Mặc dù có những cảnh báo thị trường sẽ điều chỉnh sau một chuỗi ngày dài thị trường vận động tích cực, nhưng việc thị trường “bay” hơn 50 điểm trong phiên ngày 18/8 cũng đã tác động rất lớn đến tâm lý nhà đầu tư. Theo ông/bà, đâu là “nguồn cơn” của phiên lao dốc ở phiên cuối tuần?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS
Thị trường cần 1 chặng nghỉ sau chuỗi ngày dài tăng điểm tích cực. Tín hiệu điều chỉnh cũng đã xuất hiện ít nhất từ 2 tuần gần nhất nhưng việc giảm điểm phiên thứ Sáu vừa qua cũng gây bất ngờ đối với nhiều nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng có hai nguyên nhân chính khiến thị trường giảm mạnh trong phiên 18/08/2023 là lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng mạnh do lo ngại lạm phát tăng và sự kiện vỡ nợ Evergrand.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đã tăng kéo dài trong 4 tuần liên tiếp khi các nhà đầu tư lo ngại về tình hình lạm phát tăng trở lại trong bối cảnh giá dầu và giá nông sản tăng trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, sự kiện vỡ nợ của Evergrand được xem là xúc tác mạnh cho áp lực giảm của thị trường trong phiên 18/08/2023.
Ngoài ra, tâm lý bảo toàn thành quả đã kích thích đà bán tháo thị trường khi chỉ số VN-Index xuyên thủng mức 1.200 điểm.
Ông Trịnh Viết Hoàng Minh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Kafi
Thị trường đã có một nhịp tăng tương đối dài kể từ tháng 5 đến nay, do đó rủi ro điều chỉnh sẽ rất lớn, và phiên vừa rồi là sự kết hợp của nhiều nguyên nhân có thể kể đến như:
Thứ nhất: Trong nhiều phiên, chỉ số VN-Index được nhiều mã trụ kéo, đặc biệt là sự kiện Vinfast niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ đã giúp cho nhóm cổ phiếu nhà VIC trở thành đầu tàu dẫn dắt chỉ số. Trong khi đó, có rất nhiều mã cổ phiếu giảm điểm trong 10 phiên trở lại đây. Do đó, sự tăng điểm của thị trường trong những phiên gần đây là tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng”, loại trừ nhóm VIC ra thì thật ra VNIndex trong tuần vừa rồi điều chỉnh nhẹ.
Thứ hai: Tỷ giá là đề tài được đề cập nhiều nhất trong tuần qua khi tỷ giá trung tâm*, tỷ giá bán USD niêm yết tại NHNN, tỷ giá tại các NHTM và tỷ giá trên thị trường tự do đều đồng loạt tăng mạnh trong tuần qua. Biến động tỷ giá trong thời gian gần đây gây ra tác động rất lớn đến dòng tiền đầu tư cũng như tâm lý các nhà đầu tư trong và ngoài nước, qua đó gián tiếp ảnh hưởng đến dòng tiền của thị trường chứng khoán.
Ông Trịnh Viết Hoàng Minh |
Thứ ba: Chênh lệch chính sách tiền tệ giữa Việt Nam với Mỹ khiến lãi suất thực của Việt Nam đang dần thấp hơn lãi suất thực của Mỹ từ đó cũng gây áp lực lên tỷ giá và lo ngại sự đảo chiều dòng vốn đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán.
Thứ tư: Thông tin tập đoàn Evergrande của Trung Quốc nộp đơn xin bảo hộ phá sản trong bối cảnh các khoản nợ tín dụng đến hạn trong năm nay của các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc đã vượt mức 1.000 tỷ nhân dân tệ, tương đương 138 tỷ USD đã tác động tiêu cực đến tâm lý và góc nhìn của nhà đầu tư trong nước, khi mà các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam cũng đang trong tình trạng cạn kiệt thanh khoản, gặp khó khăn với các khoản vay và trái phiếu, các nhà đầu tư đang nhìn thấy rủi ro các doanh nghiệp bất động sản trong nước có thể đi theo “vết xe đổ” của Evergrande.
Áp lực bán gia tăng mạnh trên diện rộng khiến các cổ phiếu “xanh mắt mèo”, ông/bà đánh giá như thế nào về hành động “bắt dao rơi” trong phiên 18/8?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS
Có lẽ việc mua vào khi thị trường giảm sâu phiên 18/8 cũng là một chiến lược hợp lý bởi nhiều cổ phiếu chất lượng giảm điểm mạnh trong một vài phiên rồi có thể là điểm mua tốt tất nhiên còn tùy thuộc vào trạng thái danh mục cổ phiếu của nhà đầu tư nắm ít hay nắm nhiều hay với việc mua ngắn hạn. Nếu mua nắm giữ với tầm nhìn dài ở các phiên giảm điểm sâu ở một số cổ phiếu chọn lọc thì lại là chiến lược cần thiết.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng đà giảm của thị trường chưa thể dừng lại và chỉ số VN-Index có thể sẽ tiếp tục hướng về các mức thấp hơn trong tuần giao dịch tới. Tuy nhiên, đà giảm có thể sẽ sớm kết thúc trong thời điểm này khi rủi ro từ áp lực bán giải chấp sẽ không lớn do danh mục cho vay margin của các CTCK hiện nay khá an toàn, chưa kể lãi suất huy động giảm cho nên cầu đầu tư vào TTCK ở mức cao.
Trong ngắn hạn, thị trường có thể tiếp tục đà giảm vào tuần tới nhưng các nhà đầu tư hạn chế bắt giao rơi ngay và cần chờ nhịp giảm mạnh hơn về lần lượt các vùng hỗ trợ 1.160 điểm của chỉ số VN-Index. Trong trường xấu nhất chỉ số VN-Index có thể giảm về 1.125 điểm.
Ông Trịnh Viết Hoàng Minh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Kafi
Áp lực bán tăng vọt trên diện rộng trên cả 3 sàn, chỉ tính riêng trên HOSE đã có đến 486 mã giảm điểm, trong đó có 158 mã đóng cửa ở mức sàn. Theo quan sát, áp lực bán trên diện rộng có sự hiện diện và đồng thuận của nhóm nhà đầu tư cá nhân đóng vai trò trụ đỡ chính cho thị trường trong 1 tháng vừa qua.
Trong khi nhóm nhà đầu tư khối ngoại và tự doanh đã tập trung bán ròng trong 1 tháng vừa qua đặc biệt khi VN-Index đột phá đến các vùng kháng cự mạnh tại 1.230-1.250 điểm, nhà đầu tư cá nhân duy trì lực cầu mạnh. Tuy vậy, với dòng vốn từ nhóm nhà đầu tư cá nhân có xu hướng chuyển đổi nhanh chóng và thiên về giao dịch ngắn hạn, thực tế cho thấy hoạt động chốt lời và bán tháo theo tâm lý đám đông gây ra phiên giảm sâu đáng chú ý.
Trong suốt phiên ngày 18/8, lực cầu nhìn chung là có hiện diện tuy vậy chỉ ở mức thăm dò và cầm chừng, và chưa thể cân bằng được với lực bán ra trên diện rộng. Như đã nói ở trên, áp lực bán do hoạt động chốt lời lời ngắn hạn và đánh giá lại rủi ro thị trường sau thời kỳ tăng điểm mạnh nhìn chung là chưa thể chấm dứt trong 1 phiên. Do đó, hành động “bắt dao rơi” thăm dò ngắn hạn tiềm ẩn rủi ro khi VN-Index còn có thể hướng tới các vùng hỗ trợ tiếp theo tại 1.170 điểm hoặc xa hơn là vùng 1.150 điểm.
Tâm lý ngắn hạn của thị trường bị ảnh hưởng tâm lý đám đông và do đó diễn biến giá có thể trở nên khó lường. Tuy vậy, hành động bắt đáy thăm dò có thể mang lại hiệu quả trong các phiên tiếp theo khi dòng tiền bắt đầu phân hóa và có sự chọn lọc đối với các cổ phiếu mạnh, có tiềm năng và câu chuyện trong năm 2023.
