Các nút giao thông khu vực trung tâm TP Đà Lạt tắc nghẽn nhiều giờ liền trong dịp Tết dương lịch 2021 - Ảnh: ĐỨC THỌ
Ai đến Đà Lạt bây giờ, đặc biệt vào các dịp lễ tết, đều có thể "mắt thấy" ngay áp lực kẹt xe đang đổ dồn lên đô thị này.
Trong khi chờ các dự án lớn như đường vành đai nhằm giảm áp lực giao thông cho trung tâm, chuyện cần có đèn xanh - đèn đỏ để hỗ trợ điều tiết giao thông vẫn còn là "ý kiến cần thảo luận".
"Những cột đèn sống"
Giữa nút đường Phan Châu Trinh - Trần Quý Cáp - Quang Trung (TP Đà Lạt), ba chiếc xe máy va vào nhau rồi ngã sõng soài ra đường. Các khổ chủ lồm cồm đứng dậy, la lối vài tiếng, rồi bỏ đi vì không biết quy lỗi cho ai. Đà Lạt không có đèn xanh - đỏ nên mạnh ai nấy đi, va quệt là chuyện bình thường.
Để giảm bớt phần nào tình cảnh này, CSGT TP Đà Lạt đều phải ra đứng ở các ngã tư để điều tiết giao thông. Nhiều người dân thấy "hơi quá" nên ví von Đà Lạt dùng "những cột đèn sống", khi thấy cảnh vì không có đèn xanh - đỏ mà nhiều CSGT phải đứng ngoài đường liên tục để làm thay việc của cột đèn.
Trung tá Nguyễn Văn Hùng, đội trưởng Đội CSGT Công an TP Đà Lạt, cho biết: "Ngày lễ, ở hai nút giao thông lớn là bùng binh Kim Cúc và Hải Thượng, lực lượng đã mất 12 người/ca, trực từ 6h đến 21h. Cực cho anh em kinh khủng, mà cũng không giải quyết được chuyện ùn tắc vì không có thiết bị hỗ trợ nào khác ngoài cái còi và cây gậy.
Toàn lực lượng phải ra quân, công an xã phường cũng phải hỗ trợ, phòng CSGT cũng phải hỗ trợ quân trong những dịp cao điểm".
Theo trung tá Hùng, áp lực ở các nút giao thông tại TP.HCM lớn hơn Đà Lạt nhiều, kể cả các nút giao thông nhỏ vào giờ thấp điểm, nhưng vẫn giải quyết được nhờ kết hợp nhiều phương pháp điều tiết giao thông, phối hợp giữa con người và thiết bị.
Bà Nguyễn Đặng Phương Nguyên (P.5, TP Đà Lạt), sống ở Đà Lạt từ nhỏ, kể có lần bà đi từ đầu đèo Prenn đến bờ hồ Xuân Hương phía chợ Đà Lạt để về nhà mà mất đến 90 phút cho 2km. Đó là lần kẹt xe nhớ đời ngay giữa Đà Lạt mà bà đã trải qua.
"Những ngày sau tôi phải tìm cách tránh ra đường. Gia đình chúng tôi quyết định ở nhà suốt những ngày khách du lịch đông, hoặc tìm những thời điểm vắng du khách mới ra khỏi nhà để mua đồ ăn, rồi "thủ" trong nhà. Tôi nghĩ thành phố cần sớm có biện pháp phát triển du lịch nhưng không làm xáo trộn cuộc sống của người dân" - bà Nguyên chia sẻ.
Tăng trưởng dân số Đà Lạt qua các năm - Đồ họa: N.KH.
Đà Lạt có cần đèn giao thông?
Trong một trao đổi mới đây liên quan đến việc giữ nét xưa Đà Lạt trong bối cảnh hiện đại, ông Nguyễn Hữu Tranh, tác giả sách Đà Lạt năm xưa (người được mệnh danh là "nhà Đà Lạt học"), nhìn nhận: "Tiện ích trong quản lý đô thị hiện đại là thành tựu chung của thế giới. Ứng dụng phù hợp mới là cách để bảo tồn giá trị của đô thị nói chung và đô thị di sản Đà Lạt nói riêng. Sự bức bối và ách tắc trong bất kỳ đô thị nào nếu không có cách tháo gỡ thì sẽ tạo nên một sự gãy đổ đáng tiếc".
Cụ thể về việc có nên làm đèn xanh - đèn đỏ để giải phóng tạm thời ùn tắc ở các nút giao thông, ông Tranh nói: "Ngày xưa, những năm 1950, chúng tôi đi ngoài đường, dĩ nhiên ngày đó Đà Lạt cũng không có đèn giao thông như bây giờ, hiến binh sẽ đi theo nhắc nhở nếu chúng tôi đi sai quy tắc. Họ nhắc từng người. Ở các ngã tư ít khi có hiến binh đứng, vì dân thưa lắm. Còn bây giờ giao thông khác xưa như hai thế giới, không thể giữ quá khứ nữa".
Nhiều chuyên gia về lĩnh vực giao thông nhấn mạnh, Đà Lạt không những phải áp dụng các phương pháp quản lý giao thông hiện đại cho hạ tầng hiện nay, mà cần phải mở thêm hệ thống đường mới, nhằm kích thích phân bổ lại dân cư, sắp xếp lại luồng giao thông cho phù hợp.
Ông Trương Hữu Hiệp, giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng, cho rằng về mặt chuyên môn, các ngành chức năng cũng từng có ý kiến nên lắp đèn giao thông ở ba nút giao thông quan trọng trong nội ô thành phố. Việc lắp đặt sẽ mở rộng dần sau khi đánh giá tính phù hợp.
