vĐồng tin tức tài chính 365

Hoàn thiện khung pháp lý, thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển

2022-12-13 10:25

Sau khi Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, Bộ Tài chính đã thực hiện những công việc gì để triển khai Luật vào cuộc sống? Theo ông, đâu là các lợi ích căn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm và người mua bảo hiểm với những quy định mới?

Ngày 16/6/2022, Quốc hội khoá XV, kỳ họp thứ 3 đã thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Luật mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, kỳ vọng sẽ tạo ra cú huých và những thay đổi cơ bản nhằm thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển an toàn, ổn định và bền vững.

Hoàn thiện khung pháp lý, thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển ảnh 1

Ông Cao Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính

Bởi lẽ, Luật đã thay đổi phương thức quản lý tài chính, quản lý doanh nghiệp, cho phép xác định vốn và quản lý doanh nghiệp theo rủi ro đặc thù của từng doanh nghiệp, không cào bằng như trước đây, từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có tình hình tài chính vững, quản trị lành mạnh phát triển và kịp thời chấn chỉnh các doanh nghiệp có biểu hiện chưa tốt về quản lý tài chính, quản trị rủi ro.

Thị trường sẽ minh bạch hơn do có các quy định rõ ràng về công khai thông tin.

Bên cạnh đó, Luật khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh bảo hiểm, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp và thị trường phát triển phù hợp xu thế cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo thuận tiện và thêm cơ hội tiếp cận sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm cho khách hàng.

Ngoài ra, Luật cải tiến, giảm các thủ tục hành chính và tạo chủ động cho doanh nghiệp trong phát triển sản phẩm bảo hiểm.

Doanh nghiệp không phải làm hồ sơ đề nghị phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm như trước, mà chỉ thực hiện đăng ký phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm.

Để Luật đi vào cuộc sống, Bộ Tài chính tiếp tục chủ trì hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan và phù hợp với định hướng phát triển, nhu cầu thực tiễn thị trường.

Bộ đang chủ trì xây dựng 3 nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) để trình Chính phủ và 3 thông tư hướng dẫn các nghị định theo Quyết định 917/QĐ-TTg ngày 1/8/2022 về việc ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, Nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua.

Thời gian gần đây, trên thị trường có hiện tượng khách hàng vay vốn ngân hàng bị “ép” mua bảo hiểm, Bộ Tài chính có giải pháp gì để chấn chỉnh?

Trước một số hiện tượng “ép” khách hàng mua bảo hiểm qua ngân hàng mà các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh, Bộ Tài chính đã có những giải pháp quyết liệt để chấn chỉnh, tạo niềm tin trên thị trường bảo hiểm.

Cụ thể, Bộ tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý và đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng.

Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã bổ sung một số quy định đối với hoạt động của đại lý bảo hiểm tổ chức. Để tăng cường trách nhiệm của đại lý tổ chức trong việc tư vấn sản phẩm, trong các văn bản hướng dẫn Luật, Bộ Tài chính dự kiến bổ sung nhóm quy định liên quan đến trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin cho bên mua bảo hiểm, quản lý chất lượng của nhân viên tư vấn trong đại lý tổ chức; bổ sung trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc kiểm tra, đánh giá và đảm bảo chất lượng dịch vụ đại lý bảo hiểm, đặc biệt là đối với kênh ngân hàng.

Đồng thời, Bộ thường xuyên quản lý, giám sát đối với hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng thông qua hệ thống báo cáo, quản lý giám sát. Nghiêm cấm hành vi ép buộc khách hàng mua bảo hiểm, trường hợp phát hiện vi phạm sẽ xem xét, xử lý nghiêm theo quy định.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đã ký với các ngân hàng; rà soát, nâng cao chất lượng công tác đào tạo và thi chứng chỉ đại lý bảo hiểm đối với các nhân viên ngân hàng; có các biện pháp nâng cao tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm khai thác qua kênh ngân hàng, đảm bảo hiệu quả, an toàn tài chính của doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.

Một số loại bảo hiểm bắt buộc chưa được thực hiện nghiêm, thủ tục chi trả bảo hiểm vẫn còn gây khó khăn cho người mua bảo hiểm. Giải pháp của Bộ Tài chính là gì?

Về vấn đề này, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng các chương trình truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, vai trò của bảo hiểm.

Hoàn thiện khung pháp lý, thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển ảnh 2

Thị trường bảo hiểm năm 2022 duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tổng doanh thu phí bảo hiểm tính đến ngày 30/11 ước đạt 220.959 tỷ đồng, tăng 15,67% so với cùng kỳ.

Theo quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), bảo hiểm bắt buộc là sản phẩm bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội, bao gồm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng. Khoản 3, Điều 8 của Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với bảo hiểm bắt buộc.

Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định về các nội dung này. Về cơ bản, dự thảo Nghị định kế thừa quy định pháp luật hiện hành về bảo hiểm bắt buộc. Riêng đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, Bộ tiếp tục rà soát, đề xuất quy định nhằm tạo điều kiện cho người tham gia bảo hiểm và bổ sung, sửa đổi một số quy định.

Cụ thể, bổ sung quy định căn cứ vào lịch sử tai nạn của từng xe cơ giới và năng lực chấp nhận rủi ro của mình, doanh nghiệp bảo hiểm chủ động xem xét, điều chỉnh giảm phí bảo hiểm. Mức giảm phí bảo hiểm tối đa là 15% tính trên mức phí bảo hiểm quy định tại Nghị định.

Về thu hẹp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, dự thảo Nghị định đã thu hẹp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo hướng chỉ loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong trường hợp lái xe điều khiển xe cơ giới mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức trị số bình thường theo hướng dẫn của Bộ Y tế (theo Nghị định 03/2021/NĐ-CP, lái xe điều khiển xe cơ giới mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn gây tai nạn sẽ không được bồi thường bảo hiểm).

Về đơn giản hóa hồ sơ bồi thường bảo hiểm, dự thảo Nghị định đã kế thừa quy định về hồ sơ bồi thường bảo hiểm tại Nghị định 03/2021/NĐ-CP, nhưng cắt giảm 2/5 chứng từ, tài liệu chứng minh thiệt hại về sức khỏe, tính mạng; chỉ thu thập tài liệu của cơ quan công an có thẩm quyền trong trường hợp tử vong, đồng thời quy định rõ thời hạn cơ quan có thẩm quyền phải cung cấp tài liệu cho doanh nghiệp bảo hiểm; bổ sung biên bản giám định xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất được thống nhất giữa doanh nghiệp bảo hiểm và chủ xe, người lái xe quy định nhằm đẩy nhanh tốc độ giải quyết bồi thường bảo hiểm.

Về công khai thông tin về bảo hiểm bắt buộc, dự thảo Nghị định bổ sung quy định về trách nhiệm của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam trong việc công khai thông tin về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Như vậy, Nghị định 03/2021/NĐ-CP, Thông tư 04/2021/TT-BTC và Nghị định sắp ban hành có nhiều điểm thay đổi, tập trung vào việc đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ bồi thường, tạo điều kiện cho việc chi trả bồi thường bảo hiểm được thực hiện nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và công sức cho các bên liên quan.

Các doanh nghiệp bảo hiểm thường chú trọng vào khâu tiếp thị, phân phối sản phẩm mà thiếu đi sự quan tâm cần thiết về truyền thông, hướng dẫn người dân về bảo hiểm. Bộ Tài chính có giải pháp gì giúp nâng cao nhận thức về một lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế này?

Đẩy mạnh tuyên truyền về bảo hiểm là một trong các nhóm giải pháp của Bộ Tài chính nhằm tiếp tục hỗ trợ thị trường bảo hiểm phát triển an toàn, bền vững, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân, bảo đảm an sinh xã hội, doanh nghiệp bảo hiểm có năng lực tài chính vững mạnh.

Theo đó, cơ quan quản lý sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến về vai trò, ý nghĩa, sự cần thiết của bảo hiểm, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đối với các tổ chức, cá nhân; phổ biến kịp thời các thay đổi về quy định pháp luật kinh doanh bảo hiểm, chính sách bảo hiểm của Nhà nước đối với người dân và các doanh nghiệp bảo hiểm, các tổ chức có liên quan; đa dạng hóa các phương thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo hiểm như qua các trang thông tin điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức sự kiện ngành bảo hiểm, các hội chợ, cuộc thi về bảo hiểm...

Trong đó, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm xây dựng các chương trình truyền thông về bảo hiểm.

Ông có thể chia sẻ các nhóm giải pháp khác của Bộ nhằm hỗ trợ thị trường bảo hiểm phát triển?

Tôi đã đề cập đến việc hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh bảo hiểm, nhưng muốn nói thêm, đó là xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), bao gồm các nội dung như hướng dẫn chi tiết về vốn trên cơ sở rủi ro, quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ, các biện pháp can thiệp đối với doanh nghiệp bảo hiểm; hướng dẫn việc thu thập, quản lý cơ sở dữ liệu chung, đồng bộ các thông tin về thị trường bảo hiểm nhằm phục vụ mục tiêu quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm; rà soát và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về triển khai các sản phẩm bảo hiểm có tính đặc thù, sản phẩm bảo hiểm có tác động an sinh xã hội, thúc đẩy đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội như bảo hiểm bắt buộc, bảo hiểm vi mô, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm thiên tai, liên kết bảo hiểm y tế thương mại và bảo hiểm y tế xã hội... theo hướng rõ ràng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp bảo hiểm ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 trong việc cấp đơn, giải quyết bồi thường bảo hiểm.

Về tăng cường năng lực tài chính, quản lý rủi ro, quản trị doanh nghiệp, chất lượng dịch vụ khách hàng và công khai minh bạch của doanh nghiệp bảo hiểm, Bộ Tài chính tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm nâng cao năng lực tài chính, quản trị tài chính, từ đó tăng sức cạnh tranh nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường và quy định pháp luật; xây dựng đầy đủ hệ thống quản trị rủi ro tại doanh nghiệp bảo hiểm, kịp thời phát hiện các rủi ro phát sinh từ hoạt động nghiệp vụ, hoạt động tài chính và quản trị doanh nghiệp nhằm đo lường, đánh giá, kiểm soát và loại bỏ rủi ro, giám sát và đánh giá lại rủi ro của từng hoạt động và các rủi ro liên quan đến các hoạt động này; doanh nghiệp bảo hiểm tự đánh giá, xếp loại, chủ động có biện pháp kiểm soát, phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro, hạn chế tổn thất, can thiệp và điều chỉnh kịp thời trong quá trình hoạt động nhằm ngăn chặn nguy cơ mất khả năng thanh toán, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh; tăng cường công khai thông tin đầy đủ, toàn diện, kịp thời nhằm giúp cho bên mua bảo hiểm và các tổ chức có liên quan hiểu rõ về cơ cấu tổ chức, tình hình hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính của doanh nghiệp, nâng cao kỷ luật và minh bạch của thị trường...

Về phía cơ quan quản lý, Bộ Tài chính sẽ tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm.

Cụ thể, chuyển đổi sang quản lý, giám sát trên cơ sở rủi ro thông qua việc kiểm tra chỉ tiêu an toàn vốn, phân loại, đánh giá doanh nghiệp, quản trị rủi ro, cập nhật và hoàn thiện hệ thống giám sát và cảnh báo sớm; xây dựng và ban hành sổ tay quản lý, giám sát bảo hiểm trên cơ sở rủi ro, trong đó xây dựng hồ sơ doanh nghiệp và xếp loại doanh nghiệp căn cứ vào rủi ro và các tiêu chí áp dụng các biện pháp can thiệp (nếu có); xây dựng và ban hành sổ tay kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp bảo hiểm; nâng cao vai trò và trách nhiệm của Bộ Tài chính trong quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật để răn đe, tăng tính tuân thủ của các doanh nghiệp; tăng cường trao đổi thông tin và phối hợp với các cơ quan có liên quan trong phát triển các sản phẩm bảo hiểm mới, phương thức kinh doanh mới và quản lý, giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam; đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan quản lý nước ngoài trong quản lý, giám sát các doanh nghiệp nhằm phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, quản lý, giám sát dịch vụ cung cấp bảo hiểm qua biên giới, hoạt động kinh doanh đa quốc gia; đẩy mạnh minh bạch hóa hoạt động quản lý, giám sát của cơ quan quản lý với thị trường bảo hiểm, trong đó thúc đẩy việc công khai các hoạt động quản lý giám sát hàng năm của cơ quan quản lý tương tự như các cơ quan quản lý bảo hiểm khác trên thế giới.

Một số nhóm giải pháp khác là phát triển và đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm, đa dạng và chuyên nghiệp hóa kênh phân phối bảo hiểm, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin…

Cụ thể các nhóm giải pháp đó là gì?

Về sản phẩm bảo hiểm, Bộ Tài chính khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm phát triển đa dạng các dòng sản phẩm mới, lấy khách hàng làm trọng tâm nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của các tổ chức, cá nhân trong nhiều hoạt động kinh tế và đời sống.

Đối với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, khuyến khích nghiên cứu phát triển các sản phẩm bảo hiểm dành cho người già; các sản phẩm bảo hiểm tích hợp các dịch vụ hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe cho người tham gia bảo hiểm.

Đối với lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp; các sản phẩm bảo hiểm rủi ro thảm họa, thiên tai, rủi ro mới phát sinh thông qua cơ chế quỹ rủi ro bảo hiểm; bảo hiểm xanh; sản phẩm bảo hiểm về an toàn, an ninh mạng và giao dịch trên không gian mạng; hợp tác, chia sẻ thông tin để xây dựng cơ sở phí bảo hiểm thuần, hạn chế cạnh tranh hạ phí bảo hiểm ảnh hưởng đến an toàn tài chính và giảm thiểu rủi ro trục lợi bảo hiểm.

Về kênh phân phối bảo hiểm, đa dạng hóa kênh phân phối theo hướng phục vụ tốt nhất bên mua bảo hiểm và tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận bảo hiểm một cách dễ dàng nhất; chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối thông qua việc ban hành quy định hoặc các quy tắc đạo đức hành nghề; xây dựng hệ thống đánh giá chất lượng hệ thống kênh phân phối; chuẩn hóa hoạt động phân phối bảo hiểm qua đại lý tổ chức, đại lý ngân hàng; nâng cao chất lượng đào tạo và thi đại lý bảo hiểm.

Về nguồn nhân lực bảo hiểm, sẽ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là tại lĩnh vực mới được quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) như quản trị rủi ro, vốn trên cơ sở rủi ro, quản lý tài chính doanh nghiệp bảo hiểm, công nghệ thông tin... thông qua việc đào tạo, tuyển dụng, cơ chế chi trả. Bên cạnh đó, tăng cường, đa dạng hóa hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và phổ biến kiến thức đối với thị trường bảo hiểm; ứng dụng công nghệ thông tin và xã hội hóa công tác đào tạo, tổ chức thi, cấp chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm, chứng chỉ phụ trợ bảo hiểm; tăng cường hợp tác đào tạo với các tổ chức đào tạo quốc tế về bảo hiểm và các lĩnh vực chuyên môn khác.

Về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, quản lý nhà nước hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Bộ Tài chính khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, ứng dụng trong tất cả các khâu của kinh doanh bảo hiểm, có biện pháp bảo vệ thông tin, bảo mật thông tin khách hàng; thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin giữa doanh nghiệp bảo hiểm nhằm phòng chống gian lận bảo hiểm, hỗ trợ và tư vấn pháp lý, giải quyết khiếu nại, cơ chế chia sẻ thông tin giữa cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu quốc gia; thúc đẩy chuyển đổi số công tác quản lý và phát triển thị trường bảo hiểm, phát triển và sử dụng các nền tảng số để thúc đẩy phát triển và tối ưu hóa thị trường bảo hiểm; ứng dụng các giải pháp công nghệ số, nền tảng số để giám sát, đo lường trực tuyến kết quả thực hiện các tiêu chí quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo hiểm đảm bảo minh bạch, chính xác, kịp thời.

Vai trò của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong lĩnh vực bảo hiểm thì sao?

Các tổ chức này có vai trò không nhỏ trong việc hỗ trợ thị trường bảo hiểm phát triển, kỳ vọng thời gian tới sẽ nâng cao vai trò trong tuyên truyền về bảo hiểm, tham gia hòa giải, giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Bộ Tài chính khuyến khích các tổ chức xã hội - nghề nghiệp tích cực là đầu mối của toàn thị trường trong việc tổng hợp ý kiến, phản ánh và đề xuất của các thành viên hội nghề nghiệp về cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm, cầu nối với các cơ quan có liên quan để thực thi chính sách hiệu quả; phát huy vai trò tự quản của các tổ chức này trong việc hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước trên các lĩnh vực pháp lý, thể chế, chính sách và đào tạo nguồn nhân lực, giám sát sự tuân thủ quy định pháp luật của các thành viên; phòng chống trục lợi bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Kết quả hoạt động của thị trường bảo hiểm năm 2022 có vẻ khả quan?

Trong những tháng đầu năm 2022, thị trường bảo hiểm Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trước tác động của dịch bệnh Covid-19. Mặc dù vậy, với nỗ lực triển khai hàng loạt chính sách của Chính phủ về hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế và việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực bảo hiểm, thị trường bảo hiểm tính đến ngày 30/11/2022 duy trì tốc độ tăng trưởng khá.

Cụ thể, thị trường có 78 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm (trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 26 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm) và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài. Ước tính, tổng tài sản của thị trường bảo hiểm đạt 806.855 tỷ đồng, tăng 18,73%; đầu tư trở lại nền kinh tế 669.671 tỷ đồng, tăng 19,07%; tổng nguồn vốn chủ sở hữu 174.213 tỷ đồng, tăng 14,39%; tổng doanh thu phí bảo hiểm 220.959 tỷ đồng, tăng 15,67%; chi trả quyền lợi bảo hiểm 52.001 tỷ đồng, tăng 22,16% so với cùng kỳ năm trước.

Xem thêm: lmth.927113tsop-neirt-tahp-meih-oab-gnourt-iht-yad-cuht-yl-pahp-gnuhk-neiht-naoh/nv.naohkgnuhchnahnnit.www

Comments:0 | Tags:Tin nhanh chứng khoán

“Hoàn thiện khung pháp lý, thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools