Tính minh bạch thông tin của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được kỳ vọng sẽ có sự cải thiện trong năm 2022 đi kèm với sự tuân thủ hành lang pháp lý nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững trong thời gian tới.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành TPDN. Theo Bộ Tài chính, thời gian gần đây, thị trường TPDN có dấu hiệu tăng trưởng nóng, xuất hiện một số hiện tượng huy động vốn chưa tuân thủ quy định của pháp luật. Do đó, để thị trường tiếp tục phát triển bền vững, minh bạch và hiệu quả, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và tăng cường công tác quản lý, giám sát.
Bộ Tài chính đã tiến hành đánh giá tình hình thị trường thời gian qua để xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành TPDN riêng lẻ. Dự thảo có nhiều nội dung mới, kỳ vọng sẽ tăng chất lượng phát hành trái phiếu riêng lẻ trong thời gian tới. Theo đó, dự thảo sửa đổi quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu đúng mục đích. Đồng thời, dự thảo cũng bổ sung quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với một số loại trái phiếu phát hành nhằm tăng tính công khai, minh bạch, góp phần nâng cao chất lượng trái phiếu được phát hành; đồng thời giúp thị trường có thói quen sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm để đánh giá rủi ro của trái phiếu, tiệm cận với thông lệ quốc tế, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư.
Theo nhận định của TS Nguyễn Duy Phương - Giám đốc đầu tư khối ngoại của quỹ DG Investmnet, trong nửa đầu năm 2022, thị trường TPDN có thể có “độ chững” lại nhất định để thích ứng với các văn bản hành lang pháp lý mới. Tuy nhiên, trong cả năm 2022 được dự báo sẽ tiếp tục có những bước phát triển với sự mở rộng cả về quy mô lẫn tính đa dạng của sản phẩm. Tính minh bạch thông tin của thị trường tiếp tục được cải thiện đi kèm với sự tuân thủ hành lang pháp lý nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững.
Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam cho biết, theo dữ liệu công bố đến ngày 1.1.2022 của Sở GDCK Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC), trong tháng 12.2021, có tổng cộng 80 đợt phát hành TPDN riêng lẻ trong nước với tổng giá trị phát hành 65.757 tỉ đồng. Ngân hàng và bất động sản hiện là 2 nhóm ngành phát hành khối lượng trái phiếu lớn nhất với giá trị lần lượt đạt 46.926 tỉ đồng và 9.538 tỉ đồng, chiếm 71,36 và 14,5% tổng giá trị phát hành của tháng. Tính chung cả năm 2021 có tổng cộng 964 đợt phát hành TPDN trong nước với tổng giá trị đạt gần 600 nghìn tỉ đồng.
Nhóm ngân hàng thương mại tiếp tục dẫn đầu về giá trị phát hành, nhóm bất động sản đứng ở vị trí thứ 2 trong đó có khoảng 29% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu. Lãi suất phát hành dao động trong khoảng 8-13%/năm. Các công ty chứng khoán trong năm 2021 cũng tận dụng việc thị trường chứng khoán bùng nổ, tích cực huy động trái phiếu nhằm bổ sung vốn kinh doanh cho vay margin. Cả năm, các công ty chứng khoán đã phát hành hơn 19 nghìn tỉ đồng TPDN. Kỳ hạn và lãi suất các trái phiếu không lớn, phù hợp với hoạt động kinh doanh, bình quân lần lượt chỉ 2,17 năm và 8,5%/năm.
Xem thêm: odl.2760001-peihgn-hnaod-ueihp-iart-gnourt-iht-ohc-hcab-hnim-hnit-neiht-iac/gnourt-iht/nv.gnodoal