Theo ông Hiệp, trước đây có nhiều cán bộ lão thành không đồng ý, tuy nhiên gần đây khi trao đổi các cán bộ này cũng đã nhìn nhận về sự phù hợp của một tiện ích nhỏ nhưng hiệu quả lớn mà đô thị thế giới ứng dụng hàng trăm năm nay.
Theo ông Hiệp, việc lắp đèn xanh - đỏ điều tiết giao thông là cần, cái nên bàn tiếp là lắp ở những vị trí nào cho phù hợp, điều này phải dựa trên hiện trạng được ghi nhận qua nhiều năm.
Tiến sĩ Lê Minh Chiến, hiệu trưởng Đại học Đà Lạt, cho rằng nếu TP Đà Lạt chỉ có người địa phương với đặc tính biết rành rẽ đường đi thì việc thiếu đèn cũng không thành vấn đề. Tuy nhiên, có những thời điểm khách du lịch đông hơn người địa phương nên thiếu đèn hướng dẫn giao thông sẽ khiến giao thông trở nên hỗn loạn.
Khi tình trạng lưu thông không được điều phối, không chỉ du khách gặp khó khăn mà người địa phương cũng bị ảnh hưởng chung.
Lượt khách du lịch Đà Lạt tăng trưởng 10 năm trở lại đây - Đồ họa: N.KH.
Đường dốc, quanh co không phải là trở ngại quá lớn
Nhiều nhà chuyên môn quy hoạch giao thông cũng cho rằng, nên lắp đèn giao thông ở những điểm giao thông quan trọng tại Đà Lạt. Việc đường dốc hay quanh co từng được xem là cản ngại khiến địa phương ngần ngại không lắp đèn, nhưng đó không phải là cản ngại quá lớn, nhất là trong bối cảnh đường Đà Lạt đa số nhỏ hẹp, được sửa sang từ những nền đường cũ cách đây nửa thế kỷ.
Điều quan trọng là phải giải quyết áp lực giao thông của gần 300.000 dân địa phương và lượng du khách đến Đà Lạt có thời điểm trong vòng một ngày đạt hơn 200.000 lượt khách.
Đèn giao thông thông minh
Ông Trần Văn Hiệp, chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, vừa chỉ đạo Sở Xây dựng nghiên cứu phương án lắp đèn tín hiệu giao thông ở nội ô Đà Lạt nhằm giải quyết ùn tắc. Từ đó lấy ý kiến đóng góp, phản biện của người dân. Ông Hiệp nói: "Câu chuyện nhỏ nhưng nó đụng đến chuyện chưa từng có ở Đà Lạt nên sẽ có ý kiến thuận, không thuận".
Theo ông Hiệp, đèn giao thông nếu triển khai ở Đà Lạt sẽ là đèn thông minh, kết hợp với hệ thống camera đô thị để đưa ra tín hiệu điều tiết hợp lý. Đà Lạt đang xây dựng đô thị thông minh, do đó các thiết bị dùng trong quản lý đô thị sẽ phối hợp để tạo nên một hạ tầng thông minh.
Thiết kế, vị trí cột đèn phù hợp với thành phố văn hóa
Tất cả các nút giao thông lớn nhỏ tại Đà Lạt đều dùng lực lượng CSGT thay cho đèn tín hiệu - Ảnh: M.VINH
Ông Nguyễn Trung Hiền - sáng lập và điều phối Phố Bên Đồi, là người gắn bó với Đà Lạt trong các dự án văn hóa nghệ thuật, bảo tồn kiến trúc và quảng bá TP Đà Lạt - nhìn nhận: đã từ rất lâu, Đà Lạt được gọi là thành phố không đèn xanh - đèn đỏ. Một đặc trưng nhỏ nhưng thú vị của Đà Lạt. Đến nay, áp lực phát triển đô thị khiến thành phố phải thay đổi, điều này cần thiết. Nhưng khi bỏ một điều thú vị này thì cũng nên tạo ra một điều thú vị mới.
"Ở đây tôi muốn nói đến thiết kế cột đèn giao thông có mẫu mã khác với mẫu số chung đang dùng ở các đô thị khác tại Việt Nam để phù hợp với định hướng đưa Đà Lạt trở thành một điểm đến du lịch văn hóa" - ông Hiền nói. Theo đó, có thể tham khảo các mẫu đèn giao thông tại các đô thị nổi tiếng như Paris, Venice...
Sự đầu tư cho các ý tưởng thiết kế từ những chi tiết nhỏ trên đường phố như cột đèn giao thông, đèn công cộng, chiếu sáng đô thị... sẽ làm Đà Lạt hấp dẫn hơn. Người dân, du khách sẽ không tiếc vì mất đặc trưng "không đèn xanh - đỏ", có khi họ sẽ đón nhận được một sự thú vị mới và hơn hết là sự an toàn khi tham gia giao thông.
Để làm được việc này, theo ông Hiền, cần có sự đầu tư, nghiên cứu của đơn vị triển khai, không nên hời hợt với chi tiết cột đèn, nhất là khi Đà Lạt đang được Hội đồng Anh định vị là một trong sáu đô thị văn hóa của Việt Nam. Về lâu dài, Đà Lạt là ứng viên sáng giá để trở thành "thành phố nghệ thuật" thuộc nhóm 60 thành phố văn hóa của khu vực Đông Á.
M.VINH
TTO - Khối công trình Hoa dã quỳ ở quảng trường Lâm Viên, trung tâm TP Đà Lạt, được xây dựng thành nhà hát hiện đại với tên gọi Dalat Opera House.
Xem thêm: mth.34855048003101202-od-ned-hnax-ned-oc-noum-tal-ad/nv.ertiout