Dự kiến vào năm 2025, nền kinh tế số của Việt Nam sẽ đạt giá trị 57 tỉ USD, với tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 29%.
Kinh tế số dự báo sẽ vượt mức 57 tỉ USD vào năm 2025
Đại dịch COVID-19 làm thay đổi kinh tế toàn cầu, làm thay đổi đáng kể hành vi mua sắm của khách hàng. Theo đó, doanh nghiệp cũng phải thay đổi để thích ứng với kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh có thể kéo dài, có chiến lược số hóa các hoạt động để tiếp tục kinh doanh.
Mới đây, Công ty tư vấn về quản lý McKinsey đã khảo sát dịch vụ tài chính cá nhân về hành vi sử dụng ngân hàng số năm 2021 trên khoảng 20.000 khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng ở thành thị tại 15 thị trường Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Kết quả cho thấy, tại Việt Nam, tỉ lệ khách hàng Việt Nam dùng các công cụ ngân hàng số ít nhất một lần trong tháng đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2017-2021, từ 41% lên 82%. Tỉ lệ sử dụng công nghệ tài chính và ví điện tử tăng từ 16% năm 2017 lên 56% năm 2021...
Ngoài ngân hàng, hầu hết các ngành nghề buộc phải thích ứng với chuyển đổi số trong điều kiện bình thường mới hiện nay.
Dẫn lại nghiên cứu của Google Temasek và Bain & Company, TS.Cấn Văn Lực - cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV - Giám đốc Trường Đào tạo BIDV nhận định: Nền kinh tế số của Việt Nam dự báo sẽ đạt mốc 43 tỉ USD trong 4 năm tới. Đặc biệt, Hà Nội và TPHCM là 2 trong 7 thành phố lớn phát triển nền kinh tế số của khu vực. Nhờ có nền kinh tế số mà các ngành, nghề kinh doanh sôi động, từ thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến trên các trang mạng xã hội (Facebook, Instagram), giải trí (Netflix, Pinterest), giao thông vận tải (Uber, Grab, GoViet) đến phân phối, bán buôn và bán lẻ (Lazada, Shopee)... Quy mô thị trường thương mại điện tử đạt khoảng 5 tỉ USD, trong khi du lịch trực tuyến khoảng 4 tỉ USD, truyền thông trực tuyến đạt 3 tỉ USD, gọi xe công nghệ khoảng 1 tỉ USD.
“5 năm tới, nền kinh tế số của chúng ta có thể tăng trưởng mức cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, mức 29%. Trong khoảng 2 năm vừa qua, tác động của COVID-19, kinh tế số Việt Nam đã phát triển tương đối nhanh, khoảng 25-30%/năm, đặc biệt là lĩnh vực thương mại điện tử, tài chính, ngân hàng số. Kể cả lĩnh vực công nghệ tài chính, y tế, du lịch, giáo dục cũng chuyển đổi số tương đối mạnh”- TS Cấn Văn Lực nói.
Theo báo cáo e-Conomy SEA 2021 do Google, Temasek và Bain & Company nghiên cứu, Việt Nam có đến 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới kể từ khi đại dịch bắt đầu (tính đến nửa đầu năm 2021), 55% trong số đó đến từ các khu vực không thuộc cấp thành thị.
Mặc dù TS.Cấn Văn Lực thận trọng dự báo kinh tế số của Việt Nam chỉ đạt 43 tỉ USD vào năm 2025, tốc độ tăng trưởng 29%, nhưng báo cáo e-Conomy SEA 2021 lại lạc quan đánh giá thương mại điện tử của Việt Nam năm 2021 tăng trưởng tới 53%. Dự kiến vào năm 2025, toàn bộ nền kinh tế số của Việt Nam sẽ đạt giá trị 57 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 29%.
Chuẩn hóa cơ sở dữ liệu đón đầu giai đoạn "bùng nổ"
Theo TS Cấn Văn Lực, Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đến kinh tế số, đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, và ban hành quyết định của Chính phủ liên quan đến chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2025–2030. Tuy nhiên, thể chế cũng bộc lộ nhiều hạn chế như: Khung pháp lý vẫn còn chậm so với yêu cầu, những cơ chế thử nghiệm (Sandbox) trên nhiều lĩnh vực khác nhau chưa được ban hành; dữ liệu còn phân tán, chưa được hoàn thiện, rất khó khăn khi cần sử dụng dữ liệu để phân tích, đánh giá, dự báo... Điều này cần khắc phục ở mức sớm nhất.
Mục tiêu của Chính phủ đến năm 2030, nền kinh tế số đóng góp khoảng 30% GDP. Để phát triển kinh tế số trong đầu tư kinh doanh, Chính phủ cần sớm sửa đổi Luật Giao dịch điện tử; xây dựng khung pháp lý (gồm cả Sandbox) cho các hoạt động kinh doanh số, tài sản số. Do đó, cần hoàn thiện quy định về quản lý dữ liệu và chia sẻ thông tin, dữ liệu. Đặc biệt, cần chuẩn hóa cơ sở dữ liệu ở cả cấp quốc gia, quy định về dịch vụ đám mây cũng như quy định, chính sách bảo vệ người tiêu dùng tài chính, trong đó có tài chính số...
Kết quả nghiên cứu của McKinsey nhận định đến năm 2025, mức độ tác động của chuyển đổi số tới GDP của nước Mỹ là khoảng 25%, với Brazil là 35%, còn ở các nước Châu Âu khoảng 36%. Như vậy, tác động của chuyển đổi số đối với tăng trưởng GDP là rất lớn.
Xem thêm: odl.7980001-5202-man-oav-dsu-it-75-irt-aig-tad-on-gnub-man-teiv-os-et-hnik-oab-ud/et-hnik/nv.gnodoal