Sau 35 năm đổi mới, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang dần được hoàn thiện theo hướng hiện đại, đồng bộ và hội nhập. Qua đó hình thành hệ thống pháp luật về kinh tế khá đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp thuộc mọi loại hình sở hữu hoạt động, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam.
Hệ thống pháp luật kinh tế đầy đủ
Đánh giá thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang dần được hoàn thiện theo hướng hiện đại, đồng bộ và hội nhập, dự thảo Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII cũng nhận định hệ thống pháp luật về kinh tế đã được hình thành khá đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp thuộc mọi loại hình sở hữu hoạt động. Vai trò của Nhà nước được điều chỉnh phù hợp hơn với cơ chế thị trường, về cơ bản, đã thiết lập được khung pháp luật và bộ máy thực thi hiệu quả hơn. Tính từ đầu năm 2016 đến hết tháng 6.2020, Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 101 luật, pháp lệnh, nghị quyết, giảm 19 văn bản so với giai đoạn 2011-2015. Chính phủ ban hành khoảng 688 nghị định, giảm 33 nghị định so với giai đoạn 2011-2015. Số lượng văn bản quy phạm pháp luật giảm và chuyển dần theo hướng nâng cao chất lượng và hoàn thiện đáp ứng nhu cầu của đời sống kinh tế - xã hội.
Đáng chú ý trong giai đoạn qua, các yếu tố thị trường và các loại thị trường hàng hoá, dịch vụ từng bước hình thành đồng bộ, vận hành cơ bản thông suốt và bước đầu có sự gắn kết với thị trường khu vực và quốc tế. Quy mô và cơ cấu thị trường tài chính có sự điều chỉnh hợp lý hơn giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, thị trường vốn cổ phần và trái phiếu, thị trường trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp, giữa dịch vụ tín dụng và các dịch vụ phi tín dụng; thanh toán bằng tiền mặt giảm dần, các hình thức thanh toán qua ngân hàng được mở rộng, đặc biệt là thông qua hệ thống ví điện tử.
Nhờ thể chế thị trường khoa học và công nghệ ngày càng được hoàn thiện và phát triển, tính đến nay cả nước có 20 sàn giao dịch công nghệ tại các địa phương, 30 cơ sở vườn ươm tạo công nghệ, 186 tổ chức cung cấp dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, 50 trung tâm chuyển giao công nghệ thuộc các viện nghiên cứu, trường đại học. Mạng lưới các trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở 63 tỉnh, thành phố cũng được quan tâm đầu tư nâng cấp.
Đảm bảo vai trò làm chủ của nhân dân
Theo đó với các mục tiêu của 2021-2025, dự thảo báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII xác định 1 trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là tiếp tục hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính - cho rằng, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết 11 năm 2017 của Ban chấp hành trung ương khóa XII là một trong những kim chỉ nam cho hoạt động hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường nước ta trong thời gian qua. Trên phương diện mục tiêu, yêu cầu và các giải pháp mà Nghị quyết này đưa ra được các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương thực hiện một cách đồng bộ, kể cả thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động hoàn thiện thể chế này.
Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, về nhận thức và mục tiêu từ Đại hội XII của Đảng đã rất rõ. Nhận thức xây dựng thể chế kinh tế thị trường trước hết là vận hành đầy đủ, đồng bộ. Nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập phát triển trên cơ sở kế thừa những kinh nghiệm, phát triển kinh tế thị trường của nhân loại, đồng thời vận dụng thực tiễn 35 năm đổi mới nền kinh tế Việt Nam. Trên cơ sở đó đã tiến hành xây dựng được các cơ chế chính sách, để cơ chế thị trường này thông suốt và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, việc này cũng đảm bảo vai trò làm chủ của nhân dân và thực hiện tiến bộ công bằng xã hội ở mỗi công việc, chính sách phát triển trong thời gian vừa qua. Đặc biệt, việc xây dựng cơ chế cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường, các điều kiện tham gia tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp, chủ thể đảm bảo tính công bằng, bình đẳng.
“Nếu nói về xây dựng các thị trường đã phát triển thì thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, cổ phiếu phát triển rất mạnh mẽ từ năm 2017 đến nay. Đồng thời, việc phát triển hàng hóa trên thị trường ngày càng đảm bảo phong phú, đảm bảo tính cạnh tranh công bằng. Rõ ràng thị trường chứng khoán ngày càng phù hợp hơn với thị trường quốc tế, các chính sách, cơ chế đã phát triển” - ông Thịnh nói.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ, cũng ngày càng được cải thiện, đặc biệt là thị trường lao động có những bước tiến vượt bậc. Thị trường lao động được nâng lên một bước và hoạt động theo cơ chế chính sách rất tốt. Việc hoàn thiện các chính sách trong năm 2020 từ bảo hiểm, Luật Lao động… thể hiện thị trường này ngày càng sát hơn, tuân thủ hơn với thông lệ thị trường quốc tế. Ngoài ra, việc tham gia vào các hiệp định cũng đã làm thay đổi thị trường lao động rất lớn. Trong khi đó về thị trường hàng hóa, theo ông Thịnh, việc sản xuất ra cái gì, sản xuất như thế nào, sản xuất cho ai, mức độ gì, đầu tư vào đâu hoàn toàn do thị trường quyết định. Nhà nước đóng vai "ông bầu" định hướng, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Theo báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, tính từ tháng 7.2016 đến nay, Quốc hội đã ban hành 65 luật và 122 nghị quyết; Chính phủ hằng năm ban hành khoảng 170 nghị định, trong đó hơn 70% số lượng nghị định trực tiếp liên quan đến hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.