vĐồng tin tức tài chính 365

Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ: Bảo vệ quyền tác giả trong bối cảnh kinh tế nền tảng

2021-01-29 16:10

Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ: Bảo vệ quyền tác giả trong bối cảnh kinh tế nền tảng

ThS. Trần Châu Hoài Hận (*)

(TBKTSG) - Năm 2020, chương trình sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ được khởi động để đáp ứng yêu cầu của các hiệp định thương mại thế hệ mới với các tiêu chuẩn rất cao về vấn đề sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, bên cạnh áp lực của việc gia nhập các hiệp định kinh tế, chúng ta cũng đang đối mặt với một áp lực khác, đó là sự thống trị của các “nền tảng” (platform) trong nền kinh tế số.

Tháng 5-2020, Công ty cổ phần VNG (chủ sở hữu của nền tảng nghe nhạc trực tuyến Zing MP3) đã khởi kiện Tiktok Inc (chủ sở hữu của mạng xã hội chia sẻ video ngắn Tiktok) đến Tòa án nhân dân TPHCM. VNG cáo buộc Tiktok thực hiện hành vi truyền đạt đến công chúng nhiều bản ghi âm, ghi hình cuộc biểu diễn tác phẩm âm nhạc do VNG là chủ sở hữu quyền tác giả mà không có sự đồng ý của VNG, cấu thành hành vi xâm phạm quyền liên quan theo khoản 8 điều 35 Luật Sở hữu trí tuệ.

Từ góc độ của những nhà sáng tạo nội dung cá nhân, việc giải quyết tranh chấp quyền tác giả với các công ty nền tảng thông qua khởi kiện hoặc thậm chí thương lượng ngoài tòa án chưa bao giờ là điều dễ dàng. Do đó, vấn đề thực sự cần thiết là làm thế nào để tạo ra một cơ chế pháp lý hiệu quả ngay cả với các cá nhân sáng tạo nội dung trong việc bảo vệ và thực thi quyền tác giả trên môi trường số.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian (ISP) từ lâu đã hưởng lợi từ các trường hợp ngoại lệ dành cho trạng thái trung lập của mình. Theo đó, các ISP chỉ phải gỡ các nội dung xâm phạm quyền tác giả nếu họ được thông báo về vi phạm đó một cách hợp lý. Người thông báo thường là chủ sở hữu quyền tác giả bị xâm phạm (cá nhân sáng tạo nội dung). Câu hỏi đặt ra là với khối lượng thông tin khổng lồ được đăng tải mỗi ngày lên Internet, bằng cách nào các nghệ sĩ, nhạc sĩ, YouTuber... có thể kiểm soát được các nội dung của người khác đăng tải lên xâm phạm quyền của mình?

Việc chống hành vi xâm phạm quyền tác giả trên các nền tảng mạng xã hội hiện nay cũng giống như trò chơi bắt chuột chũi.

Nếu một nội dung xâm phạm bị gỡ đi ở bài đăng này, nội dung vi phạm đó có thể được đăng tải lại ở một bài đăng khác.

Thực tế trên còn đi kèm với vấn đề của trò chơi chuột chũi (whack-a-mole problem). Theo đó, nếu người chơi cố gắng bắt con chuột ở hang này, con chuột sẽ ngay sau đó xuất hiện ở một hang khác. Người chơi sẽ không thể biết được tiếp theo chú chuột sẽ lại xuất hiện ở hang nào. Trò chơi cứ thế tiếp diễn.

Như vậy, vấn đề không phải là bắt một con chuột, mà quan trọng hơn là làm sao để con chuột đó không tái xuất hiện một cách quá dễ dàng ở một chiếc hang khác. Việc chống hành vi xâm phạm quyền tác giả trên các nền tảng mạng xã hội hiện nay cũng giống như trò chơi bắt chuột chũi.

Nếu một nội dung xâm phạm bị gỡ đi ở bài đăng này, nội dung vi phạm đó có thể được đăng tải lại ở một bài đăng khác. Do vậy, nếu không có giải pháp hỗ trợ các tác giả “bắt chuột” hiệu quả, cuộc chơi ngày càng mất cân bằng theo hướng bất lợi cho người sáng tạo nội dung.

