Việc lên sàn không chỉ giúp ngân hàng tiếp cận dễ dàng hơn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước để huy động vốn, mà còn giúp ngân hàng tăng độ minh bạch.
Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ ban hành yêu cầu thực hiện việc niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần theo hướng đến hết năm 2020, toàn bộ ngân hàng thương mại niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức hoặc sàn UPCoM.
Trước đó, yêu cầu niêm yết đối với các cổ phiếu ngân hàng cũng được đề ra tại Chiến lược Phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 8.2018. Đầu năm 2021, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thống nhất với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là sẽ kiên quyết yêu cầu các ngân hàng phải lên sàn, muộn nhất là trong quý I/2021. Nếu ngân hàng nào không tuân thủ sẽ áp dụng biện pháp kỷ luật.
Tuy nhiên, trong năm 2021, có 3 ngân hàng chính thức đưa cổ phiếu lên sàn đó là cổ phiếu OCB của Ngân hàng Phương Đông, cổ phiếu SSB của SeABank niêm yết trên HoSE và cổ phiếu BAB của Bac A Bank niêm yết trên HNX. Ngoài ra, còn có 1 ngân hàng đưa cổ phiếu giao dịch lên sàn UPCoM đó là cổ phiếu của ngân hàng VietABank. Như vậy, tính cho đến nay, chỉ còn 3 ngân hàng là PVComBank, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và BaoVietBank chưa tiến hành niêm yết.
Trong số 3 ngân hàng chưa lên sàn, duy nhất SCB là ngân hàng đã có lộ trình lên sàn. Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường tổ chức cuối năm 2020 của ngân hàng này đã thông qua chủ trương tăng vốn và lộ trình niêm yết cổ phiếu SCB trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), chậm nhất là năm 2025.
Việc lên sàn không chỉ giúp ngân hàng tiếp cận dễ dàng hơn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước để huy động vốn, mà còn giúp ngân hàng tăng độ minh bạch. Cụ thể, một khi lên sàn, các ngân hàng sẽ phải công bố kịp thời, minh bạch hơn trong cung cấp thông tin về tình hình tài chính, đồng thời bị “soi” cặn kẽ hơn về kết quả kinh doanh, sở hữu chéo, vốn ảo… Chính vì vậy, theo phân tích của TS Nguyễn Duy Phương - Giám đốc Đầu tư khối ngoại quỹ DGInvestment, lý do khiến ngân hàng chần chừ lên sàn đó là sợ công khai minh bạch, nhất là những ngân hàng có kết quả kinh doanh yếu kém. Hoặc có những ngân hàng nợ xấu lớn chưa được xử lý, chủ yếu là hậu quả tồn đọng trong thời gian dài để lại. Nếu lên sàn tại thời điểm này, định giá cổ phiếu chưa tối ưu, nên lãnh đạo muốn chọn thời điểm thuận lợi hơn…
Nhìn lại, các ngân hàng chưa niêm yết đều công bố báo cáo tài chính rất trễ so với các nhà băng còn lại trong hệ thống. Thậm chí, phần thuyết minh báo cáo tài chính cũng bị giấu đi. Khi niêm yết, tất cả số liệu đều phải công khai từ lợi nhuận cho đến nợ xấu, trích lập dự phòng… Đơn cử như trong số 3 ngân hàng chưa chịu lên sàn, BaoVietBank là ngân hàng có tình hình tài chính "bí hiểm" nhất.
Theo quan điểm của Luật sư Nguyễn Thanh Nhã, để đảm bảo tính minh bạch đã đề ra, các cơ quan quản lý nên yêu cầu các ngân hàng này phải có lộ trình niêm yết rõ ràng, thậm chí phải dùng biện pháp mạnh như xử phạt hành chính, không cho phép mở phòng giao dịch mới, cấp room tín dụng hạn chế… Đây cũng là động lực để các ngân hàng này tái cơ cấu mạnh mẽ hơn.
Xem thêm: odl.0280001-nas-nel-uihc-auhc-gnah-nagn-3-noc-nav/et-hnik/nv.gnodoal