Tất bật trong những ngày cuối năm, vị cá mập ngành hàng gia dụng vẫn dành thời gian chia sẻ với chúng tôi về tầm nhìn của Sunhouse cũng như công cuộc bắt tay với các startup sau bể cá mập.
"Sự kết nối giữa tập đoàn lớn và startup sẽ mang tính cộng hưởng. Startup có tính linh hoạt, ra quyết định nhanh. Doanh nghiệp lớn có tính quy mô, nguồn lực tài chính cũng như kỹ năng quản lý, quản trị doanh nghiệp", Shark Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT Sunhouse - phân tích.
Chỉ sau 3 tháng phục hồi, Sunhouse lấy lại toàn bộ doanh số đã mất, năm tới xuất khẩu tăng 6 - 7 lần
* Một năm Covid nữa vừa kết thúc với thời gian giãn cách xã hội kéo dài. Sunhouse đã bước qua năm vừa qua thế nào?
Có thể nói rất nhiều ngành kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Đại dịch Covid-19 gây ra nhiều đứt gãy, cả về các hoạt động kinh tế lẫn tinh thần, thậm chí có thể nói sau đợt dịch này, rất nhiều thói quen của người tiêu dùng cũng như của người dân nói chung thay đổi.
Bản thân Sunhouse cũng không ngoại lệ, trong quá trình sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nhiều. Nhưng chúng tôi rất may mắn vì thuộc nhóm ngành nghề ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch nhất. Đại dịch xảy ra thì người tiêu dùng vẫn phải nấu nướng, thậm chí phải nấu nướng nhiều hơn. Khi mở cửa trở lại, nhu cầu người dùng tăng lên rất cao. Bản thân Sunhouse là doanh nghiệp có tiềm lực cũng như chuẩn bị khá tốt ở các kịch bản khác nhau. Chính vì vậy, có thể nói chỉ sau 3 tháng phục hồi, chúng tôi đã lấy lại toàn bộ doanh số đã mất của 3 tháng lockdown.
Năm 2022, Sunhouse vẫn duy trì tăng trưởng thị trường nội địa khoảng 15-20%, và đặc biệt xuất khẩu tăng trưởng vượt bậc 6 - 7 lần so với cùng kỳ. Tổng thể Sunhouse tăng khoảng 25 – 27% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ có doanh nghiệp nào chuẩn bị tốt thì sẽ tiếp tục phát triển và ngược lại, những doanh nghiệp không có sự chuẩn bị tốt, gặp sự cạnh tranh mạnh mẽ, đâu đó cũng rất khó khăn.
* Trước nay nhắc đến Sunhouse mọi người hay nói đến nồi, niêu, xoong, chảo. Thời gian gần đây, Sunhouse ra đời nhiều sản phẩm mới, với hàm lượng công nghệ nhiều hơn. Đây có phải yếu tố anh đề cập trước đó, thói quen người dùng thay đổi Sunhouse sẽ thay đổi theo?
Khi thành lập Sunhouse, bản thân tôi rất mong muốn tạo ra những sản phẩm hoặc biến sản phẩm luxury (Xa xỉ), nhiều tính năng smart (Thông minh) - những sản phẩm trước đây có giá thành rất cao, được sở hữu bởi những tập đoàn đa quốc gia, người tiêu dùng Việt đặc biệt là tầng lớp trung lưu và đa số người dân không đủ năng lực thanh toán, mặc dù họ rất muốn - thành những sản phẩm vừa thông minh, vừa an toàn, với giá thành phù hợp với đại đa số.
SH hiện tập trung vào khâu R&D (Nghiên cứu và Phát triển) cũng như tìm kiếm để kết hợp với các startup trẻ, có kiến thức mới, đặc biệt về công nghệ, liên quan đến các giải pháp công nghệ smart để ứng dụng vào các sản phẩm truyền thống, biến các sản phẩm truyền thống trước đây không smart trở nên thông minh, tiện dụng, dễ sử dụng và an toàn hơn cho người tiêu dùng.
Shark Phú sau biệt danh "Vua Chảo" sẽ là Vua gì?
* Cách đây chừng 5 năm, báo giới hay gọi anh là "Vua Chảo". Với hướng đi mới của Sunhouse - đưa tính smart vào các sản phẩm truyền thống, chúng tôi nên đổi cách gọi anh Phú là Vua gì?
Khi người tiêu dùng tôn vinh, về bản chất, doanh nghiệp phải tạo ra được sản phẩm mang tính quốc dân, tức phải dẫn dắt được thị trường và được đa số người dùng công nhận cả về chất lượng, mẫu mã hay tính năng… Tức, anh phải chiếm được thị phần rất lớn.
Sunhouse trước đây, những sản phẩm đầu tay là chảo, nay có thêm nhiều sản phẩm mới như máy lọc nước RO, nồi cơm điện, bếp gas... Với mỗi nhóm hàng, Sunhouse hy vọng tạo ra những sản phẩm đột phá, hàm chứa nhiều tính năng cũng như mang tính ưu việt để làm sao người tiêu dùng nhận diện và chấp nhận mua, sử dụng. Và những nhóm sản phẩm đó khi chiếm lĩnh thị phần lớn thì có thể xuất hiện nhiều danh hiệu mới mà tôi cũng chưa biết (cười).
Tôi tin những sản phẩm truyền thống khi đưa tính smart vào, kết hợp giữa cái cổ truyền (nhu cầu cơ bản) với tính thông minh (làm giá thành rẻ hơn, thông minh hơn, dễ sử dụng hơn) sẽ thành công, cũng giống như câu chuyện kết hợp với An Home, đưa tính smart vào máy lọc nước RO mới đây vậy.
* Anh nhìn nhận tính cạnh tranh trong thị trường nhà bếp năm 2022 sẽ ra sao?
Đương nhiên tính cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt. Về bản chất, Việt Nam rất gần với Trung Quốc - ông vua của ngành gia dụng. Hiện thuế xuất nhập khẩu của hàng hóa thành phẩm Trung Quốc vào Việt Nam gần như bằng 0. Các doanh nghiệp Việt Nam đang phải chịu một sự bất công rất lớn, khi một loạt nguyên liệu cơ bản dùng cho sản xuất hàng gia dụng lại bị đánh thuế chống phá giá, điển hình như inox, tôn, mạ, kính… đều chịu thuế chống phá giá 25%. Chính vì vậy, giá thành của sản phẩm sản xuất tại Việt Nam bị cao hơn rất nhiều so với sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc.
Chưa kể, hiện đa phần các nguyên liệu cơ bản nói trên thì Trung Quốc là vô địch, việc Trung Quốc dừng hoàn thuế cho nguyên liệu xuất khẩu dẫn tới việc nguyên liệu của các doanh nghiệp Việt Nam mua thường cao hơn các doanh nghiệp Trung Quốc khoảng 13%. Nếu cộng thêm phí vận chuyển, chúng ta đã mua nguyên liệu cao hơn khoảng 20%.
Trong khi nhập về đây, chúng ta bị cộng thêm 25% tiền thuế. Vậy thì làm sao các doanh nghiệp nội địa có thể cạnh tranh được với doanh nghiệp Trung Quốc? Đấy là lý do rất bất lợi cho doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng của Việt Nam để có sức cạnh tranh, mà việc này rất mong các cơ quan quản lý Nhà nước cần nghiên cứu nhanh, nếu không thì thực sự rất khó khăn với doanh nghiệp trong nước.
"Chỉ ném một khoản tiền cho startup rồi để mặc thì đa phần các bạn sẽ thất bại"
* Quay trở lại câu chuyện kết hợp giữa một doanh nghiệp lớn và một startup. Shark Tank Việt Nam sau 2 mùa đầu tiên, anh có chia sẻ rằng đầu tư vào startup không được thương vụ nào. Nhưng có vẻ sau Shark Tank mùa 4, anh rất hài lòng với các startup anh cam kết rót vốn?
Về bản chất, nếu các startup đứng độc lập rất khó thành công. Chính vì thế, tôi thay đổi chiến lược, tìm kiếm startup hỗ trợ, bù trừ trong hệ sinh thái của Sunhouse, và họ phải cam kết đồng hành cùng mình. Lúc đó, hai bên sẽ bổ trợ cho nhau. Startup có ý tưởng mới, kiến thức mới, trẻ, năng động, nhiệt huyết, nhưng thiếu rất nhiều kinh nghiệm quản trị, quản lý cũng như tài chính… Chúng tôi sẽ hỗ trợ những cái họ thiếu.
Ngược lại, chúng tôi là doanh nghiệp lớn, bản thân tôi rất nhiều việc, không thể đi sâu vào từng lĩnh vực cụ thể, các startup sẽ là chuyên gia sâu ở những mảng Sunhouse khó có năng lực cạnh tranh hoặc không thể làm nhanh, đi sâu như họ. Chúng tôi kết hợp cả chiều rộng lẫn chiều sâu thì cả hai bên sẽ dễ thành công hơn.
* Theo thống kê từ Shark Tank Việt Nam, sau mùa 4, Shark Phú đã thành công chốt deal và cam kết đầu tư 34,3 triệu đồng cho 8 startup. Ngoài An Home, các startup còn lại tính tiềm năng năng và tính khả thi trong việc rót vốn đến đâu?
Nếu đầu tư theo kiểu ném một khoản tiền rồi để mặc startup thì 99,9% là các bạn thất bại.
Tiền thì chưa đủ. Cho nên chúng tôi thay đổi chiến lược. Những startup mới sau này tôi đều yêu cầu họ phải tham gia làm một phần trong hệ sinh thái của Sunhouse, lúc ấy chúng tôi mới đầu tư sâu, đồng hành và chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm cũng như nguồn vốn giúp họ thành công.
Nhưng không phải ai cũng chấp nhận điều đó. Những startup còn lại đang trong quá trình DD (Thẩm định doanh nghiệp) và thống nhất về mặt chiến lược. Ai phù hợp với chiến lược đó thì có thể được giải ngân. Tôi hy vọng sẽ có thêm vài ba startup nữa để đầu tư.
Chiến lược rất quan trọng 5 năm tiếp theo ở Sunhouse: Đi tìm F2
* Các doanh nhân thường sắp xếp để con cái kế nghiệp mình. Anh đào tạo người kế nghiệp như thế nào?
Chuyện kế nghiệp cũng là chuyện may mắn. Mỗi người sinh ra trong nhân loại đều được trao một sứ mệnh nào đó. Tạo hóa như vậy thì mới tạo ra sự cân bằng trong hệ sinh thái. Nếu ai cũng làm một việc đâu thành xã hội? Xã hội phải đầy đủ thành phần, người thích trở thành nhà văn, người thích thành họa sĩ, ca sĩ, người thích thành doanh nhân, nhà chính trị. Việc con cái có kế nghiệp hay không, thì cái đầu tiên là bản chất đứa trẻ đó có mong muốn hay không.
Sau đó, phải tạo ra môi trường để sự ham thích đó được phát triển. Câu chuyện ở đây mình cũng phải nhìn nhận con mình nếu có tố chất thì tạo môi trường để tố chất đó phát triển. Còn nếu con mình có hệ giá trị khác, sứ mệnh khác được ban tặng thì bản thân tôi không cố ép, vì mỗi người sẽ tạo ra giá trị cho mình, cho xã hội. Bản thân tôi sẽ cố gắng bồi đắp cho con mình hệ giá trị, sứ mệnh mà bản thân nó mong muốn, thì sẽ tốt hơn là mình ép buộc theo hệ giá trị của mình.
Với người kế nghiệp ở Sunhouse, tôi quan niệm, doanh nghiệp là của mọi người, và chúng ta sẽ tìm ra người nào tạo ra giá trị tốt nhất cho doanh nghiệp cũng như xã hội thì người đó phải là lãnh đạo doanh nghiệp, thì doanh nghiệp ấy sẽ bền vững và phát triển được. Người đó có thể là con mình, cũng có thể là người ngoài, việc phải chọn con mình hay không không quan trọng với tôi.
* Tầm nhìn của anh với Sunhouse 5 năm tới ra sao?
Bản thân thế hệ F1 của Sunhouse là cá nhân tôi cũng như đội ngũ đã tạo dựng được nền móng cơ bản. Doanh nghiệp đã trải qua 20 năm hình thành, trải qua một thế hệ. Trong 5 năm tiếp theo, ngoài chiến lược sản xuất kinh doanh, mở rộng ngành hàng và thị trường, còn một chiến lược rất quan trọng là tìm ra đội ngũ kế cận. Đấy là chiến lược then chốt bậc nhất của Sunhouse trong 5 năm tới: Tìm ra thế hệ F2, F3 cùng hệ giá trị, cùng tầm nhìn, khát khao mong muốn để tiếp tục phát triển doanh nghiệp.
* Anh có đặt ra các tiêu chí tìm người kế cận?
Người tiêu dùng liên tục thay đổi, do thu nhập thay đổi, điều kiện hoàn cảnh môi trường thay đổi, người kế cận đó phải nắm bắt được nhu cầu thay đổi đó để tạo ra và điều chỉnh sản phẩm hiện tại phù hợp với nhu cầu mới của người tiêu dùng và cạnh tranh được với doanh nghiệp và sản phẩm cùng loại. Đấy chính là cái đội ngũ kế cận phải làm được.
Doanh nghiệp nào chọn được đội ngũ đó thì tiếp tục phát triển, không thì sẽ bị thu hẹp và thất bại thôi!
* Xin cảm ơn anh!
http://tintuc.vdong.vn/02/1210611.htmBảo Bảo
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị