Người dân chỉ được phép đốt một số loại pháo hoa do nhà máy Z121 sản xuất, song phải có giấy tờ chứng từ mua sử dụng, nếu không sẽ bị xử phạt.
Điều 17 Nghị định 137/2020/NĐ-CP, quy định người dân được phép đốt pháo hoa trong dịp lễ Tết khi đáp ứng các điều kiện sau: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Pháo hoa được mua của các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Theo đó, loại pháo hoa được người dân sử dụng trong dịp Tết là sản phẩm được chế tạo mà có các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc và không gây ra tiếng nổ.
Việc không gây ra tiếng nổ chính là đặc điểm quan trọng nhất để phân biệt pháo hoa người dân được phép sử dụng với loại pháo hoa nổ người dân không được phép đốt trong ngày Tết 2022.
Người dân chỉ được mua pháo hoa duy nhất tại một địa điểm là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoá chất 21 - Nhà máy Z121 qua website và các cửa hàng bán pháo hoa được phép kinh doanh tại đây.
Theo Quyết định 1044 ngày 11.1.2022 của công ty này, các loại pháo hoa được bán gồm: Ống phun nước bạc ngoài trời, trong nhà; Ống phun hoa lửa cầm tay; Cây hoa lửa, xoay; thác nước bạc; pháo hoa con sò đổi màu; Pháo hoa giàn phun viên.
Người mua khi muốn sử dụng thì phải cung cấp đầy đủ hoá đơn, chứng từ hợp lệ để cơ quan chức năng kiểm tra.
Như vậy, chỉ loại pháo hoa không gây tiếng nổ và được bán tại các cửa hàng được phép kinh doanh pháo hoa nêu trên mới là loại pháo hoa được phép sử dụng trong dịp Tết năm 2022.
Sau khi mua, người dân cần phải lưu giữ hoá đơn, chứng từ để xuất trình trong trường hợp cơ quan chức năng kiểm tra.
Nếu khi bị kiểm tra mà người dân không xuất trình được hoá đơn, chứng từ hợp lệ hoặc sử dụng loại pháo hoa không được phép thì theo điểm i khoản 3 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP sẽ bị phạt từ 5-10 triệu đồng.
Ngoài ra, nếu sử dụng trái phép pháo hoa thì còn bị tịch thu loại pháo hoa không được phép đốt.