Theo hãng tin Reuters, gần như tất cả các ca nhiễm COVID-19 hiện tại đều liên quan đến chủng Omicron (dạng phổ biến nhất của chủng này gọi là BA.1), mặc dù một số nước đã chạm đỉnh lây nhiễm.
Các nhà khoa học hiện đang theo dõi sự gia tăng các ca bệnh có liên quan một biến thể phụ BA.2 của chủng Omicron ở các khu vực của châu Âu và châu Á. Sau đây là những gì chúng ta biết cho đến nay về biến thể này:
Biến thể phụ "Omicron tàng hình" BA.2
Tính đến ngày 25-1, chủng BA.1 chiếm 98,8% các trường hợp mắc COVID-19 trên toàn cầu, theo dữ liệu từ GISAID. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết trong thời gian gần đây, một số quốc gia đang phải đối mặt với sự gia tăng các ca mắc mới do biến thể BA.2 gây ra.
Một số quốc gia đang phải đối mặt với sự gia tăng các ca mắc mới do biến thể BA.2 gây ra. Ảnh: REUTERS
Biến thể phụ BA.2 - còn được gọi là "Omicron tàng hình" - đã được phát hiện vào đầu năm nay và đã thay thế BA.1, trở thành chủng chủ đạo ở Đan Mạch.
Ngoài BA.1 và BA.2, WHO liệt kê hai biến thể phụ khác của Omicron là BA.1.1.529 và BA.3. Tất cả đều có liên quan chặt chẽ về mặt di truyền, song mỗi loại đều có các đột biến có thể thay đổi cách chúng hoạt động.
Hôm 28-1, ông Trevor Bedford - nhà virus học tại Trung tâm Ung thư Fred Hutchinson (Mỹ) - đã viết trên Twitter rằng khoảng 82% các ca nhiễm ở Đan Mạch do BA.2 gây ra, con số này ở Anh và Mỹ lần lượt là 9% và 8%.
BA.1 có phần dễ theo dõi hơn các biến thể trước đó vì BA.1 bị thiếu một trong ba gen mục tiêu được sử dụng trong xét nghiệm PCR thông thường. Theo đó, các trường hợp hiển thị mẫu này được cho là đã nhiễm BA.1. BA.2 không có cùng vấn đề di truyền trên, thay vào đó, cần giải trình tự gen để xác định người nhiễm có nhiễm BA.2 hay không.
Dễ lây lan hơn?
Một số báo cáo ban đầu chỉ ra rằng BA.2 thậm chí có thể lây nhiễm nhiều hơn BA.1 - biến thể vốn đã cực kỳ dễ lây lan, song cho đến nay không có bằng chứng cho thấy biến thể này có thể trốn tránh sự bảo vệ của vaccine ngừa COVID-19.
Theo một nghiên cứu của Đan Mạch được công bố hôm 31-1, biến thể phụ BA.2 của chủng Omicron rất dễ lây lan, thậm chí còn dễ lây lan hơn phiên bản gốc, theo hãng tin AFP. Dựa trên dữ liệu sơ bộ, giới chức y tế Đan Mạch ước tính rằng BA.2 có thể lây truyền gấp 1,5 lần so với BA.1, dù nó có khả năng không gây ra bệnh nặng hơn.
Theo nghiên cứu của SSI - có sự tham gia của 18.000 người và được thực hiện trong khoảng thời gian từ 20-12 đến 18-1, một người bị nhiễm BA.2 có 39% nguy cơ truyền virus cho các thành viên khác trong gia đình trong vòng một tuần, so với 29% ở BA.1.
Bác sĩ Camilla Holten Moller của SSI cho biết BA.2 có nhiều khả năng lây nhiễm cho những người chưa được tiêm chủng hơn BA.1. Những người đã được tiêm ngừa đầy đủ, đặc biệt là những người đã được tiêm liều tăng cường, ít có khả năng mắc bệnh hơn.
Kết quả phân tích sơ bộ về truy vết tiếp xúc được thực hiện từ ngày 27-12-2021 đến ngày 11-1 năm nay của Cơ quan An ninh Y tế Anh (HSA) cho thấy rằng trong số những người tiếp xúc với ca nhiễm nhiễm BA.2, tỉ lệ lây nhiễm giữa các thành viên trong gia đình là 13,4%, cao hơn so với các biến thể phụ Omicron khác (10,3%).
Các nhà khoa học hiện vẫn đang tiến hành theo dõi khả năng lây lan của biến thể phụ và mức độ nghiêm trọng của bệnh tật mà nó gây ra, song dữ liệu quốc tế cho thấy biến chủng “tàng hình” này có mức độ lây lan rất nhanh.
Biến thể Omicron ban đầu được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi vào tháng 11-2021 và kể từ đó đã trở thành chủng virus thống trị trên thế giới.