để bị mất cắp là trường hợp xảy ra tại nước ta. Theo đó, nhiều người không biết trong trường hợp đó phải xử lý ra sao.
Vé gửi xe là một dạng hợp đồng gửi giữ tài sản. Ảnh: TN
Anh NQB (quận Tân Phú, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi đi chiếc Honda Ware khi mua 15 triệu đồng và sử dụng được một năm. Vừa qua, tôi có đi siêu thị và gửi xe tại bãi, sau đó khi lấy xe tôi đã phát hiện chiếc xe bị đổi biển số sang một chiếc xe cũ hơn. Vì thế tôi đã đề nghị người giữ xe đền bù, tuy nhiên họ chỉ thỏa thuận trả cho tôi 9 triệu đồng và tôi phải giao lại cà vẹt xe cho họ”.
Rất nhiều người dân cũng gặp trường hợp tương tự như trên, thậm chí một số người còn không được bồi thường đúng số tiền mà chiếc xe có giá trị tại thời điểm mất.
Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, vé giữ xe chính là hợp đồng giao kết (hay còn gọi là hợp đồng gửi giữ) giữa chủ xe và người giữ xe, vì vậy khi bị mất xe thì chủ xe có thể yêu cầu người giữ xe bồi thường.
Cụ thể, luật sư Tuấn phân tích, "vé" ở đây có thể coi là một dạng hợp đồng chứng minh thỏa thuận, giao dịch trong việc gửi giữ xe. Hợp đồng là một dạng của giao dịch dân sự nên hợp đồng cũng có thể được xác lập dưới hình thức của giao dịch dân sự theo Khoản 1 Điều 119 Bộ luật dân sự 2015. Nghĩa là hợp đồng có thể được xác lập bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Do đó, giữa chủ xe và người giữ xe đã xác lập một hợp đồng gửi giữ tài sản bằng hành vi.
“Giá trị tài sản được tính dựa trên cà vẹt xe (giấy chứng nhận xe) còn lại bao nhiêu thì dựa trên số tiền đó để thỏa thuận. Trong Bộ luật dân sự quy định, hợp đồng trông giữ xe khiến cho xe bị mất thì phải bồi thường theo giá trị số năm sử dụng”- luật sư Tuấn nói.
Theo đó, Điều 556 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền của bên gửi tài sản: Yêu cầu lấy lại tài sản bất cứ lúc nào, nếu hợp đồng gửi giữ không xác định thời hạn, nhưng phải báo trước cho bên giữ một thời gian hợp lý; Yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên giữ làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.
Điều 557 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ của bên giữ tài sản: Bảo quản tài sản theo đúng thoả thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ; Chỉ được thay đổi cách bảo quản tài sản nếu việc thay đổi là cần thiết nhằm bảo quản tốt hơn tài sản đó, nhưng phải báo ngay cho bên gửi biết về việc thay đổi; Thông báo kịp thời cho bên gửi biết về nguy cơ hư hỏng, tiêu hủy tài sản do tính chất của tài sản đó và yêu cầu bên gửi cho biết cách giải quyết trong một thời hạn; nếu hết thời hạn đó mà bên gửi không trả lời thì bên giữ có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo quản và yêu cầu bên gửi thanh toán chi phí; Phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.