Trong ngắn hạn, cụ thể là trong tuần tới, ông/bà nhìn nhận thị trường thị trường sẽ chuyển động theo xu hướng nào?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS
Ông Lê Đức Khánh |
Áp lực điều chỉnh có thể diễn ra ngay ở 1 đến 1,5 phiên giao dịch đầu tuần nhưng việc bật hồi trở lại có thể diễn ra ngay cho dù có thể không bù đắp được phiên giảm điểm cuối tuần trước. Nhìn chung thị trường đang trong pha điều chỉnh thì tuần tới sẽ là tuần "dò đáy ngắn hạn" của đợt điều chỉnh này.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Như đã nhận định trên, xu hướng giảm ngắn hạn của thị trường chung có thể sẽ tiếp diễn vào tuần tới, nếu chỉ số VN-Index có thể nhanh chóng giảm về các mức hỗ trợ quan trọng 1.160 điểm và tiêu cực hơn là 1.125 điểm thì tôi kỳ vọng đà giảm có thể nhanh chóng kết thúc.
Ông Trịnh Viết Hoàng Minh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Kafi
Ngày 18/08 vừa qua, phiên giao dịch đã chứng kiến một sự giảm mạnh, góp phần xác nhận rằng thị trường đang bước vào giai đoạn điều chỉnh. Mặc dù tình hình ngắn hạn đang chịu tác động mạnh từ hoạt động chốt lời, nhưng từ quan điểm của chúng tôi, xu hướng chung vẫn chưa có dấu hiệu rõ ràng thay đổi và quay lại thị trường giảm giá. Dòng tiền vẫn đang duy trì sự tích cực và nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội mới trong bối cảnh giá cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn.
Trong thời gian sắp tới, chúng tôi dự đoán sự phân hóa cao sẽ xuất hiện trong từng nhóm ngành và từng mã cổ phiếu cụ thể. Về mặt kỹ thuật, VN-Index dự kiến sẽ tiếp tục trải qua những phiên biến động, nhằm kiểm tra lại vùng hỗ trợ quan trọng tại mức 1.170-1.175 điểm hoặc có thể mở rộng đến vùng 1.130-1.150 điểm.
Mặc dù khả năng giảm sâu trong những phiên tiếp theo vẫn còn tồn tại, nhưng do dòng tiền vẫn duy trì tích cực và tâm lý thị trường dự kiến sẽ phục hồi từ tình trạng tiêu cực, chúng tôi kỳ vọng VN-Indexsẽ giảm đà suy giảm trong tuần tiếp theo.
Lúc thị trường đi lên, phần lớn nhà đầu tư chỉ mong cổ phiếu điều chỉnh giảm chút để mua vào, nhưng khi cổ phiếu đồng loạt giảm sàn thì lại không dám mua vì lo ngại thị trường có thể tiếp tục giảm. Ông/bà có nhìn nhận như thế về tâm lý nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS
Kinh nghiệm đầu tư và khả năng kiểm soát tâm lý của các nhà đầu tư mới sẽ vẫn là rào cản khiến các nhà đầu tư ít kinh nghiệm dễ bắt chước những hành động của đám đông hoặc các nhà đầu tư có kinh nghiệm hơn. Việc đi ngược số đông để đầu tư/giao dịch cổ phiếu hơn hay chỉ là việc kiên trì mua và nắm giữ một số cổ phiếu nhiều tiềm năng được ưa thích đôi khi lại là chiến lược phù hợp.
Việc thị trường giảm mạnh khiến số đông nhà đầu tư sợ hãi nhưng đây lại là cơ hội để xem xét cổ phiếu tốt nào đang giảm giá về mức giá hấp dẫn để mua gom không lại là lúc mà các nhà đầu tư cần theo dõi trong tuần.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Phần lớn giao dịch trên TTCK Việt Nam là các nhà đầu tư nhỏ lẻ với tỷ lệ chiếm 90% giá trị giao dịch toàn thị trường và thường các nhà đầu tư sẽ hành động theo xu hướng của thị trường. Ở thời điểm hiện tại, diễn biến thị trường cũng bị tác động rất nhiều từ yếu tố tâm lý, khi hiện nay các nhà đầu tư đang có tâm lý bi quan trở lại với diễn biến thị trường trong ngắn hạn.
Ông Nguyễn Thế Minh |
Ông Trịnh Viết Hoàng Minh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Kafi
Trong thời gian hai năm vừa qua, cộng đồng nhà đầu tư thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến nhiều biến động đáng kể khi VN-Index trải qua chuỗi giai đoạn tăng trưởng và suy giảm. Từ mức đỉnh 1.500 điểm vào đầu năm 2022, cho đến việc đạt đáy dài hạn vào cuối năm 2022 ở mức 880 điểm, những biến đổi này đã đánh dấu một hành trình "xương máu" cho các nhà đầu tư kinh nghiệm.
Trải qua quãng thời gian này, thị trường đã liên tục tăng điểm, đưa VN-Index tăng 20% từ tháng 4 đến thời điểm hiện tại, và đạt mức P/E xung quanh 15. Tuy nhiên, tình hình hồi phục của kết quả kinh doanh vẫn chưa thực sự cải thiện như kỳ vọng. Nhiều mã cổ phiếu, đặc biệt là nhóm bluechips vốn hóa lớn, đã trải qua mức tăng ấn tượng từ 40 - 60% từ vùng đáy. Điều này đã tạo ra một tình thế khi các phiên điều chỉnh giảm vẫn chưa đủ mạnh để kích hoạt lực cầu, khi các nhà đầu tư đang đợi tại vùng giá hấp dẫn hơn và hợp lý hơn để tái nhập thị trường.
Chính vì vậy, các nhà đầu tư vẫn đang mong chờ mức giá giảm sâu hơn và vùng giá hợp lý hơn, phù hợp với tình hình cơ bản chung của nền kinh tế. Trải qua những biến động gần đây, nhà đầu tư đã tích luỹ nhiều kinh nghiệm quý báu, và họ tỏ ra thận trọng hơn trong việc quyết định giao dịch và đầu tư, với mục tiêu đảm bảo rủi ro và tối ưu hóa lợi nhuận.
Nếu coi những phiên điều chỉnh là cơ hội để tái cơ cấu danh mục, thì đâu là nhóm cổ phiếu đủ hấp dẫn để giải ngân ở thời điểm này, theo ông/bà?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS
Những doanh nghiệp đang ăn nên làm ra, có kết quả kinh doanh khởi sắc không chỉ nửa cuối năm và cả năm 2023, ra với mức giá cổ phiếu hấp dẫn sẽ là cơ hội với các nhà đầu tư trên thị trường cho dù họ là nhà đầu tư hay người ưa thích việc giao dịch ngắn hạn. Có lẽ một số cổ phiếu chọn lọc thuộc nhóm công nghệ, dầu khí, hóa chất, tài chính... là những cổ phiếu vẫn có thể căn giá mua vào trong giai đoạn hiện nay.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Tôi khá ưa thích vào nhóm cổ phiếu chứng khoán, bất động sản, hóa chất, dịch vụ dầu khí, công nghệ, sản xuất điện.
Ông Trịnh Viết Hoàng Minh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Kafi
Hiện tại, chúng tôi đang chú ý 2 nhóm cổ phiếu: một là nhóm cổ phiếu ngân hàng và hai là nhóm được hưởng lợi từ các chính sách đầu tư công của chính phủ.
Đối với nhóm ngân hàng, đây là nhóm có tỷ trọng vốn hóa lớn nhất trong VN-Index, và chúng tôi cũng kỳ vọng nhóm này sẽ góp phần lớn vào việc dẫn dắt thị trường trong giai đoạn nửa cuối năm 2023. Ngành ngân hàng hiện được chúng tôi kỳ vọng có tăng trưởng tín dụng cao hơn nửa đầu năm và tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) được cải thiện. Với các chính sách của chính phủ nhằm kích thích dòng vốn cho nền kinh tế, chúng tôi tin rằng ngành ngân hàng sẽ là một trong những ngành được hưởng lợi và có tiềm năng trong nửa cuối năm nay.
Về phía đầu tư công, chúng ta có thể thấy được rất nhiều dự án đầu tư công đang và sẽ được triển khai trong giai đoạn từ nay đến đầu năm 2024, tiêu biểu như các cấu phần trong dự án sân bay Long Thành hay dự án cao tốc bắc nam, các tuyến đường vành đai và hệ thống đường cao tốc. Do đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng sẽ được hưởng lợi lớn.
Chúng ta cũng cần lưu ý rằng, giải ngân cho đầu tư công thường có xu hướng “tăng tốc” trong giai đoạn cuối năm, điều này có thể tạo động lực để thúc đẩy cho hoạt động của nhóm xây dựng cơ sở hạ tầng. Đối với nhóm vật liệu xây dựng, chúng tôi đang tập trung vào các doanh nghiệp kinh doanh và khai thác đá, xi măng, nhựa đường.