Rong nho Khánh Hòa là một đặc sản định hình được thương hiệu trong lòng người dân và du khách khắp nơi. Một trong những người thành công trong việc chế biến rong nho xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ là ông Nguyễn Quang Duy - Giám đốc Công ty TNHH Sản Xuất Thương mại Xuất nhập khẩu D&T. Không chỉ làm chủ công nghệ chế biến rong nho hiện đại, ông Duy còn liên kết với người dân để chuyển giao công nghệ, cùng làm giàu bền vững…
Ông Nguyễn Quang Duy vốn là quản lý của một công ty dược ở Khánh Hòa. Trong một lần tình cờ thông qua một người bạn, ông Duy biết đến nghề trồng rong nho Nhật Bản và bắt đầu tìm hiểu.
Nhận thấy tiềm năng của rong nho, ông Duy một mình lang thang đến vương quốc rong nho Okinawa của Nhật Bản để tìm hiểu quy trình trồng, chế biển sản phẩm.
Tại Nhật Bản, ông Duy được tận mắt thấy công nghệ hiện đại người Nhật áp dụng trong việc chế biến rong nho. Từ những kết quả học được ở nước bạn, ông Duy nung nấu ý định đưa mặc hàng này về sản xuất và cung cấp cho người dân trong nước.
Tuy vậy, từ suy nghĩ đến thực tế là một việc chẳng dễ dàng. Hơn 8 năm liên tục nghiên cứu rong nho, ông Duy gặp không ít thất bại vì trồng không hiệu quả, sản lượng thấp và không có nơi tiêu thụ.
Bằng sự cố gắng học hỏi, đến nay ông Duy đã xây dựng được khu chế biến, đóng gói cùng với hệ thống bảo quản sản phẩm hiện đại.
Chưa hết, ông Duy cũng đã làm chủ công nghệ sản xuất sản phẩm rong nho tách nước khác biệt trên thị trường, được người tiêu dùng Nhật Bản, Mỹ chấp nhận. Sản phẩm này đã được chứng nhận HACCP, được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
So với sản phẩm cùng chủng loại của Nhật Bản, sản phẩm rong nho của ông Duy làm ra được tách khô hoàn toàn nên thuận tiện khi vận chuyển. Chưa hết, sản phẩm rong nho tách nước có thể bảo quản dài ngày...
Để làm được như thế, ông Duy đã áp dụng các giải pháp ngăn ngừa vi sinh và hơn hết là kiểm soát chặt được sản phẩm nguyên liệu đầu vào trong đó, nguồn nước biển phục vụ nuôi được xử lý, kiểm soát đảm bảo sạch, không có tạp chất nhờ hệ thống công nghệ lọc nước ozone.
Từ năm 2014, Viện Hải dương học, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đã nghiên cứu thành công quy trình trồng rong nho và được chuyển giao kỹ thuật để nông dân phát triển, trồng đại trà.
Theo lời ông Duy, khu vực biển vùng duyên hải miền Trung, nhất là ở Thị xã Sông Cầu (Phú Yên), Thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh) và phường Ninh Hải, Thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) và Cà Ná (Ninh Thuận) có điều kiện thổ nhưỡng, độ mặn cao, vùng vịnh lại kín sóng nên rất phù hợp để trồng rong nho.
Nhờ phát triển diện tích rong nho theo hướng liên kết với người dân, HTX nên đến nay, công ty của ông Duy đã có gần 100 ha vùng nguyên liệu. Trong đó 80% diện tích được liên kết gần 100 nông dân với sản lượng trung bình nhập về 8 tấn/ngày rong nguyên liệu.
Hiện tại, các nông dân liên kết với công ty ông Duy sẽ được đầu tư vốn sản xuất, chuyển giao công nghệ trồng rong nho phù hợp và bao tiêu toàn bộ đầu ra sản phẩm nhằm đảm bảo nông dân có lãi, yên tâm canh tác. Trong quá trình trồng rong nho, nếu gặp bất kỳ sự cố kỹ thuật nào đều được Công ty hướng dẫn, đưa ra giải pháp xử lý kịp thời.
“Hiện nông dân liên kết với Công ty trồng rong nho, sau khi trừ chi phí trung bình mỗi tháng lãi từ 10 - 15 triệu/ha. Nhiều nông dân có diện tích trồng từ 2 - 3 ha, mỗi tháng thu nhập từ 40 - 60 triệu đồng”, ông Duy chia sẻ.
Xem thêm: odl.081999-ioig-eht-ar-taux-ed-aoh-hnahk-ohn-gnor-mat-gnan/gnourt-iht/nv.gnodoal