Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư - KH&ĐT) cho biết, tính đến ngày 20/1, vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt 1,51 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 2,02 tỷ USD, bằng 37,8% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng vốn đăng ký giảm mạnh như vậy là tháng 1/2020 có dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD.
Nếu không tính dự án này, tổng vốn đầu tư đăng ký tháng 1/2021 sẽ tăng 51,7% so với cùng kỳ. Trong số đó, có 47 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tổng vốn đăng ký đạt trên 1,3 tỷ USD. Về vốn điều chỉnh, có 46 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 472,2 triệu USD. Đối với góp vốn, mua cổ phần, có 194 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, tổng giá trị vốn góp 220,8 triệu USD.
Theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 39 tỉnh, thành phố trên cả nước; trong đó, tỉnh Bắc Giang dẫn đầu với 5 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 562 triệu USD, chiếm 27,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tây Ninh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 348,5 triệu USD, chiếm 17,3% tổng vốn đầu tư. Nghệ An đứng thứ ba với 200 triệu USD, chiếm 9,1% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bắc Ninh, thành phố Đà Nẵng…
Bộ KH&ĐT cho biết, thông qua một số cuộc xúc tiến đầu tư trực tuyến với các đối tác khu vực châu Á (Nhật Bản, Singapore) hay châu Âu (Pháp) do Bộ tổ chức gần đây, có rất nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm đến việc đầu tư tại Việt Nam. Đã có nhiều tập đoàn lớn như: Apple, Foxconn, Luxshare... triển khai kế hoạch gia tăng đặt hàng các nhà cung ứng ở Việt Nam cũng như gia tăng hoạt động đầu tư tại Việt Nam với số vốn đầu tư lên tới tỷ USD. Theo đó, những dự án hút dòng vốn ngoại gần đây tập trung nhiều vào các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp chế biến. Với những kết quả trên, các chuyên gia cho rằng tổng vốn FDI vào Việt Nam năm 2021 sẽ cao hơn mức 28,5 tỷ USD (vốn đăng ký) và 19,98 tỷ USD (vốn thực hiện) như mục tiêu đã đề ra.
GS-TSKH Nguyễn Mại cho rằng, để đón các “ông lớn” như doanh nghiệp Mỹ, trong đó có nhiều tập đoàn lớn như Intel, Microsoft, Apple đang chuẩn bị thực hiện nhiều dự án quy mô lớn tại Việt Nam thì “ngoài những vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư nói chung, nước ta cần quan tâm đến những đòi hỏi của các nhà đầu tư EU và Mỹ như: công khai, minh bạch, ổn định; thực thi pháp luật nghiêm minh; bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền, thương quyền, sáng chế, phát minh; chống hàng lậu, hàng nhái, hàng giả; thủ tục hành chính đơn giản. Những vấn đề đó đã và đang được Chính phủ chỉ đạo để tạo bước đột phá trong việc thu hút FDI từ các cường quốc công nghệ cao, đáp ứng đòi hỏi định hướng FDI mới.
Theo Bộ KH&ĐT, trong xu hướng dịch chuyển đầu tư trên thế giới, Việt Nam được quốc tế đánh giá là điểm đến hấp dẫn, được các nhà đầu tư quan tâm vì sự ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô, vị trí địa lý, điều kiện đất đai môi trường, nhân lực…
Cơ sở hạ tầng của các khu công nghiệp, khu chế xuất và các khu kinh tế trong cả nước tiếp tục được hoàn thiện, nâng cấp để đón dòng vốn đầu tư. Hiện, nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang dần hồi phục và duy trì tốt hoạt động sản xuất - kinh doanh và mở rộng dự án. Quan trọng hơn, hiện vẫn có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, tin tưởng và có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam.
Trên thực tế, đã có gần 300 doanh nghiệp từ các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có kế hoạch mở rộng đầu tư/đầu tư mới hoặc đang nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, hơn 60 tập đoàn, doanh nghiệp đã có kết quả bước đầu trong triển khai đầu tư mới/mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Ngoài ra, việc đạt tăng trưởng dương trong năm 2020, bất chấp tác động đáng kể của COVID-19 đến các hoạt động kinh tế, cũng khiến Việt Nam trở thành ứng cử viên sáng giá cho quá trình chuyển dịch chuỗi giá trị ở châu Á.
Xem thêm: /105926-IDF-nov-tuh-uht-gnort-cuc-hcit-ueih-niT/et-hniK/nv.moc.dnac