CNBC dẫn số liệu của công ty nghiên cứu S3 Partners cho biết từ đầu năm đến nay, các quỹ đầu cơ bán khống cổ phiếu GameStop đã lỗ vị thế 19,75 tỷ USD, trong đó có gần 8 tỷ USD thua lỗ phát sinh riêng trong ngày 29/1 khi GameStop vọt lên gần 68%.
Mặc dù vậy, phần lớn người bán khống vẫn đang "vững niềm tin, bền ý chí". Một số người quyết định rời bỏ cuộc chơi nhưng đã nhanh chóng được thay thế bằng người chơi mới. Theo S3 Partner, trong tuần vừa qua, số cổ phiếu GameStock bị bán khống chỉ giảm 5 triệu đơn vị, tương đương 8% vị thế short.
Phần lớn hoạt động đóng vị thế (mua vào để trả lại cổ phiếu đã vay để bán khống) diễn ra trong phiên 28/1 khi giá Game Stop sụt gần 56%. Đây cũng là phiên giảm duy nhất của GameStop tính từ 20/1 trở lại đây.
Giá cổ phiếu GameStop – một công ty bán lẻ thiết bị chơi game - đã tăng 400% trong một tuần qua và 1.625% trong tháng đầu năm 2021.
Ông Ihor Dusaniwsky – Giám đốc điều hành S3 Partners nói: "Tôi nghe nhiều người bảo rằng 'Phần lớn vị thế short với cổ phiếu GameStop đã được đóng lại'. Hoàn toàn không đúng. Số liệu cho thấy số cổ phiếu bị bán khống không thay đổi nhiều. Một số cổ phiếu được trả lại nhưng đã lập tức được vay bởi những tay bán khống mới".
Giá GameStop và nhiều cổ phiếu bị bán khống khác tăng mạnh trong phiên cuối tuần 29/1 sau khi ứng dụng giao dịch Robinhood thông báo gỡ bỏ một số hạn chế đối với việc mua các cổ phiếu này. Bản thân Robinhood cũng đã phải huy động 1 tỷ USD từ nhà đầu tư và vay thêm ngân hàng để có thể xử lý các giao dịch cổ phiếu quá rủi ro như GameStop.
Đà tăng sốc của GameStop ban đầu được cho là do các nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia diễn đàn WallStreetBets thuộc mạng xã hội Reddit. Số lượng thành viên của WallStreetBets gần đây đã gia tăng nhanh chóng và hiện vượt mốc 5 triệu. Các thành viên của diễn đàn này kêu gọi đoàn kết với nhau, đẩy giá cổ phiếu lên cao để trừng trị các quỹ đầu cơ chuyên kiếm tiền nhờ bắt nạt (bán khống) các công ty yếu kém.
Tuy nhiên, dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân nhiều khả năng không đủ để đối đầu với các quỹ đầu cơ lớn hay đẩy vốn hóa của GameStop từ hơn 1 tỷ USD hồi đầu năm lên trên 20 tỷ USD như hiện nay. Rất có thể các nhà đầu tư tổ chức với công cụ giao dịch tự động bằng thuật toán cũng đã tham gia vào bữa tiệc này.
Một kịch bản khả thi là các nhà đầu tư ở WallStreetBets ban đầu mua vào và đẩy giá cổ phiếu lên cao, các thuật toán giao dịch phát hiện thấy cơ hội kiếm lời từ xu hướng tăng nên cũng lao vào mua, càng đẩy giá lên hơn nữa. Khi phe bán khống phải mua vào cổ phiếu để đóng vị thế, nhu cầu và giá lại tiếp tục tăng.
S3 Partners cho biết chi phí vay cổ phiếu GameStop để bán khống đã nhảy vọt lên mức 29,32% đối với các vị thế sẵn có và 50% đối với các vị thế short mở mới. "Nếu đa phần các vị thế short đã bị đóng, chi phí vay cổ phiếu sẽ không thể cao như vậy", ông Ihor Dusaniwsky nhận định.
Hiện nay GameStop vẫn là một trong những cổ phiếu bị bán khống mạnh nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ với tỷ lệ cổ phiếu bị bán khống trên số cổ phiếu lưu hành là 113,3%, tức là số cổ phiếu bị bán khống còn lớn hơn số cổ phiếu đang lưu hành.
Bán khống là hành động đi vay cổ phiếu và bán ở thời điểm hiện tại rồi đi mua cổ phiếu để trả lại trong tương lai. Nếu giá giảm xuống như kỳ vọng, giá mua vào sẽ thấp hơn giá bán ra ban đầu và người bán khống sẽ có lãi. Nếu giá tăng, bên bán khống sẽ bị lỗ.
Trong ngắn hạn, một cổ phiếu có thể do nhiều người cùng sở hữu hoặc do nhiều người bán khống.
Xem thêm: mth.32015227103101202-dsu-yt-02-ol-ad-ud-gnah-uad-gnohk-teyuq-potsemag-gnohk-nab-iod/nv.zibmanteiv