Cú “trượt chân” trong tháng 1.2022 mất khoảng 20 điểm của chỉ số chứng khoán VN-Index dù không quá nhiều song cũng gây lo lắng cho nhà đầu tư là liệu đà giảm có tiếp tục kéo dài, sóng tăng của VN-Index còn tiếp tục hay đã dừng lại?
Kết năm 2021, chỉ số chứng khoán VN-Index tạm dừng ở ngưỡng 1.498,28 điểm, tăng gần 395 điểm so với kết năm 2020, tương ứng tăng khoảng 36%.
Nếu xét về mức tăng năm/năm, năm 2021 chỉ số chứng khoán VN-Index đã tăng mạnh cho dù trong bối cảnh đại dịch. Tuy nhiên, cú “trượt chân” tháng 1.2022 chính là sự bất ngờ. Bởi với nhiều nhà đầu tư, niềm tin thị trường có thể trụ vững trên ngưỡng 1.500 điểm, cũng là đỉnh mới được xác lập trong tháng này.
Chính vì thế, nhiều nhà đầu tư “không còn tiền để mang về cho mẹ” như nhận định của Công ty chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, đặc biệt là đối với những người nắm giữ danh mục gồm các cổ phiếu giảm mạnh hơn mức giảm chung của thị trường, như thép, chứng khoán.
Tuy nhiên, ngay trong thời điểm thị trường với chỉ số VN-Index đang trong sự giằng co rung lắc, thậm chí giảm điểm, một đại diện từ Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam vẫn đưa ra dự báo rằng, VN-Index trong năm 2022 có thể cán mức 1.898 điểm.
Một dự báo khác từ Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong năm 2022, chỉ số chứng khoán VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.340-1.730 điểm trong kịch bản tăng trưởng EPS 17% của danh mục cổ phiếu được VDSC khuyến nghị (đại diện 41% vốn hóa thị trường), và mức PE (chỉ số giá thị trường của cổ phiếu/lợi nhuận) dự đoán năm 2022 là 16,4 lần.
Như vậy, các dự báo đa phần nghiêng về khả năng thị trường sẽ tiếp tục tăng điểm trong năm 2022, đồng nghĩa với việc nhà đầu tư có thể tiếp tục tìm kiếm được cơ hội lợi nhuận sau năm 2021 bùng nổ của điểm số VN-Index về cả thanh khoản và số tài khoản chứng khoán mở mới trên thị trường.
So với các kênh đầu tư khác trên thị trường tại thời điểm kết thúc tháng 1.2022, chứng khoán vẫn là kênh đang thu hút sự quan tâm lớn nhất, và cho thấy khả năng có nhiều cơ hội tìm kiếm lợi nhuận.
Theo dự báo từ Công ty chứng khoán Đông Á, khả năng cơ hội lợi nhuận sẽ đi theo các nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ chương trình hồi phục kinh tế và đầu tư công, cùng với nhóm cổ phiếu có cơ bản tốt, khả năng tăng trưởng khả quan trong năm 2022.
Thị trường bất động sản được dự báo sẽ ấm lại trong năm 2022. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là dự báo và chưa thể chắc chắn được điều gì khi dịch COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp.
Kênh đầu tư vàng từ nhiều tháng qua diễn biến bất ổn, và cơ hội đang hẹp đối với hầu hết nhà đầu tư.
Trong khi đó, thị trường tiền số trong vài tuần qua tiếp tục “lao đao” trong đà giảm giá. Điểm mới là, kênh đầu tư tiền số trước đây có quy luật tăng giảm riêng, hoặc phụ thuộc vào các tin đồn, quyết định của các quốc gia liên quan đến thị trường này.
Tuy nhiên gần đây, thị trường tiền số lại có sự “đồng điệu” với thị trường chứng khoán, không chỉ giảm theo thị trường chứng khoán mà còn cộng thêm tính chất biến động khó lường của thị trường này, khiến nhiều nhà đầu tư mất nhiều hơn được.
Chính vì thế, thị trường chứng khoán vẫn được xem là một trong những kênh đầu tư khả dĩ tại thời điểm hiện tại và trong tầm nhìn năm 2022-2023 thị trường này tiếp tục được hỗ trợ từ sự hồi phục kinh tế tại Việt Nam và trên thế giới.
Xem thêm: odl.1950001-2202-man-gnort-nauhn-iol-ioh-oc-ueihn-oc-hnek-al-nav-naohk-gnuhc/et-hnik/nv.gnodoal