Để phần nào giải quyết vấn đề trên, vào tháng 3-2019, Nghị viện châu Âu đã thông qua Đạo luật bản quyền trong môi trường số trong một nỗ lực tìm kiếm trạng thái “cân bằng hợp lý” giữa chủ sở hữu quyền và các nền tảng. Điểm gây tranh cãi nhất là điều 17 của đạo luật này, trong đó các nhà lập pháp châu Âu yêu cầu các công ty trung gian cung cấp dịch vụ Internet chủ động kiểm soát và gỡ các nội dung xâm phạm quyền tác giả của chủ thể khác mà không cần thông báo từ chủ sở hữu quyền. Luật trên sẽ có hiệu lực từ năm 2021 trên toàn lãnh thổ châu Âu.

Mặc dù còn nhiều tranh cãi rằng đạo luật bản quyền mới sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quyền tự do ngôn luận, tự do tiếp cận thông tin và sẽ “làm thay đổi Internet mãi mãi”, tác động tích cực trước mắt là quyền tác giả của những người sáng tạo nội dung sẽ được bảo vệ tốt hơn. Điều này là bước đi đầu tiên xóa bỏ trạng thái trung lập cực đoan mà các ISP đang hưởng lợi.

Tại Việt Nam, hiện tại, về cơ bản, Thông tư liên tịch 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL giải quyết trách nhiệm của các ISP đang áp dụng cơ chế thông báo và gỡ (notice-and-takedown) như cách tiếp cận của Mỹ và EU (trước khi đạo luật bản quyền mới có hiệu lực).

Mặc dù vậy, trong khi EU và Mỹ yêu cầu các ISP tháo gỡ nội dung nếu có thông báo đáng tin cậy từ chủ sở hữu quyền, Việt Nam chỉ yêu cầu các ISP xóa bỏ nội dung theo thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, hiếm khi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu gỡ một nội dung xâm phạm quyền tác giả của một cá nhân. Như vậy, Việt Nam đã không đạt được mức độ bảo vệ các tác giả mạnh như Mỹ và EU áp dụng.

Với tư cách là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển Internet nhanh nhất thế giới và có mục tiêu hướng đến hình thành nền kinh tế số, Việt Nam đang là người đến sau trong tiến trình hoàn thiện của luật về quyền tác giả trên Internet.

Theo đề án chuyển đổi số quốc gia, đến năm 2025 Việt Nam sẽ có khoảng 50% doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng số, tuy nhiên khung pháp lý về bảo vệ quyền tác giả trên môi trường số tại Việt Nam hiện nay vẫn chưa đầy đủ. Thông tư liên tịch 07 như đề cập ở trên chỉ có vỏn vẹn tám điều khoản, trong đó chỉ có hai điều khoản quy định trực tiếp về cơ chế xử lý trách nhiệm của các ISP tại Việt Nam.

Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử mà Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra lấy ý kiến vào năm ngoái vẫn chưa lên tiếng về vấn đề này. Đây chính là điểm nghẽn dễ thấy nhất trong khung pháp lý về trách nhiệm của ISP tại Việt Nam hiện nay.

Các quy định về trách nhiệm của các ISP trong việc bảo vệ quyền tác giả cần được điều chỉnh để bảo đảm mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng giữa một bên là quyền lợi của chủ thể quyền và một bên là quyền sử dụng, quyền tiếp cận tri thức, công nghệ của xã hội cũng như đề cao vai trò “gác cổng” của các ISP. Trong bối cảnh sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ và thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU, các nhà lập pháp nên cân nhắc các vấn đề trên.

(*) Công ty Luật Apolat Legal

Xem thêm: lmth.gnat-nen-et-hnik-hnac-iob-gnort-aig-cat-neyuq-ev-oab-eut-irt-uuh-os-taul-iod-aus/271313/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ: Bảo vệ quyền tác giả trong bối cảnh kinh tế nền tảng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools