Sẽ không còn mục tiêu “Zero COVID”
Theo ông Willie Walsh, Tổng Giám đốc Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), tính đến thời điểm hiện tại, khi thế giới bắt đầu đón nhận các tin tốt về vaccine cũng như việc một số nước phát triển bắt đầu chuyển hướng chính sách từ “đóng cửa” sang “sống cùng COVID thì giá cổ phiếu hàng không đã tăng dần nhưng chưa thật sự hồi phục, những biến chủng COVID rình rập luôn ám ảnh ngành hàng không bất cứ khi nào.
Số liệu thống kê cho thấy, hàng không đang dần phục hồi nhờ các chương trình tiêm vaccine và chính sách mở cửa biên giới. Hiện tại, hầu hết các nước phát triển đã đạt được độ phủ thấp nhất 70%, nhưng số lượng khách bay còn thấp do tâm lý còn khá dè dặt trong việc đi lại, du lịch. “Đặc biệt, khu vực châu Á - Thái Bình Dương bị ảnh hưởng nhiều nhất do nhiều nước trong khu vực này áp dụng chính sách “Zero COVID”, tính đến thời điểm tháng 10/2021 (điển hình, Trung Quốc).
Tại khu vực châu Á Thái Bình Dương lượng khách đã giảm tới 78.3%, trong khi khả năng chuyên chở giảm tới 66.5%”, ông Willie Walsh nói.
Tương tự như vậy, việc áp dụng các chính sách phòng, chống COVID chặt chẽ ảnh hưởng tới tỷ lệ lấp đầy của các chuyến bay của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài khu vực này, tỷ lệ lấp đầy tại Trung Đông cũng giảm mạnh (26% so với 29.6% của châu Á). Lý do là do Trung Đông đóng vai trò trung chuyển cho các chuyến bay quốc tế giữa châu Á - châu Âu, châu Á - châu Mỹ nên khi châu Á đóng cửa, thị trường transit/trung chuyển bị ảnh hưởng nặng nề.
Điểm sáng nào “đỡ” ngành hàng không?
Theo thống kê của IATA, cho dù gặp rất nhiều khó khăn trong thị trường vận tải hành khách, tuy nhiên, việc tăng tỷ lệ chuyên chở hàng hoá được coi là điểm sáng của ngành hàng không trong đại dịch.
Số liệu thống kê cho thấy, từ đầu năm 2021 cho đến thời điểm 10/2021, nhu cầu vận chuyển hàng hóa của thị trường tăng rất cao so với năm 2019. Chính vì thế, nhiều hãng đã hoán cải máy bay từ chở khách sang chở hàng và coi như một cứu cánh. Mặc dù khả năng chuyên chở hàng có tốt hơn, nhưng chưa đáp ứng được hết nhu cầu thực của thị trường.
Một thống kê khá thú vị về thị trường hàng hóa cho thấy nhu cầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ - Latinh lại giảm, trong khi đó nhu cầu vận chuyển hàng hóa tại châu Phi, Trung Đông, Bắc Mỹ lại tăng mạnh (cá biệt Châu Phi tăng 32,4%). Tuy nhiên, có một số khu vực khả năng chuyên chở hàng hóa chưa được nâng cao như kỳ vọng (là châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ - Latinh) do tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 và chính sách “Zero COVID”.
Ông Willie Walsh cho biết, do mục tiêu của nhiều quốc gia đã sẵn sàng “sống chung với COVID-19” nên nhu cầu hàng không đang tăng trưởng rõ rệt.
IATA dự kiến, trong năm 2022, lưu lượng vận tải hàng không quốc tế sẽ tăng gấp đôi so với mức quá thấp trong giai đoạn đại dịch và sẽ đạt 44% so với mức trước dịch. Mặt khác, hàng không nội địa sẽ đạt 93% lưu lượng ở thời điểm trước dịch. “Năm 2020, tổn thất với ngành hàng không toàn cầu là 137,7 tỷ USD, sẽ giảm còn 52 tỷ USD trong năm 2021 và giảm tiếp xuống 12 tỷ USD trong năm 2022”, IATA dự báo.
Vị Tổng giám đốc IATA cũng kêu gọi các Chính phủ nên bỏ quy định hạn chế đi lại với hành khách đã tiêm phòng đầy đủ. Đồng thời, nên học theo mô hình chuẩn hóa quy định đi lại của Liên minh Châu Âu (EU). Ví dụ, EU đã công bố chứng nhận COVID-19 điện tử (EU DCC) trong thời gian rất ngắn, tạo điều kiện cho các nước trong khối sớm mở cửa đi lại.
EU DCC được cấp trên cả phiên bản giấy và điện tử (bao gồm 1 mã QR), chứa thông tin cần thiết về người được cấp. Tất cả người dân EU đã tiêm phòng đầy đủ, hồi phục sau COVID-19 và xét nghiệm âm tính trong khoảng thời gian cho phép đều có thể được cấp giấy. EU DCC được cấp miễn phí, có tiếng bản ngữ và tiếng Anh và có giá trị tại tất cả các nước EU và khu vực Schengen.
Tuy nhiên, EU mới chỉ công nhận các vaccine Moderna, Pfizer, AstraZeneca và Janssen, (chưa có sự thống nhất về vaccine của Trung Quốc và Nga). Giấy chứng nhận này đã được phát hành và xác minh thành công tại 27 nước EU cùng với các nước đối tác thứ 3 như Bắc Macedonia, Thổ Nhĩ Kỳ cùng Ukraine. Điều này mở rộng cơ hội đi lại cho nhiều quốc gia và đưa hàng không sớm phục hồi trở lại.
Hy vọng cho hàng không Việt
Trong những tháng qua, Việt Nam là nước có sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy phòng chống COVID-19, từ mục tiêu “Zero COVID” sang “sống chung với COVID” và tăng cường tiêm chủng. Từ đó, ngành hàng không giúp Việt Nam mở cửa trở lại đón khách quốc tế. Ngay trong tháng 11/2021, cả ba hãng hàng không là Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airway đã đón hàng trăm khách quốc tế đến Khánh Hoà, Phú Quốc, Quảng Nam… mở ra kỳ vọng sớm phục hồi cho ngành hàng không trong nước.
Ngày 29/11, sự kiện Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) thực hiện chuyến bay thẳng thường lệ đầu tiên tới Mỹ mở ra cơ hội cho một thị trường rộng lớn có nhiều Việt kiều và du học sinh Việt Nam.
khách Số liệu thống kê cho thấy, thị trường hàng không Việt - Mỹ ước đạt 1,4 triệu lượt vào năm 2019, tăng trưởng trung bình 8%/năm giai đoạn 2017-2019. Đây là thị trường có dung lượng đến Việt Nam lớn thứ 10 và thị trường lớn nhất chưa có đường bay thẳng đến Việt Nam trước đó.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, dù còn hơi sớm để đưa ra đánh giá, nhưng việc bay thẳng đến Mỹ là cơ hội lớn cho hàng không Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Không những vậy, trong tháng 11/2021 việc những đoàn khách quốc tế đầu tiên đã đặt chân đến Quảng Nam, Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hoà là tín hiệu tích cực cho ngành hàng không, du lịch hồi sinh.
Có được điều này là do sự điều hành quyết liệt, mạnh mẽ từ phía Chính phủ, các bộ ngành. Tới đây, tôi kỳ vọng chúng ta sẽ đón thêm nhiều khách từ các thị trường quốc tế trọng điểm khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Châu Âu, Australia, các nước trong khu vực Đông Nam Á…
Trao đổi với Nhà đầu tư, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam cho biết, trong 3 tháng trở lại đây, lưu lượng các chuyến bay đã tăng trở lại, cùng với chương trình tiêm vaccine đang được triển khai mạnh mẽ, chúng tôi đã trình Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ với nhiều quốc gia”.
Dự kiến, kế hoạch nối lại các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam được chia làm 3 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 dự kiến triển khai từ quý I/2022, đề xuất nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ với các thị trường Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Lào, Campuchia, Pháp, Đức, Nga, Anh, Úc.
Dự kiến 4 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên (dự kiến tổng lượng khách nhập cảnh Việt Nam khoảng 12.000 người/tuần). Giai đoạn 2, từ quý II/2022, dự kiến 7 chuyến/tuần/chiều cho mỗi hãng hàng không. Giai đoạn 3, khai thác chuyến bay quốc tế thường lệ theo nhu cầu, dự kiến từ quý III/2022.
Như vậy, đến cuối năm 2022, ngành hàng không Việt sẽ phục hồi lại các chuyến bay nội địa; đối với các đường bay quốc tế, từng bước mở cửa đón khách. Ngoài ra, đây cũng là lộ trình để Chính phủ đưa ra những quyết sách phù hợp với nhu cầu thực tiễn, thúc đẩy thị trường hàng không, du lịch và giao thương hồi sinh trở lại.
Đinh Tịnh
Nhà Đầu Tư
Xem thêm: nhc.9151618120202202-gnohk-gnah-hnagn-ohc-iom-gnov-yh-nel-paht/nv.zibefac